Chưa thấy đẹp, đã thấy... bệnh

HNN - Để lại số điện thoại trên một trang bán thuốc tăng, giảm cân, chúng tôi muốn tận mắt chứng kiến ma trận đang cuốn nhiều người - nhất là phụ nữ, vào cuộc chơi nguy hiểm như thế nào. Nhắn tin, nghe tư vấn và bày tỏ nguyện vọng muốn giảm cân..., càng đi sâu, càng thấy rõ những chiêu trò tinh vi và một thực trạng đáng lo: niềm tin dễ bị lợi dụng và áp lực ngoại hình là 'kẽ hở dịu dàng' nhất.

Dễ dàng tìm thấy các sản phẩm tăng, giảm cân trên mạng

Dễ dàng tìm thấy các sản phẩm tăng, giảm cân trên mạng

Suýt mất mạng

Chị L.N. - một phụ nữ 34 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP. Huế - từng tin rằng mình đã tìm thấy lối tắt để có được vóc dáng mơ ước. “Sau khi sinh con, tôi tăng gần 10kg. Tôi muốn giảm cân nhanh để tự tin hơn trong công việc. Lên mạng, tôi nhắn tin hỏi thử một TikToker nổi tiếng về “thuốc giảm cân thảo dược” vì thấy có cả trăm nghìn lượt theo dõi. Ngay lập tức, người bán gửi hình giấy kiểm nghiệm, tư vấn rất bài bản với loại thuốc chiết xuất từ 12 loại thảo dược quý, không gây mệt mỏi, lại “giảm cân thông minh”. Nhìn dưới các comment, thấy khách hàng toàn khen thuốc hiệu quả, uống vào là xuống cân vù vù, nhất là không có tác dụng phụ. Tôi tin nên không chút nghi ngờ và bỏ ra 3 triệu đồng để mua một liệu trình giảm cân trong 3 tháng. Ban đầu, đúng là cân nặng của tôi có giảm thật, nhưng khoảng 1 tuần sau, tôi bắt đầu mất ngủ, chán ăn, bủn rủn chân tay, tim đập mạnh. Lúc đó tôi mới thấy sợ. May là ngừng lại kịp”, chị N. thở dài.

Câu chuyện của chị N. khiến tôi nhớ đến trường hợp thương tâm của chị N.T.S. (trú tại xã Phong Mỹ, nay là thuộc phường Phong Điền). Tháng 5/2021, chị S. với mong muốn cải thiện cân nặng đã sử dụng thuốc tăng cân mua trên mạng. Được quảng cáo là “an toàn, chiết xuất tự nhiên”, thế nhưng ngay sau khi sử dụng, chị xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như phát ban giống thủy đậu, xuất huyết. Người nhà đưa chị đến Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) cấp cứu. Do các biến chứng nghiêm trọng, nghi ngờ liên quan đến việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, có thể chứa chất cấm hoặc thành phần độc hại, chị N.T.S. tử vong.

“Thần dược” được rao bán như kẹo

Chỉ với một cú nhấp chuột, chúng tôi thử tìm kiếm từ khóa “thuốc tăng, giảm cân” trên TikTok. Hàng loạt video hiện lên, với hình ảnh “trước - sau” đầy cuốn hút. Các sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo. Những lời quảng cáo nghe như rót mật vào tai: Uống là ốm, giảm từ 5kg - 7kg sau 10 ngày, không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục!”.

Một người bán hàng tự xưng là dược sĩ nhắn tin ngay sau khi chúng tôi để lại số điện thoại. Cô giới thiệu sản phẩm “được kiểm nghiệm, thảo dược 100%”, lại còn “tốt cho gan, thận, sáng da đẹp dáng”. “Dược sĩ” nhắn tin liên tục và thúc giục chúng tôi nhanh tay đặt hàng khi chương trình khuyến mãi sắp kết thúc. Để tăng độ tin cậy, cô gửi hình ảnh giấy kiểm định, ảnh mặc blouse trắng, thậm chí còn lồng ghép logo bệnh viện. Tất cả đều rất thuyết phục - cho đến khi chúng tôi đem những hình ảnh đó hỏi một người quen làm trong ngành y thì được “giác ngộ”: Giấy kiểm nghiệm được “trưng” qua mạng đó không có giá trị pháp lý và hoàn toàn có thể làm giả, còn hình ảnh bệnh viện thì bị cắt ghép.

Điều đó cho thấy, ma trận thuốc tăng, giảm cân không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn nằm ở sự dối trá được dàn dựng tinh vi - từ lời quảng cáo đến hình ảnh minh họa. Nhiều loại thực phẩm chức năng tăng, giảm cân hiện nay đã bị phát hiện chứa các chất cấm nguy hiểm. Trong đó, Sibutramine là một hoạt chất từng bị cấm lưu hành vì làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.

Một số sản phẩm khác còn chứa Corticoid, chất có thể gây hiện tượng giữ nước, khiến người dùng tăng cân ảo nhưng lại âm thầm phá hủy gan, thận và dễ dẫn đến tình trạng phụ thuộc. Đặc biệt nghiêm trọng là sự xuất hiện của Acid Aristolochic I - một độc chất chiết xuất từ cây phòng kỷ - đã được chứng minh là có khả năng gây suy thận mạn tính, tổn thương tiểu quản thận và thậm chí dẫn đến ung thư gan.

Chị N. là một trong số những người may mắn khi dừng lại kịp. Nhưng ngoài kia, vẫn còn hàng ngàn người - phần lớn là phụ nữ trẻ - tiếp tục tin tưởng mù quáng vào những “liệu trình thần tốc”, bất chấp mọi cảnh báo y tế.

Áp lực ngoại hình - căn nguyên sâu xa

Ở chiều ngược lại, do bị ám ảnh bởi cân nặng và nỗi sợ hãi mà béo phì gây ra khiến nhiều người cố gắng giảm cân bằng mọi cách. Cô Nguyễn Thị L., giáo viên dạy văn cho biết: “Một số học sinh nữ lớp tôi từng tìm kiếm thuốc giảm cân trên mạng. Có em mặc cảm khi có thân hình mập mạp nên âm thầm đặt mua thuốc, giấu cả gia đình”.

Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo: Thuốc giảm cân không phải là giải pháp thần kỳ. Việc tự ý sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc không chỉ gây rối loạn chuyển hóa, suy gan, suy thận, mà trong nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến tử vong. Điều đó càng củng cố thêm điều chúng tôi hiểu: Cái chết của chị N.T.S. không phải tai nạn, mà là hậu quả của một chuỗi niềm tin sai lầm nhưng áp vào thực tế của cơ thể: tin vào lời quảng cáo, tin vào hình ảnh ảo, và cuối cùng là tin rằng một viên thuốc có thể cải thiện vẻ đẹp hình thể của bản thân.

Theo PSG.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP. Huế, trước tình trạng thực phẩm chức năng giả tràn lan, ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khuyến cáo người dân thận trọng khi chọn mua sản phẩm giảm cân. Không nên tin tuyệt đối vào quảng cáo trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hay truyền miệng. Việc tự ý dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây rối loạn chuyển hóa, tổn thương gan, thận, tim mạch, thậm chí đe dọa tính mạng. Ngành y tế cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, khuyến khích giảm cân an toàn qua ăn uống khoa học, tập luyện và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bài, ảnh: HƯƠNG - HUẾ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/chua-thay-dep-da-thay-benh-156133.html