Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả triển khai khi 4 Luật có hiệu lực sớm

Sáng nay, 20.6, tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang.

Quyết tâm rất lớn đưa các luật sớm vào cuộc sống

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 13 cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; đồng thời nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang thảo luận tại tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang thảo luận tại tổ. Ảnh: Lâm Hiển

..

Nêu thực tế vừa qua có những luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành, trong khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng là những đạo luật rất lớn, rất quan trọng lại được Chính phủ đề nghị có hiệu lực sớm hơn, các đại biểu cho rằng, điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc sớm đưa các luật này vào cuộc sống.

" Ở đây thấy rõ mong muốn của Chính phủ đẩy sớm thời gian có hiệu lực thi hành của các luật để sớm khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, giúp cho việc sớm giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận tổ sáng 20.6. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận tổ sáng 20.6. Ảnh: Lâm Hiển

Bảo đảm lợi ích tối ưu của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Tuy nhiên, nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu chỉ rõ, để các luật có hiệu lực sớm hơn thì nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, do đó, Chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trong đó, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá tác động toàn diện khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 luật; tập trung làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp xử lý thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đánh giá rõ và sâu hơn các điều kiện bảo đảm thực hiện.

Theo quy định của dự thảo Luật, một số điều khoản chuyển tiếp của Luật Đất đai tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, cụ thể là khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai, trong khi các quy định chính sách của Luật Đất đai và toàn bộ nội dung còn lại của 3 luật đều có hiệu lực từ ngày 1.8.2024.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nêu vấn đề này, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị rà soát tránh phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở.

“Cụ thể, khoản 10 Điều 255 của Luật Đất đai về chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2025, trong khi Luật Nhà ở có hiệu lực vào ngày 1.8.2024 có thể dẫn đến trường hợp 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện chuyển tiếp 2 lần vào 2 thời điểm có hiệu lực thi hành khác nhau của 2 luật”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phân tích.

Cùng với đó, về tính khả thi, đại biểu cho biết, dự thảo Luật có nhiều thẩm quyền giao cho chính quyền địa phương, cụ thể, cơ quan thẩm tra dự án Luật đã tổng hợp có 20 nội dung đối với Luật Đất đai năm 2024, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở năm 2023. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, Chính phủ đã có cam kết trong Tờ trình số 322 nhưng cũng cần đánh giá thêm từ phía các địa phương.

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/chuan-bi-ky-luong-bao-dam-hieu-qua-trien-khai-khi-4-luat-co-hieu-luc-som-i376254/