Chuẩn bị nhân lực cho chu kỳ thu hút đầu tư mới

Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội mới trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài với dòng vốn chất lượng cao khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động cùng với nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia có tính kết nối cao.

Sinh viên ngành hàng không Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) tham quan cơ sở bảo dưỡng động cơ máy bay của Hãng hàng không Vietjet Air. Ảnh: Đ.CÔNG

Sinh viên ngành hàng không Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) tham quan cơ sở bảo dưỡng động cơ máy bay của Hãng hàng không Vietjet Air. Ảnh: Đ.CÔNG

Muốn thúc đẩy đầu tư cũng như tận dụng hiệu quả các dự án, tỉnh cần nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là ở những ngành mới như công nghệ điện tử.

Nhiều cơ hội cho lao động chất lượng cao

Từ khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khởi công đã thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư tìm đến Đồng Nai khảo sát cơ hội đầu tư. Thêm một động lực mới trong thu hút đầu tư tác động đến Đồng Nai, đó là Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến quan trọng khi nhiều hiệp định về thương mại, đầu tư được ký kết. Đặc biệt nhất là trong năm 2023 này, Việt Nam đã chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 2 cường quốc trên thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Việc nâng cấp các mối quan hệ chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư công nghệ mới, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Bám sát xu hướng thu hút đầu tư để đào tạo

Đồng Nai đang có nhiều cơ hội, tiềm năng lớn cho các cơ sở đào tạo, nhất là sắp tới hệ thống giao thông hoàn thiện, cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Các cơ sở đào tạo chỉ nắm bắt và giành được lợi thế khi dự báo tốt nhu cầu và xu hướng tuyển dụng lao động của DN, đặc biệt là những ngành công nghệ, điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Hiện nay, Hoa Kỳ mới chỉ có 30 dự án đầu tư tại Đồng Nai, đây được xem là con số khá ít ỏi so với tiềm năng thực sự của một cường quốc tế kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tiềm năng thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào Đồng Nai có thể được cải thiện tốt hơn khi tỉnh đang định hướng thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, chỉ đón nhận những dòng vốn đầu tư công nghệ cao. Minh chứng cho điều này là chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã có khá nhiều DN Hoa Kỳ lần đầu đặt chân đến Đồng Nai tìm hiểu cơ hội đầu tư. Điển hình trong đó là Tập đoàn Coherent, Tập đoàn TWG…

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đầu tư, một tín hiệu tích cực khác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cũng đã nhận được sự quan tâm từ phía Chính phủ Hoa Kỳ. TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, cuối tháng 9-2023, Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Melissa Bishop cùng đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc với trường. Tiếp đó, vào cuối tháng 11 vừa qua, đoàn công tác Cục Kinh tế và kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID đến thăm và làm việc tại trường.

Trong chuyến thăm lần thứ 2 của Cục Kinh tế và kinh doanh tại Trường đại học Lạc Hồng, hai bên đã cùng nhau trao đổi nhiều cơ hội trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành kỹ thuật, điện tử, trong đó có lao động sản xuất chip điện tử và chất bán dẫn. Phía Trường đại học Lạc Hồng cũng đã nhận được đề nghị tiếp tục đào tạo và cung cấp nhân lực cho Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam, một DN ngành điện tử của Hoa Kỳ tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2.

Không dừng lại ở đó, nhiều DN đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đang gia tăng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các đối tác đào tạo có tiềm năng. Đơn cử như Tập đoàn Mabuchi Motor (Nhật Bản) tiếp tục tài trợ học bổng cho sinh viên, hay mới đây Công ty TNHH SMC Corporation Việt Nam (thuộc Tập đoàn SMC Corporation của Nhật Bản) chuyên sản xuất thiết bị khí nén hàng đầu thế giới cho các ngành công nghiệp tự động hóa đã tài trợ cho Trường đại học Lạc Hồng hệ thống thiết bị thực hành trị giá 2 tỷ đồng…

Không thể chậm chân

Đồng Nai hiện có 6 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 5 trường đại học đào tạo đa ngành, bên cạnh đó tỉnh còn có hệ thống 10 trường cao đẳng nghề đào tạo đa ngành nghề và một số trường trung cấp nghề. Nếu so với hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong khu vực Đông Nam bộ thì Đồng Nai đứng thứ 3 sau TP.HCM và Bình Dương. Hiện nay, có một số tập đoàn giáo dục lớn đang tiếp tục tìm kiếm, xây dựng cơ sở đào tạo tại Đồng Nai để đón cơ hội đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao trong tương lai gần.

Sinh viên ngành cơ điện tử Trường đại học Lạc Hồng thực hành trên các thiết bị hiện đại do doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Sinh viên ngành cơ điện tử Trường đại học Lạc Hồng thực hành trên các thiết bị hiện đại do doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Dù đã phát triển được hệ thống cơ sở đào tạo về số lượng nhưng có thể thấy trình độ và chất lượng giữa các cơ sở đào tạo vẫn còn khoảng cách. Đơn cử có trường đại học đã trải qua 2 chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, có nhiều ngành đào tạo đã đạt đến chuẩn Hệ thống các trường đại học Asean (AUN) và Hoa Kỳ. Thế nhưng đến nay vẫn có trường đại học chưa hoàn thành kiểm định chất lượng chu kỳ đầu tiên...

Trong những lần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Đồng Nai vẫn còn bị “mất điểm” ở tiêu chí đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực. Do đó, để có thể thu hút dòng vốn đầu tư thế hệ mới trong tương lai gần thì rõ ràng sẽ không chỉ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi mà chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng bắt tay vào sắp xếp, nâng cao chất lượng các ngành nghề đào tạo.

Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp lớn nhưng cũng nằm sát bên những tỉnh, thành phố công nghiệp hàng đầu cả nước như TP.HCM, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Các tỉnh, thành này cũng đang cần một lượng lớn lao động chất lượng cao vì thế nếu chúng ta không thể tự đào tạo và cung ứng tốt thì sẽ xảy tình trạng thiếu nhân lực. Điều này sẽ mất đi lợi thế trong thu hút đầu tư, bởi nhà đầu tư muốn phát triển tốt thì không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, nếu thu hút từ địa phương khác đến thì chi phí nhân công có thể cao hơn.

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết, trước đây trường chủ yếu đào tạo các ngành sư phạm, kinh tế, ngoại ngữ. Tuy nhiên năm nay trường đã bắt đầu đào tạo 2 ngành mới là công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, ngành kỹ thuật cơ khí. Những ngành đào tạo mới này có thể sẽ trở thành một trong những thế mạnh của trường trong định hướng trở thành một trường đại học đa ngành.

Đặng Công

TS LÂM THÀNH HIỂN, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng:

Tập trung đào tạo những ngành có lợi thế

Cơ điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo được xem là thế mạnh mà trường đang tiếp tục đầu tư đổi mới chất lượng để đón làn sóng đầu tư công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip của thế giới có thể “đổ bộ” vào Việt Nam trong thời gian tới. Nhà trường đã cử giảng viên đi nước ngoài đào tạo ở những ngành mới, đồng thời sẽ phối hợp với DN để đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

TS LÊ QUANG TRUNG, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2:

Xu thế đào tạo đang xoay chuyển nhanh

Các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, điện công nghiệp của nhà trường đã đạt đến trình độ quốc tế, ngang hàng với các quốc gia như Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ. Hiện nay nhà trường đã phối hợp với Tập đoàn Bosch và Mecerdes Benz của Cộng hòa liên bang Đức để đào tạo và cung ứng lao động. Đây chính là những đối tác rất khắt khe về lao động. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hợp tác với Hãng hàng không Vietjet Air để đào tạo nhân lực hàng không.

Thành Nam (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202312/chuan-bi-nhan-luc-cho-chu-ky-thu-hut-dau-tu-moi-2993f82/