Chuẩn mực tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nghiêm cẩn theo lời xướng của người chủ lễ, từng hàng con cháu trong gia tộc tiến lên dâng hương trước ban thờ tổ tiên. Đây là nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về, vào thời điểm trước lúc giao thừa, tại từ đường dòng họ Vũ Bá, Nam Định.Thờ cúng tổ tiên là một nghi thức sinh hoạt văn hóa, tâm linh không thể thiếu của mỗi gia đình, dòng tộc người Việt Nam.

Nét đẹp ngàn đời của người Việt

Trong mỗi gia đình Việt, thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống tỏ lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với người đã khuất. Không gian thờ cúng tổ tiên được quan tâm, coi trọng vào bậc nhất trong không gian sống của người Việt. Việc thực hành tín ngưỡng sao cho đúng là một trong những vấn đề được quan tâm.

Thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở nước ta có nhiều nét riêng biệt. Từ ngàn xưa, người Việt đã xem thờ cúng tổ tiên là một “Đạo” và điều này được thể chế hóa trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo ban hành năm 2016.

“Cái làm nên con người và văn hóa Việt Nam là giáo dục gia đình, bắt đầu từ chữ Hiếu, không gian thờ cúng tổ tiên chính là thiết chế văn hóa để thể hiện hiếu đạo. Cúng để tưởng niệm, cúng để hiếu đạo. Thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên là tiếp nối tâm linh từ cội nguồn đến bản thân, truyền ngọn lửa đó đến đời sau. Đây mới là tinh thần mà chúng ta cần phổ biến để hướng mọi người tới”.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Thờ cúng tổ tiên là biểu tượng của sự kết nối tình đoàn kết anh em trong dòng tộc, thể hiện sự biết ơn đối với cội nguồn, là sự thực hành giáo dục các thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Việc thờ tổ tiên có nhiều quan niệm và những cấp độ khác nhau như: Tổ tiên của đất nước, tổ tiên của dân tộc, tổ tiên của dòng họ, tổ tiên của gia đình. Bên cạnh những vị tổ anh hùng, có công dựng nước và giữ nước còn có các tổ khai sáng những giá trị văn hóa, kinh tế, mở mang bờ cõi, các vị tổ ngành, tổ nghề...

Tinh thần kính nhớ tổ tiên, biết ơn cội rễ có thể cầu kỳ, đầy đủ lệ bộ với các vật phẩm, nghi thức cúng lễ vào các dịp giỗ chạp, ngày rằm, năm mới,… nhưng cũng “tùy gia phong kiệm” theo điều kiện gia đình, có thể chỉ là nén hương, chén nước cũng tỏ được lòng thành của con cháu với cha ông.

Đề phòng biến tướng, dị đoan

Theo ông Hoàng Thăng Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy, ngày nay, quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”, “tốt lễ dễ cầu”, “có thờ có thiêng”... đã tạo ra những khác biệt mang tính “tự phát” và xuất hiện những yếu tố tiêu cực bên cạnh mặt tích cực của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đã và đang xuất hiện nhiều xu hướng thích ứng một cách thiếu kiểm soát với sự vận động của đời sống văn hóa - xã hội và giáo dục đạo đức hiện đại, xa rời truyền thống tổ tiên. Hiện tượng lạm dụng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dẫn đến mê tín dị đoan, hủ tục, phô trương lãng phí cũng quay trở lại và có khuynh hướng phát triển phổ biến ở nhiều nơi đang trở thành những vấn đề nhức nhối được xã hội quan tâm.

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp trong văn hóa người Việt

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp trong văn hóa người Việt

Tại hội thảo “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại” vừa diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định: Trong việc thờ cúng có những bộ bàn thờ tiền tỷ, những bộ đồ thờ hàng trăm triệu đồng. Rồi sắm đồ mã lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và gây nguy cơ cháy nổ. Lại thêm hiện tượng lợi dụng việc thờ cúng để hành nghề bói toán, tướng số với những hủ tục nặng nề, vừa tốn kém và dễ gây nghi kỵ, bất hòa trong gia đình. Rồi cảnh dựng rạp lấn ra mặt đường, cản trở giao thông và không ít vụ xô xát do rượu vào lời ra, tai nạn giao thông do say xỉn… Những cách thức thờ cúng đó đang khá phổ biến, ít nhiều làm ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp vốn có của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, làm xấu đi nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

TS Lê Thị Chiêng, Trường Đại học Văn hóa, cho rằng, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy” dẫn tới đua nhau sửa chữa, nâng cấp, trùng tu, xây mới nhà thờ, thậm chí trở thành “phong trào” với tốc độ chóng mặt. “Mình bày biện nhiều như thế, khang trang như thế, hoành tráng như thế, liệu ông bà tổ tiên có hoan hỉ? Tình trạng này ở nông thôn giống như một cuộc chạy đua giữa các gia đình, dòng họ, nhà này làm trước to, nhà sau sẽ làm to hơn, hoành tráng hơn”, TS Lê Thị Chiêng bày tỏ.

Việc tổ chức lễ cầu siêu cho vong hồn người quá cố ở nhiều nơi phô trương, tốn kém. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng trọng nam khinh nữ, cho rằng chỉ con trai (nhất là con trưởng) mới được quyền thờ cúng cha mẹ, còn con gái thì không được phép… Khi xã hội đang đấu tranh cho bình đẳng giới, nam nữ bình quyền, nguyện vọng của người phụ nữ được thờ cúng cha mẹ đẻ ở nhà chồng là chính đáng.

Cần có chuẩn mực

Trước những khuynh hướng biến tướng, dị đoan, dần dần xa rời các giá trị cốt lõi tốt đẹp trong việc thờ cúng tổ tiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của các nhà chuyên môn, thì cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý và định hướng đúng đắn hoạt động thờ cúng tổ tiên trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, phù hợp với nhận thức và sự phát triển của xã hội. Người dân - chủ thể thờ cúng cần nhận thức đúng vấn đề tín ngưỡng, điều chỉnh các hoạt động thực hành tín ngưỡng của cá nhân, gia đình, dòng tộc của mình để không trượt khỏi dòng chảy chung của văn hóa dân tộc, không thực hành sai lạc, mất đi truyền thống tốt đẹp.

PGS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nêu ra các vấn đề thực trạng tồn tại ở các nhà thờ họ: Nhiều dòng họ không hiểu rõ về các văn tự Hán Nôm nên sử dụng văn tự không chính xác. Tình trạng dùng chung các bức hoành phi, câu đối giống nhau tại nhiều nhà thờ họ hiện nay làm mất đi sự phong phú, nét đặc sắc riêng. Bài trí linh vị không tuân theo nguyên tắc cũng ảnh hưởng tới phong thủy không gian thờ cúng của nhà thờ họ. “Kiến trúc và bài trí trong nhà thờ nếu kết hợp với cách bố trí phong thủy tốt, ngôi từ đường đó sẽ thêm phần trang nghiêm, thực sự là đất phúc, sản sinh cát tướng”, GS.TS Đinh Khắc Thuân kết luận.

“Trong thời đại ngày nay, có những gia đình bầy đủ các thứ lên bàn thờ, đồ của Nhật, châu Âu... làm cho những cái chuẩn trong thờ phụng của chúng ta không được ổn lắm. Thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa đẹp, song, nếu chúng ta chỉ biết cầu cúng, tri ân tiền nhân rồi cầu xin tài nọ, danh kia mà quên đi giáo dục cho con cháu và tu dưỡng bản thân thì việc thờ cúng tổ tiên sẽ không còn ý nghĩa và làm nhạt đi bản sắc văn hóa truyền thống. Vì thế, cần nghiên cứu thấu đáo, đến nơi đến chốn về vấn đề này. Thờ cúng tổ tiên là nguồn lực tiềm ẩn sức mạnh của dân tộc Việt nên cần phải được tôn trọng, làm cho nó phong phú hơn và tạo ra những giá trị chuẩn mực...”, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện những vấn đề phát triển, chia sẻ.

Thư Vũ/Báo TNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/chuan-muc-tin-nguong-tho-cung-to-tien-cua-nguoi-viet-post1075295.vov