Chúng con nguyện học tập và noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người

'Chúng con về đây, được chứng kiến hiện vật, hồi tưởng về vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, chúng con vô cùng xúc động. Chúng con xin được nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của Người'.

Đó là dòng lưu bút của giáo viên Tạ Kim Quý, Trường Tiểu học Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Đây chỉ là một trong rất nhiều trang lưu bút ghi lại cảm tưởng của những người con từ khắp mọi miền Tổ quốc khi về thăm Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Bến Nhà Rồng, nơi in dấu chân của Người, đã trở thành một địa điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước. Mọi người đến đây không chỉ để tham quan, mà hơn hết là để bày tỏ lòng tôn kính đối với người Cha già kính yêu của dân tộc, để được trực tiếp học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người qua những tư liệu, hiện vật được trưng bày.

Quang cảnh Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Quang cảnh Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

42 năm qua, từ khi mới thành lập với tên gọi là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã đón hàng chục triệu lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng ấy năm, những trang sổ ghi cảm tưởng của đồng bào cả nước cứ thế dày lên, đong đầy những tình cảm kính yêu, niềm tin, lòng tự hào, xúc động, biết ơn và kính trọng vô bờ bến đối với Bác.

Học sinh Nguyễn Diệp Ngọc Huyền, Trường THPT Long Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang xúc động viết: “Nhìn lại quãng đường mà Bác đã đi qua, cháu rất đỗi tự hào về một con người vĩ đại, luôn làm những gì tốt nhất cho dân tộc mình. Cháu cảm phục một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam”.

Những dòng lưu bút của học sinh Nguyễn Diệp Ngọc Huyền.

Những dòng lưu bút của học sinh Nguyễn Diệp Ngọc Huyền.

Còn du khách Mạc Hồ Thụy Phương Vy thể hiện lòng kính trọng đối với Bác: “Nghe kể về cuộc đời, về hành trình ra đi tìm đường cứu nước, con cảm thấy lòng kính trọng và yêu thương Người. Suốt cuộc đời mình luôn vì dân, vì nước, Bác là vầng thái dương sáng ngời luôn soi sáng cho đất nước, dân tộc mình. Đời đời nhớ ơn công lao của Bác”.

“Con cảm ơn Người vì tất cả những gì người đã làm cho tương lai đất nước. Tình yêu nước, yêu dân tộc của Bác mãi lưu truyền cho các thế hệ sau. Người luôn hy sinh tất cả vì chúng con. Con rất yêu Bác”. Những dòng chữ của du khách Đỗ Quốc Hà đã thể hiện tấm lòng biết ơn, tri ân đối với những hy sinh to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của Người.

“Được đến đây, được biết và nghe kể về cuộc đời, sự nghiệp của Bác – một con người vĩ đại của dân tộc, lòng con đầy biết ơn và kính trọng”. Học sinh Lê Thị Kim Hương bày tỏ.

Còn rất nhiều nữa những tình cảm của đồng bào, nhân dân cả nước đối với Bác Hồ lưu lại trên những trang sổ lưu niệm của bảo tàng mà chúng tôi không thể ghi lại hết được. Từ tấm lòng, tình cảm kính yêu đối với Bác, mọi người càng thấm nhuần hơn nữa những lời dạy của Người, để nỗ lực hơn nữa trong học tập, rèn luyện, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chú trọng tới thế hệ trẻ đến tham quan, học tập tại bảo tàng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền - Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Các cán bộ của bảo tàng luôn mong muốn truyền đạt đến các bạn trẻ, học sinh, sinh viên về ý chí, nghị lực phi thường của Bác Hồ trong quá trình Người ra đi tìm đường cứu nước. Để từ đó các bạn trẻ có thể noi gương về tinh thần tự học tập, ý chí vượt khó, sáng tạo trong lao động, để có thể thực hiện tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Giới thiệu quá trình tìm đường cứu nước của Bác với du khách.

Giới thiệu quá trình tìm đường cứu nước của Bác với du khách.

Tham quan bảo tàng là một tiết học trực quan, sinh động và cụ thể đối với thế hệ trẻ, được hiểu sâu hơn về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã góp phần tạo nên động lực, nâng cao ý chí, quyết tâm, phấn đấu học tập, làm theo Bác: “Là thế hệ tiếp bước, là một người chủ tương lai của đất nước, cháu sẽ cố gắng học tập thật nhiều, góp phần công sức nhỏ, góp phần giúp đất nước đi lên, hòa nhập với thế giới, bảo vệ và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc như lời Bác đã dạy”, học sinh Nguyễn Diệp Ngọc Huyền hứa với Bác trong những dòng lưu bút.

Chỉ với vài dòng chữ, học sinh Phạm Trương Gia Thiện đã thể hiện lòng biết ơn cũng như trách nhiệm của mình: “Đời đời nhớ ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Con hứa sẽ cố gắng hết sức học tập, phấn đấu, cho Tổ quốc ngày càng giàu đẹp và vững mạnh”.

Đến từ Thanh Hóa, du khách Nguyễn Phi Khanh cũng lưu lại dấu bút với tâm nguyện:“Chúng cháu nguyện sẽ sống sao cho thật tốt để xứng đáng với những gì mà Bác đã hy sinh cho dân tộc”.

“Chúng con nguyện học tập và noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, cùng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn” - gíao viên Tạ Kim Quý kết thúc những dòng cảm tưởng của mình bằng lời hứa học tập và làm theo Bác...

Bài, ảnh: NINH CƠ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/noi-guong-bac/chung-con-nguyen-hoc-tap-va-noi-theo-tam-guong-dao-duc-sang-ngoi-cua-nguoi-661685