Hà Nội: 'Bà hỏa' rình rập tại các khu tập thể cũ
Hàng loạt khu tập thể, chung cư cũ tại Hà Nội với hàng nghìn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ... đang tồn tại những bất cập trong phòng cháy, chữa cháy, đe dọa tới tài sản, tính mạng người dân khi sự cố cháy nổ xảy ra.
Theo kết quả rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư cũ (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập. Các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960-1992 có quy mô từ 2 - 5 tầng với kết cấu tường gạch, bê tông lắp ghép sàn gác panel hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực.

Hầu hết, các căn hộ trong các khu chung cư cũ này đã được bán cho các hộ dân theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ. Đồng thời, các nhà tập thể, chung cư cũ đều được xây dựng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy ra đời, nên không được thiết kế và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm, làm gia tăng hiểm họa cháy nổ.

Những chiếc lồng sắt được xây dựng theo kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập", là yếu tố gây khó khăn cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong quá trình tiếp cận cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ tại các khu tập thể cũ.

Nhiều người dân sinh sống tại các khu tập thể này cho biết, mặc dù biết việc quây "chuồng cọp" không an toàn, nhưng do nhà tập thể quá chật chội và xuống cấp, họ chấp nhận làm liều.

Tại khu tập thể Trung Tự, cầu thang nhỏ hẹp, hệ thống điện đã cũ và không có sự nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng. Vì vậy, khi mùa nắng nóng, nguy cơ chập, cháy điện rất cao.

Tại khu tập thể Kim Liên, khu vực tầng 1 được nhiều hộ gia đình sử dụng với mục đích kinh doanh; hàng quán lấn chiếm không gian sinh hoạt chung.

Ông N.T.Đ (người dân sinh sống tại khu tập thể Kim Liên) cho biết: "Khu tập thể cũ, nâng cấp, cải tạo đều từ đóng góp của người dân nhưng những ai sinh sống ở đây đều có kinh tế khó khăn, muốn sửa cũng khó. Chúng tôi có đóng góp bổ sung thêm các bình chữa cháy tại các cầu thang, đồng thời gia đình tự mua bình cứu hỏa phòng trường hợp có hỏa hoạn trong nhà hoặc mở các lối thoát hiểm khẩn cấp đề phòng có sự cố xảy ra".

Các khu tập thể, chung cư cũ có tuổi đời 30 - 50 năm đang trở thành "bóng ma hỏa hoạn" treo lơ lửng trên đầu người dân. Vụ cháy tại chung cư Độc Lập (TP.HCM) rạng sáng 7/7 vừa qua khiến 8 người thiệt mạng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ.

Đại diện UBND phường Đống Đa (Hà Nội) cho biết: "Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu tập thể cũ trên địa bàn phường, phường thường xuyên phối hợp với lực lượng công an nhắc nhở người dân tự trang bị thêm các thiết bị chữa cháy. Đồng thời, kiểm soát, sửa chữa dây điện, thiết bị sử dụng điện; mở lối thoát nạn khẩn cấp tại các khu vực "chuồng cọp" để đảm bảo an toàn trong trường hợp có sự cố xảy ra".

Trong khi chờ đợi các dự án cải tạo các khu tập thể cũ, người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và bổ sung thêm kiến thức, kĩ năng về phòng cháy, chữa cháy.
Ông Bùi Xuân Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho biết: Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy cho các khu chung cư, tập thể cũ cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Trong đó, chúng ta cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường kiểm tra để đánh giá, xây dựng các giải pháp đặc thù phù hợp với từng khu chung cư.
Trang bị hệ thống cảnh báo cháy sớm, hệ thống chữa cháy tại chỗ để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Tăng cường công tác tập huấn người dân, duy trì sự đảm bảo sẵn sàng, tính hiệu quả của các hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chỗ.