Chung cư đang lan tỏa về miền Tây

Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang mới, chưa trải qua các 'cơn sốt', nên tương đối 'hiền hòa' so với các thị trường ở các khu vực khác trong cả nước, điều đó cho phép thị trường khu vực này nhiều dư địa để phát triển thời gian tới.

Chung cư lan tỏa về miền Tây

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, giao dịch BĐS ở miền Tây năm 2024 có 74 dự án nhà ở được mở bán (10 dự án mới), với hơn 8.200 sản phẩm (nền/căn hộ), giảm 10% so với nguồn cung năm 2023.

Nguồn cung này giảm do nhiều chủ đầu tư chưa tự tin hoặc chưa đủ điều kiện “ra hàng”, nên chủ yếu hàng tồn bán ra từ các dự án triển khai từ trước và các dự án căn hộ chung cư tại Cần Thơ, Long An. Về giá, năm vừa qua giảm từ 5-10% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Cũng trong năm qua, toàn khu vực miền Tây có hơn 2.700 giao dịch thành công, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hấp thụ đạt 34% (tăng hơn 16% so với năm trước).

Theo ông Đính, căn hộ chung cư chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng lượng giao dịch, cho thấy xu hướng đô thị đang bắt đầu lan tỏa về miền Tây. Trong năm, có 8 dự án chung cư mở bán với 3.000 căn, tập trung ở Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích, giá bán căn hộ chung cư thương mại tại Cần Thơ khoảng 47 triệu/m2, Long An dưới 30 triệu/m2; giá bán thứ cấp không có nhiều biến động. Tổng số có 1.700 giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 48%.

Với phân khúc biệt thự, liền kề, nhà phố, số lượng mở bán khoảng 3.000 căn, hầu hết là hàng tồn kho các dự án tiếp tục mở bán, tập trung ở ở Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang. Giá bán sơ cấp duy trì ở mức ổn định, giá bán thứ cấp tăng nhẹ 5-10%. Dù vậy, cả năm qua chỉ có khoảng 500 giao dịch thành công. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 19% (tăng nhẹ so với năm 2023).

Với phân khúc đất nền, số lượng mở bán khoảng 2.000 nền, cũng chủ yếu hàng tồn kho các dự án cũ (giảm 30% so với năm 2023); với 600 giao dịch thành công.

Khu vực còn nhiều dư địa

Ông Nguyễn Văn Đính đánh giá, thị trường BĐS Tây Nam Bộ tương đối “hiền hòa” so với các khu vực khác trong cả nước. Giá bán sản phẩm BĐS trong khu vực đang trong xu hướng tăng, nhưng vùng này là thị trường BĐS mới, chưa trải qua các “cơn sốt”, còn nhiều dư địa để phát triển. Riêng với Cần Thơ - thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của khu vực, điểm lõi trung tâm thị trường nhưng vẫn còn thiếu các dự án có tính quy mô, đồng bộ, định vị ở phân khúc tiêu chuẩn cao.

Thời gian tới, ông Đính dự báo, BĐS miền Tây sẽ được Chính phủ ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp dần hình thành, tạo điều kiện cho thị trường BĐS sôi động hơn, đặc biệt các địa phương như Cần Thơ, Long An, Hậu Giang, An Giang... "Tây Nam Bộ sẽ là điểm đến của nhu cầu nhà ở và dòng tiền đầu tư dịch chuyển ra khỏi các đô thị lớn như TPHCM, Bình Dương", ông Đính nhận định.

Thị trường BĐS tại Cần Thơ và miền Tây dự báo còn nhiều dư địa phát triển.

Thị trường BĐS tại Cần Thơ và miền Tây dự báo còn nhiều dư địa phát triển.

Ông Dương Quốc Thủy – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ cùng chung nhận định trên, khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, các tuyến cao tốc, cầu lớn từ ngân sách nhà nước. Các dự án giao thông lớn khi đi vào hoạt động sẽ giúp kết nối vùng thuận lợi, từ đó nâng cao giá trị BĐS, thị trường sôi động hơn.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chung-cu-dang-lan-toa-ve-mien-tay-post1718915.tpo