Chứng khoán 10/2: Cổ phiếu thép bị xả ồ ạt, VN-Index bị thổi bay 12 điểm
Thông tin Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế 25% đối với kim loại, bao gồm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ khiến cổ phiếu thép lao đao trong phiên 10/2.
Cổ phiếu thép bị xả "rát", VN-Index mất gần 12 điểm
Phiên giao dịch ngày 10/2 chứng kiến áp lực bán tăng mạnh trên diện rộng, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ sau bốn phiên tăng liên tiếp. Tâm điểm “xả” hàng của nhà đầu tư tập trung vào nhóm cổ phiếu thép và các cổ phiếu bluechip thuộc rổ VN30, khiến chỉ số VN-Index giảm gần 12 điểm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_11_51441015/3d1b13c4278aced4979b.jpg)
Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 11,94 điểm, xuống 1.263,26 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,52 điểm, xuống 227,97 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,6 điểm, xuống 96,63 điểm. Thanh khoản đạt gần 795 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 18.878 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản cũng gây áp lực lớn cho thị trường. Ngoài bộ ba nhóm Vingroup, nhiều mã khác cũng giảm mạnh như DXG (-3,9%), PDR (-3,3%), KBC (-2,2%), CEO (-3%), DIG (-1,9%), NVL (-2,3%), NLG (-2,5%), KHD (-1,6%)… Hầu hết các mã còn lại đều giảm giá. Tuy nhiên, ngược chiều, các mã NRC, FIR tăng trần, QCG (+2,4%), IJC (+2,1%), BCM (+1,3%), TAL (+5,5%), CDC (+3,2%), CKG (+5,3%)...
Ngành công nghệ viễn thông cũng ghi nhận dòng tiền rút ra mạnh. Ngoài FPT, các cổ phiếu CMG và ELC cũng giảm hơn 2%. CTR (-3,5%), VGI (-5,4%), YEG (-3,8%), FOX (-3,2%), TTN (-4,8%), VTK (-4,4%). Cổ phiếu VTP thuộc “họ Viettel” giảm sàn xuống mức 150.600 đồng/cp. Sau đỉnh giá vào cuối tháng 1/2025, cổ phiếu Viettel Post bắt đầu giảm.
Nhóm cổ phiếu cảng biển và vận tải biển, sau giai đoạn tạo sóng, cũng đối mặt với áp lực chốt lời. MVN (-6,7%), HAH (-3,5%), SCS (-2,9%), PHP (-9%), VSC (-3,1%), VOS (-2,2%), SGP (-8,6%), GMD (-1,4%)...
Nhóm ngân hàng có diễn biến phân hóa, đỡ tiêu cực hơn so với các nhóm khác. Trong khi các cổ phiếu như ACB, EIB, LPB, MBB, NAB, NVB, STB, TPB tăng, thì CTG, HDB, OCB, SGB, VBB giảm hơn 1%. STB có mức tăng tích cực nhất (+2,7%).
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 400 tỷ đồng trên HoSE, trong đó bán mạnh các cổ phiếu HPG (123 tỷ đồng), MWG (104 tỷ đồng), VCB (68 tỷ đồng), CTG, DGC (trên 40 tỷ đồng), VTP (37 tỷ đồng), VHM, VRE, DXG, GMD, PDR, NKG (trên 20 tỷ đồng).
Ngược lại, STB được mua ròng mạnh nhất với hơn 100 tỷ đồng, tiếp theo là MSN (77 tỷ đồng), VCI (40 tỷ đồng), FPT, SSI (hơn 30 tỷ đồng); BID, VPB, VCG, VGC, ORS, GEX (hơn 10 tỷ đồng).
HPG giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4,5 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE) giảm mạnh 4,7%, chốt phiên ở mức 25.400 đồng/cp, thấp nhất trong 4,5 tháng. Biên độ giảm đã tăng gấp đôi so với đầu phiên, phản ánh áp lực bán gia tăng mạnh mẽ. Vốn hóa của Hòa Phát giảm 8.000 tỷ đồng, xuống dưới mức 162.500 tỷ đồng. Đặc biệt, gia đình Chủ tịch Trần Đình Long, gồm vợ và con trai ông Long, đã mất 2.800 tỷ đồng tài sản.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu Hòa Phát kể từ giữa tháng 4/2024, khi cổ phiếu này giao dịch quanh mức 27.000 đồng/cp.
Trong phiên này, khối lượng giao dịch cổ phiếu HPG đạt 61,1 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2024. Đáng chú ý, giao dịch mua chủ động chỉ chiếm 15,9 triệu cổ phiếu, trong khi lượng bán lên tới 35,6 triệu cổ phiếu (chiếm 59%).
Riêng trong phiên ATC, một lệnh lớn đã bán ra hơn 8 triệu cổ phiếu HPG ở mức đáy phiên, tương ứng với giá trị gần 205 tỷ đồng.
Cổ phiếu Hòa Phát trở thành mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường trong phiên 10/2, khiến VN-Index mất 1,84 điểm, góp phần kéo chỉ số xuống còn 1.263,4 điểm, giảm 12 điểm.
Nguyên nhân chính là do thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp thuế mới đối với kim loại, bao gồm thép và nhôm nhập khẩu vào ngày 10/2 (giờ Mỹ). Mặc dù mức thuế suất chưa được công bố chi tiết, nhưng phát ngôn này ngay lập tức tạo ra tâm lý tiêu cực, khiến giá cổ phiếu các doanh nghiệp thép niêm yết tại Việt Nam đồng loạt giảm mạnh, trong đó có HPG.
Khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên ba sàn, với 7,5 triệu cổ phiếu HPG bị xả, tổng giá trị đạt 194 tỷ đồng. Việc dòng vốn ngoại thoái lui kết hợp với lo ngại về chính sách thương mại của Mỹ đã khiến cổ phiếu HPG rơi vào trạng thái bán tháo mạnh, tạo áp lực đáng kể lên thị trường chung.