Chứng khoán 2/10: Thanh khoản lập đáy mới, cổ phiếu thủy sản nổi sóng
Hôm nay (ngày 2/10) tiếp tục là một phiên giao dịch trầm lắng khi thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, thiết lập đáy mới.
Nhà đầu tư sợ hãi, thanh khoản yếu ớt
Sau khi rung lắc, giằng co trong mức tham chiếu, kết phiên hôm nay 2/10, VN-Index tăng 1,1 điểm lên 1.155,2 điểm. HNX-Index tăng 0,37 điểm lên 236,72 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ khoảng gần 13.600 tỷ đồng, trong đó, giao dịch trên sàn HOSE chỉ khoảng 11.500 tỷ đồng. Dòng tiền mạnh nhất là chứng khoán, theo sát sau là nhóm bất động sản và ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản dòng tiền sụt giảm mạnh thì một tín hiệu tốt đó là khối ngoại đã dừng xả hàng và quay lại mua ròng gần 177 tỷ đồng. Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là SSI 83,86 tỷ đồng, DXG 49,78 tỷ đồng, DGC 44,1 tỷ đồng, VRE 40,53 tỷ đồng.
Nhóm thủy sản và nông nghiệp đóng góp tích cực, tăng mạnh nhất với ANV, FMC tăng kịch trần, CMX tăng 5,91%, VHC tăng 2,66%, IDI tăng 4,83%, ACL tăng 4,41%, ABT tăng 3,26%... Nhóm nông nghiệp có BAF tăng 5,15%, DBC tăng 2,51%, HAG tăng 2,33%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản và đầu tư công cũng tăng tốt với VRE tăng 2,87%, CII tăng 2,54%, GVR tăng 4,61%, PDR tăng 1,46%, VCG tăng 2,9%, HHV tăng 4,76%, FCN tăng 4,45%, C4G tăng 3,12%...
Cổ phiếu chứng khoán nghiêng nhẹ về sắc xanh với AGR tăng 2,31%, BVS tăng 1,92%, HCM tăng 1,8%, SBS tăng 1,19%, SHS tăng 1,16%, VCI tăng 1,33%; SSI và VDS tăng gần 1%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa nhưng tăng giảm trong biên độ nhỏ. Trong đó, ABB, ACB, MBB, MSB, STB, VIB, VPB tăng; còn SHB, VCB, TPB, TCB, LPB, HDB, EIB, CTG, BID giảm điểm…
Toàn thị trường hôm nay có 457 mã tăng, 242 mã giảm giá và 833 mã đứng giá, 27 mã tăng trần.
Dự báo xuất khẩu thủy sản mang về 9,3 tỷ USD, cổ phiếu thủy sản thăng hoa
Sóng ngành cổ phiếu thủy sản được kỳ vọng mới thực sự bắt đầu khi triển vọng cho ngành này tích cực hơn trong cuối năm 2023. Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD. Các công ty về thủy sản do đó cũng bắt đầu đưa ra các tín hiệu dự báo lạc quan.
Báo cáo mới đây của SSI cho biết, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của ANV trong năm 2023 lần lượt là 4,9 nghìn tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ) và 465 tỷ đồng (-31% so với cùng kỳ). Trong năm 2024, SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+8% svck) và 611 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ), do kỳ vọng xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý 4/2023 hoặc đầu năm 2024. Kết phiên ngày 2/10, cổ phiếu này tăng trần lên 38.500 đồng/cp.
Đối với FMC, trong năm 2023, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ, và 330 tỷ đồng tăng 7,0% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 6,2 nghìn tỷ đồng tăng 8,2% so với cùng kỳ và 368 tỷ đồng tăng 11,2% so với cùng kỳ. Kết phiên ngày 2/10, cổ phiếu này tăng trần lên 49.500 đồng/cp.