Chứng khoán Mỹ bị bán tháo ồ ạt, Dow Jones 'bốc hơi' hơn 300 điểm

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 6/7 sau khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động vẫn rất mạnh mẽ, làm dấy lên lo ngại Fed sẽ mạnh tay trong việc tăng lãi suất.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 6/7. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 6/7. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones lao dốc 366,38 điểm (tương đương 1,07%) xuống còn 33.922,26 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,79% về mức 4.411,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,82% xuống còn 13.679,04 điểm. Ngày thứ Năm đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 5/2023.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang tiến tới hoàn tất một tuần giảm điểm, với S&P 500 mất khoảng 0,9% từ đầu tuần; Nasdaq sụt 0,8%; và Dow Jones trượt 1,4%.

Báo cáo hàng tháng của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ có thêm 479.000 công việc mới trong tháng 6. Con số này vượt xa mức 220.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Bản báo cáo đã gia tăng thêm lo ngại về những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Phản ánh mối lo trên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Trong đó, lợi suất của trái phiếu 2 năm - kỳ hạn được xem là nhạy cảm nhất với chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ, chạm mức cao nhất kể từ năm 2007.

Giới đầu tư cho rằng với một thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh, Fed còn phải tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để kiềm chế lạm phát.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 92% Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.

Ông John Lynch, Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, nhận định: “Thị trường rõ ràng sẽ muốn đón nhận số liệu việc làm tương quan với dự báo. Nhưng, con số này gấp đôi mức dự báo, điều này càng làm gia tăng tâm lý quan ngại rằng Fed sẽ phải mạnh tay hơn trong chính sách tiền tệ”.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Mark Hamrick ở Bankrate, tương lai của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa rõ ràng sau dữ liệu việc làm được công bố hôm 6/7. Nhà đầu tư đang cảm thấy hoang mang về đường hướng điều chỉnh lái suất của Fed trong những tháng sắp tới.

Vị chuyên gia lưu ý thêm: “Tình hình của nền kinh tế, bao gồm cả thị trường việc làm, cho đến cuối năm nay vẫn là một dấu hỏi. Nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ cảm thấy buộc phải tiếp tục tăng lãi suất đúng như những tuyên bố gần đây của các quan chức Fed, thì rủi ro suy thoái vẫn còn”.

Báo cáo của ADP chưa phải là số liệu kinh tế quan trọng nhất được công bố trong tuần này. Vào ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đón nhận báo cáo việc làm tổng quát tháng 6 từ Bộ Lao động Mỹ.

Giới chuyên gia dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 240.000 công việc mới trong tháng 6, giảm tốc từ con số 339.000 công việc mới ghi nhận trong tháng 5.

Giới đầu tư Phố Wall đang trong những ngày đặc biệt nhạy cảm với các số liệu kinh tế, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất, trước mắt là trong cuộc họp vào cuối tháng này.

Trong cuộc họp tháng 6, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất thêm 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2023.

Phát biểu với đài CNBC hôm 6/7, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Lorie Logan tiết lộ rằng bà là một trong số những quan chức Fed nghĩ rằng việc nâng lãi suất vào cuộc họp tháng 6 là “hoàn toàn phù hợp”.

Tuy nhiên, bà Logan đã đồng ý với quyết định cuối cùng của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) khi tạm dừng tăng lãi suất. Mặc dù vậy, bà vẫn kỳ vọng lãi suất trong tương lai sẽ cao hơn, khi Fed cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Vị quan chức giải thích: “Trong bối cảnh này, FOMC cần thắt chặt chính sách hơn để có thể đưa lạm phát về mục tiêu một cách bền vững và kịp thời”.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-bi-ban-thao-o-at-dow-jones-boc-hoi-hon-300-diem.html