Chứng khoán Mỹ kết phiên trong sắc đỏ, giá dầu tăng nhẹ

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên khi các nhà đầu tư lo ngại về thông báo thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump…

Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Dow Jones giảm 0,37% thành 42.299,70 điểm, S&P 500 mất 0,33% còn 5.693,31 điểm và Nasdaq trượt 0,53% xuống 17.804,03 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có 8 lĩnh vực trượt dốc, bao gồm năng lượng giảm 0,85%, tiếp theo là dịch vụ truyền thông mất 0,84%.

Vào ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 3/4, trong khi thuế đối với linh kiện ô tô sẽ bắt đầu vào ngày 3/5.

Phản ứng trước thông tin này, cổ phiếu General Motors giảm hơn 7%, còn Ford mất 3,9%. Các nhà sản xuất linh kiện ô tô như Aptiv và BorgWarner cũng trượt khoảng 5%.

Ngược lại, cổ phiếu Tesla nhích nhẹ 0,4% khi giới đầu tư kỳ vọng hãng xe điện này sẽ không quá bị ảnh hưởng bởi thuế quan vì phần lớn hoạt động sản xuất tại Mỹ.

Trong khi đó, cổ phiếu Apple tăng 1,05% đã phần nào giúp hạn chế đà giảm của chỉ số S&P 500.

Các chính sách thương mại khó lường của chính quyền Donald Trump đang gây ra sự bất ổn trên Phố Wall. Các nhà đầu tư đều tỏ ra lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, suy giảm đầu tư và áp lực lạm phát đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Nhà đầu tư thực sự thận trọng và cảnh giác với Trump cũng như các chính sách của ông ấy. Thậm chí, điều khiến họ lo lắng hơn chính là sự thay đổi liên tục trong quyết định của ông Trump. Và điều đó khiến mọi người rất khó để đưa ra quyết định đầu tư dài hạn, dù là đối với doanh nghiệp hay nhà đầu tư cá nhân”, Jed Ellerbroek, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Argent Capital nhận định.

Các nhà giao dịch đã bắt đầu có xu hướng cắt giảm mức độ tiếp xúc với chứng khoán Mỹ, khi chỉ số S&P 500 hiện đã giảm khoảng 7% so với mức đóng cửa cao kỷ lục hôm 19/2. Nasdaq cũng mất gần 12% so với mức cao nhất vào phiên 16/12. Cả S&P 500 và Nasdaq đều đang trên đà kết thúc quý 1 năm 2025 trong vùng tiêu cực.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,7 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 16,3 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Mỹ đã giảm trong tuần trước, còn tỷ lệ thất nghiệp dường như giữ ổn định trong tháng 3.

Thị trường hiện đang hướng sự tập trung về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 2, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến công bố vào 28/3.

GIÁ DẦU TIẾN GẦN MỨC CAO NHẤT TRONG 1 THÁNG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ trong lúc các nhà giao dịch đánh giá tình trạng thắt chặt nguồn cung cùng với các chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 24 cent, tương đương 0,3%, chốt ở mức 74,03 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 27 cent lên 69,92 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu đã bật tăng khoảng 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 2 khi thị trường cân nhắc các rủi ro từ nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô không sản xuất tại Mỹ.

Ông Trump cũng có dự định áp thuế 25% đối với các quốc gia mua dầu thô từ Venezuela. Reliance Industries, tập đoàn Ấn Độ vận hành tổ hợp lọc dầu lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Venezuela vì lo ngại thuế quan.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-ket-phien-trong-sac-do-gia-dau-tang-nhe-post558804.html