Chứng khoán Mỹ lao dốc vì nỗi lo lạm phát, giá dầu sụt giảm

Phố Wall kết phiên với đà giảm mạnh khi dữ liệu kinh tế Mỹ làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng yếu và lạm phát cao trong bối cảnh chính quyền Trump liên tục áp thuế quan mới…

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Dow Jones mất 1,69% thành 41.583,90 điểm, S&P 500 giảm 1,97% còn 5.580,94 điểm và Nasdaq trượt 2,70% xuống 17.322,99 điểm.

10 trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500 đều giảm điểm, mạnh nhất là dịch vụ truyền thông với mức giảm 3,81%, tiếp theo là tiêu dùng không thiết yếu mất 3,27%.

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 2 phục hồi yếu hơn dự kiến. Thêm vào đó, khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm rưỡi.

Những dữ liệu này đều làm dấy lên lo ngại rằng loạt thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp dụng từ khi nhậm chức sẽ khiến giá hàng nhập khẩu tăng, đẩy lạm phát lên cao và khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khó có thể cắt giảm lãi suất.

Lo ngại về lạm phát và thuế quan đã khiến những cổ phiếu giá trị nhất Phố Wall trượt dốc mạnh, với Apple giảm 2,7%, Microsoft mất 3% và Amazon sụt 4,3%.

Trong tuần, S&P 500 giảm 1,5%, Nasdaq giảm 2,6% và Dow Jones mất 1%.

"Sự bất ổn là vấn đề lớn nhất hiện nay. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì họ không biết rõ các quy tắc sẽ thay đổi thế nào. Cả các cá nhân và doanh nghiệp đều đang cảm thấy bất an, dẫn đến tâm lý thận trọng hơn”, ông Bob Doll, Giám đốc điều hành của Crossmark Investments nhận xét.

Chỉ số theo dõi nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn nhạy cảm với lãi suất, giảm 2,3%. Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, tăng gần 3 điểm lên mức cao nhất trong một tuần.

Quyết tâm của Tổng thống Trump trong việc áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, tiếp tục gây áp lực lên cổ phiếu ngành ô tô. General Motors mất 1,1%, trong khi Ford rơi 1,8%.

Ở các diễn biến khác, cổ phiếu Lululemon Athletica giảm mạnh 14% sau khi hãng hạ dự báo lợi nhuận năm, viện dẫn những bất ổn liên quan đến thuế quan. Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty khai khoáng lại hưởng lợi từ giá vàng tăng, với Harmony Gold leo 9,5% và Gold Fields tăng 4,5%.

Cổ phiếu của CoreWeave, công ty hạ tầng trí tuệ nhân tạo do Nvidia hậu thuẫn, mở cửa giảm gần 3% so với giá IPO trong phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq vào thứ Sáu. Màn ra mắt kém ấn tượng này có thể làm giảm hy vọng phục hồi của thị trường IPO, đặc biệt khi chứng khoán toàn cầu vẫn đang chịu ảnh hưởng từ những căng thẳng thương mại.

Chỉ số S&P 500 đang hướng tới quý giảm điểm đầu tiên sau 6 quý tăng liên tiếp, trong khi Nasdaq có nguy cơ ghi nhận mức giảm quý sâu nhất kể từ năm 2022. UBS Global Wealth Management đã hạ dự báo cuối năm của S&P 500 xuống còn 6.400 điểm từ mức 6.600 trước đó.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,3 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 16,2 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

GIÁ DẦU SỤT GIẢM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trong phiên do lo ngại căng thẳng thương mại của Mỹ có thể kéo nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Tuy nhiên, giá dầu vẫn ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp sau khi Washington gia tăng áp lực lên Venezuela và Iran.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 40 cent, tương đương 0,5%, xuống 73,63 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ giảm 56 cent, tương đương 0,8%, chốt phiên ở mức 69,36 USD/thùng.

Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố loạt thuế quan mới áp dụng lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ ngày 2/4. Theo các nhà phân tích JPMorgan, chiến tranh thương mại đang làm gia tăng lo ngại về suy thoái, đồng thời khiến chính sách của Mỹ trở nên khó đoán hơn, tạo áp lực lên tâm lý thị trường. Dù rủi ro suy thoái gia tăng, nhu cầu dầu vẫn giữ vững ở mức cao, JPMorgan nhận định.

Tính theo tuần, giá dầu Brent tăng 1,9%, trong khi WTI tăng 1,6%. Kể từ mức đáy hồi đầu tháng Ba, giá Brent đã phục hồi hơn 7%, còn WTI tăng hơn 6%.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-lao-doc-vi-noi-lo-lam-phat-gia-dau-sut-giam-post558842.html