Chứng khoán ngập sắc xanh, tím ngày đầu KRX vận hành
Hệ thống giao dịch KRX đã chính thức vận hành trên HoSE từ ngày 5/5, đánh dấu bước tiến mới sau hơn 10 năm chờ đợi. Ngay trong ngày đầu tiên, thị trường vận hành ổn định, nhà đầu tư tâm lý tích cực, giúp VN-Index tăng mạnh và thanh khoản cải thiện rõ rệt.
Thị trường chứng khoán khởi sắc trong ngày đầu vận hành hệ thống KRX
Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX chính thức được đưa vào vận hành trên sàn HoSE từ ngày 5-5. Mặc dù còn một số trục trặc nhỏ trong giai đoạn đầu phiên ATO như độ trễ hiển thị bảng giá, nhưng nhìn chung thị trường vận hành ổn định, tâm lý nhà đầu tư tích cực, giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán khởi sắc trong ngày đầu vận hành hệ thống KRX
Khép lại phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,75 điểm (1,12%) lên 1.240,05 điểm. HNX-Index tăng 1,36 điểm lên 212,8 điểm và UPCoM-Index tăng 0,13 điểm lên 92,38 điểm. Thanh khoản cải thiện nhẹ, với tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 18.312 tỷ đồng, tăng 8% so với phiên gần nhất, riêng sàn HoSE đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Động lực chính trong phiên hôm nay đến từ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu “họ Vin” gồm VIC (+5%), VHM (+2,2%), VRE (+2,3%). Một số mã vốn hóa lớn khác như VCB (+0,5%), GVR (+1,7%), BCM (+1,3%), BID (+0,3%) cũng góp mặt trong danh sách cổ phiếu kéo VN-Index đi lên.
Các cổ phiếu nhóm chứng khoán gồm SSI (+0,9%), VIX (+1,7%), HCM (+0,4%), VCI (+0,4%), FTS (+0,9%) cũng được hưởng lợi từ việc vận hành KRX nhưng diễn biến giao dịch chưa thật sự nổi bật.
Ở chiều ngược lại, rung lắc chủ yếu do tác động tiêu cực của LPB (-1,4%), FPT (-1,7%), MSN (-1%), VNM (-0,7%), HDB (-0,7%), SAB (-1,3%), GAS (-0,3%), PLX (-1,2%), SSB (-0,8%) và VPI (-1,9%).
Khối ngoại tiếp tục có giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 126 tỷ đồng trên HoSE. Những cổ phiếu được mua mạnh gồm VRE (132 tỷ đồng), MSN, NLG, MWG, GMD… Trong khi đó, FPT bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 231 tỷ đồng, tiếp theo là VCI (78 tỷ đồng) và VCB (69 tỷ đồng).
Giới phân tích đánh giá phiên giao dịch đầu tiên với hệ thống KRX nhìn chung suôn sẻ, tạo nền tảng cho kỳ vọng cải thiện thanh khoản và chất lượng giao dịch trong thời gian tới. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian để thích nghi với cơ chế mới, trước khi các sản phẩm phái sinh như bán khống hay giao dịch T+0 chính thức được triển khai.
Cổ phiếu PRC tăng trần nhờ chia thưởng “khủng”, thị giá tiệm cận đỉnh 2 năm
Một cổ phiếu ngành logistics vốn ít được chú ý trên thị trường là PRC của Công ty CP Logistics Portserco bất ngờ trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 5 khi tăng trần mạnh mẽ, “trắng bên bán”, chốt tại 30.800 đồng/cp – mức giá cao nhất trong vòng 2 năm. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, PRC đã tăng hơn 50%, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử hơn 34.000 đồng/cp.
Động lực chính cho đà tăng này đến từ thông tin Portserco sắp phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 12:19, tương đương mức thưởng lên tới 158,3%. Ngày 15/5 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông hiện hữu nhận cổ phiếu thưởng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 12 tỷ đồng lên hơn 31 tỷ đồng – lần tăng vốn đầu tiên sau 17 năm hoạt động.
Không dừng lại ở đó, PRC còn lên kế hoạch chào bán tối đa 3,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chỉ 11.500 đồng/cp, thấp hơn tới 63% so với thị giá hiện tại. Mục tiêu là huy động 35,65 tỷ đồng để đầu tư mua đầu kéo và mooc, giải ngân trong giai đoạn từ quý IV/2025 đến quý IV/2026. Nếu đợt chào bán hoàn tất, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 62 tỷ đồng.
PRC thành lập năm 2002, có trụ sở tại Đà Nẵng, hoạt động trong lĩnh vực logistics, vận tải đa phương thức và dịch vụ hàng hải. Doanh thu hàng năm duy trì quanh mức 100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng thường ở mức vài tỷ, ngoại trừ năm 2022 đột biến với khoản lãi 50 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3,75 – 4,5 tỷ đồng. Riêng quý I, Portserco ghi nhận doanh thu gần 32 tỷ đồng (+5%), lợi nhuận trước thuế 825 triệu đồng (+77%), lãi ròng đạt 656 triệu đồng (+41%), hoàn thành khoảng 21% kế hoạch doanh thu và gần 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dù diễn biến giá cổ phiếu đang tích cực, thanh khoản PRC vẫn khá thấp, bình quân hơn 3.500 đơn vị/phiên, phần nào do cơ cấu cổ đông cô đặc – 5 cá nhân lớn nắm gần 68% vốn, trong đó Giám đốc Tài chính Trần Quang Tuấn sở hữu 20,88%.
Đại hội cổ đông thường niên vừa qua cũng thông qua việc thay đổi nhân sự cấp cao, bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT mới. Với loạt thay đổi chiến lược, kế hoạch mở rộng quy mô và phục hồi lợi nhuận, PRC đang thu hút sự chú ý lớn trên thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước rủi ro thanh khoản và sự biến động có thể xảy ra.
Để giao dịch suôn sẻ và tối ưu hóa lợi nhuận, Công ty Chứng khoán Techcombank đưa ra một số lưu ý: lệnh ATO/ATC sẽ không còn ưu tiên đặc biệt trước lệnh giới hạn (LO) mua trần/bán sàn khi so khớp lệnh. Không thể sửa đồng thời cả giá và khối lượng, việc sửa lệnh chỉ cho phép thực hiện một trong hai: giá hoặc khối lượng. Giao dịch thỏa thuận và lô lẻ linh hoạt hơn: thỏa thuận khởi tạo từ cả bên mua hoặc bán, lô lẻ giao dịch từ 9 - 11 giờ 30 và 13 - 15 giờ. Hiển thị bảng giá, lệnh ATO/ATC sẽ hiển thị tại một mức giá xác định như lệnh giới hạn. Room nước ngoài tính theo thời điểm lệnh vào hệ thống. Mã chứng khoán bị hạn chế vẫn được giao dịch cả ngày…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-ngap-sac-xanh-tim-ngay-dau-krx-van-hanh.694443.html