Chứng khoán phái sinh: Ưu tiên chốt lời trong phiên
Nguy cơ giảm của thị trường hiện không cao, nhiều khả năng sẽ dao động tích lũy trong biên độ hẹp để tạo đà cho nhịp tăng tháng 6.
Chứng khoán Mỹ giảm vì nợ công
Giữa thời điểm các thị trường bắt đầu chuẩn bị cho nhịp tăng trưởng mới khi nỗi lo suy thoái kinh tế tạm vơi, thì câu chuyện về nợ công tại Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Trong kịch bản trần nợ công không thể tăng, Mỹ sẽ buộc phải thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn tới. Điều này có thể sẽ tác động ngay đến nhu cầu tiêu thụ và đặt hàng sản xuất trong quý III/2023.
Tính chu kỳ tài sản cũng có sự thay đổi đáng kể sau một tuần giao dịch. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng mạnh và đạt vùng đỉnh nhiều năm qua. Nhìn nhận chi tiết hơn, vị thế Hedging (phòng vệ rủi ro) hợp đồng tương lai trái phiếu 2 năm đạt kỷ lục, cho thấy nhà đầu tư đang tìm cách hạn chế rủi ro thị trường đối với danh mục đầu tư trong kịch bản Chính phủ Mỹ vỡ nợ.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc gần đây là diễn biến không bất ngờ khi đồng USD tăng mạnh lên ngưỡng 104. Cùng với đó, giá vàng giảm sâu cho thấy dòng tiền đang chuyển hướng về lại tiền mặt. Thị trường chứng khoán châu Á không tránh khỏi tác động với dự báo thiếu hụt đơn hàng từ thị trường Mỹ, đặc biệt là chỉ số Shanghai SE Composite liên tục sụt giảm.
Xét về tính phòng thủ, có thể nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đang thể hiện rất tốt vai trò này khi chưa bị mất đà tăng, thậm chí tiến vào khu vực “Tăng mạnh”.
VN30 tích lũy cho nhịp tăng tháng 6
Việc thị trường chứng khoán giao dịch không tích cực ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số VN30. Thị trường ghi nhận diễn biến điều chỉnh trong tuần qua, nhưng điểm tích cực là VN30 chỉ mất khoảng 10 điểm. Có thể thấy, vận động thị trường đang tốt hơn so với các điều kiện giao dịch trước đó.
Tuy nhiên, xu hướng giao dịch gần như “mất hút” khi VN30 dao động trong biên độ hẹp. Thực tế, vận động này gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư khi trước đó chỉ số kiểm chứng thành công ngưỡng hỗ trợ xu hướng trung hạn quan trọng. Hiện tại, chỉ số biến động theo kênh giá trong khu vực 1.040 - 10.075 điểm, giữa hai mức cản theo Fibonacci.
Chỉ số có thể kiểm chứng lại biên dưới của kênh trong ngắn hạn. Quan điểm giá điều chỉnh còn được ủng hộ bởi yếu tố thanh khoản thấp dần, cũng như chỉ báo động lượng RSI đang cho thấy hiện tượng phân kỳ âm. Yếu tố này xuất hiện khi dòng tiền mua lên có dấu hiệu hao hụt, mặc dù lực bán với thị trường không thay đổi quá nhiều.
Nhưng nhìn về yếu tố dòng tiền, có thể việc tiền vẫn có động thái giải ngân vào nhóm trụ là ngân hàng và bất động sản giúp cho VN30 đứng vững và củng cố nền hỗ trợ giá tại 1.040 điểm. Do vậy, trường hợp chỉ số giảm thì mức giảm sẽ tương đối nhẹ nhàng và vận động tiêu cực mang tính ngắn hạn.
Giải ngân khi nhịp hồi xuất hiện
Trên thị trường phái sinh, hoạt động giao dịch tuân thủ các ngưỡng hỗ trợ trong tuần qua. Nhưng khác với chỉ số VN30, vận động giá từ hợp đồng kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) rất thử thách nhà đầu tư ngắn hạn, với hàng loạt biến động tạo khoảng trống giá (Gap). Theo đó, cơ hội giao dịch không có nhiều khi cả hai bên mua (Long) và bán (Short) đều phải trải qua các thời điểm đi ngược thị trường.
Nhìn chung, đồ thị kỹ thuật từ VN30F1M cho thấy, bên mua vẫn chủ động hơn trong những thời điểm đưa giá lên mức cao. Với phiên giao dịch gần nhất, giá kiểm chứng thành công vùng hỗ trợ xu hướng, nhưng bên bán chưa thể tạo sức ép để đảo lại trạng thái giao dịch. Thêm vào đó, tín hiệu tích lũy bắt đầu rõ ràng hơn khi nền giá ngắn hạn xác lập quanh ngưỡng 1.050 điểm.
Khách quan nhìn nhận, cơ hội cho bên mua không thật sự rõ ràng, khi xu hướng ngắn hạn đang tạo nhịp giảm cho chỉ số, dù có mức hỗ trợ mạnh là 1.048 điểm từ ngưỡng 38,2% Fibonacci. Trong khi đó, biến động từ mức vênh (Basis) cũng mang tính thử thách cho cả hai bên, vì Basis không ổn định.
Do vậy, thời điểm này, nhà đầu tư nên ưu tiên những thế lệnh giao dịch ngắn và chốt lời trong phiên để hạn chế tối đa rủi ro biến động giá. Dựa vào chỉ báo, trạng thái mua lên khi giá điều chỉnh nên được cân nhắc trong thế lệnh này, khi cả MACD và RSI đều phát ra tín hiệu tăng. Cụ thể, MACD thu hẹp mức phân kỳ âm từ Histogram, trong khi RSI liên tiếp đưa ra hai thời điểm phân kỳ dương từ lực mua lên.
Nhà đầu tư có thể hành động mua trong kịch bản giá phục hồi từ nền 1.050 điểm, xác định vùng mục tiêu ở 1.060 điểm. Ngược lại, nếu giá thủng nền hỗ trợ 1.048 điểm, thì vị thế bán có cơ hội hơn.