Chứng khoán thế giới bật tăng mạnh
Các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đều bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 29/3 trong bối cảnh những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ngày càng giảm, trong khi kế hoạch chia tách 'gã khổng lồ' công nghệ Alibaba của Trung Quốc đã thúc đẩy hầu hết thị trường chứng khoán châu Á.
Tại New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 32.717,60 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,4% lên 4.027,81 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,8% lên 11.926,24 điểm.
Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) tăng 1,1% lên 7.564,27 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 1,2% lên 15.328,78 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) tăng 1,4% lên 7.186,99 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1,5% lên 4.231,27 điểm.
Chứng khoán thế giới khởi sắc trở lại nhờ các nhà chức trách thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, giúp trấn an các nhà đầu tư sau vụ sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ và việc bán khẩn cấp “gã khổng lồ” ngân hàng Credit Suisse.
Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty phân tích thị trường Hargreaves Lansdown, cho biết hiện tại những lo ngại về ngành ngân hàng tạm được gác lại và chưa có thêm sức ép nào đối với hệ thống ngân hàng, theo đó các nhà đầu tư đang quay trở lại đang quay trở lại tâm lý muốn mạo hiểm một chút.
Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã tăng tới 5% sau thông báo cựu Giám đốc điều hành Sergio Ermotti sẽ trở lại dẫn dắt cuộc tiếp quản đối thủ trong nước đang gặp khó khăn Credit Suisse. Ông Ermotti, từng là Giám đốc điều hành UBS từ năm 2011 đến năm 2020, được ghi nhận là người đã khôi phục danh tiếng của UBS nhờ các gói cứu trợ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tại Anh, Ngân hàng trung ương nước này (BoE) đã tìm cách giảm bớt lo ngại về nguy cơ lây lan từ tình trạng hỗn loạn gần đây trong hệ thống tài chính. Ủy ban Chính sách Tài chính của BoE nhấn mạnh các ngân hàng Vương quốc Anh vẫn ổn định và phần lớn không bị ảnh hưởng từ sự biến động của ngành ngân hàng ở Thụy Sĩ và Mỹ.
Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích tại công ty tài chính City Index và Forex.com, cho biết "tâm lý nhà đầu tư vẫn được hỗ trợ khi tình trạng bất ổn xung quanh lĩnh vực ngân hàng toàn cầu dường như được kiềm chế. Trên hết, Alibaba đã giúp thúc đẩy niềm tin trong lĩnh vực công nghệ sau khi quyết định chia thành 6 đơn vị kinh doanh.
Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng hơn 12% sau khi tuyên bố sẽ chia “đế chế” trị giá 220 tỷ USD thành 6 đơn vị kinh doanh. Alibaba, có trụ sở tại Hàng Châu, cho biết những thay đổi này nhằm "mở khóa giá trị cho cổ đông và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường".
Cũng trong phiên giao dịch ngày 29/3, giá dầu thế giới giảm khi giới đầu tư chốt lời sau hai phiên tăng liên tiếp và thị trường đang bàn luận việc thắt chặt nguồn cung.
Chốt phiên, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 37 cent (0,5%), xuống 78,28 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 23 cent (0,3%), xuống 72,97 USD/thùng.
Giá dầu vẫn được hỗ trợ trong phiên này, khi Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã bất ngờ giảm xuống trong tuần trước, do các công ty lọc dầu tăng cường hoạt động sau mùa bảo dưỡng. Bên cạnh đó, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ còn giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Cũng theo số liệu của EIA, lượng xăng dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán, qua đó cho thấy nhu cầu mạnh mẽ trước thềm mùa Hè.
Trong khi đó, đồng USD tăng so với rổ các đồng tiền chủ chốt khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Chỉ số đồng USD tăng 0,21% lên 102,6478.