Chứng khoán thế giới tăng mạnh

Xu hướng hạ nhiệt của hàng hóa, đặc biệt là dầu thô, giúp thị trường chứng khoán thế giới bật tăng trở lại.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán thế giới khu vực Mỹ và châu Âu đón nhiều tin vui khi sắc xanh bao phủ toàn bộ chỉ số. Việc nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là dầu, hạ nhiệt đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro của giới đầu tư.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 653,61 điểm, tương đương 2%; Nasdaq 100 tăng 460 điểm, tương đương 3,59%; S&P 500 tăng 107,18 điểm, tương đương 2,57%, mức tốt nhất kể từ tháng 6/2020.

Hàng loạt cổ phiếu dòng công nghệ, ngân hàng, hàng không và tiêu dùng như Nike, Meta, Microsoft, United Air Lines, Bank of America… đều tăng mạnh. Đà tăng trong phiên 9/3 đã giúp Dow Jones thoát khỏi vùng điều chỉnh trong khi Nasdaq được kéo khỏi vùng giảm giá.

Đáng chú ý, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3,25%, CAC 40 của Pháp tăng 7,13%, DAX của Đức tăng 7,92%. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng mạnh 4,68%.

Do đóng cửa sớm hơn, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương chỉ biến động nhẹ do không nhận được hỗ trợ từ giá hàng hóa.

 S&P 500 có mức tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2020. Ảnh: Investing.com.

S&P 500 có mức tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2020. Ảnh: Investing.com.

Rạng sáng ngày 10/3, giá dầu WTI giảm 12%, xuống 108,7 USD/thùng, mức hiệu suất tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Dầu Brent giảm 13% xuống 111,1 USD/thùng, mức sâu nhất kể từ tháng 4/2020.

Tương tự, giá vàng thế giới cũng giảm 3,12% xuống 1.988 USD/ounce. Một số kim loại khác như bạc, đồng, thép có chung xu hướng giảm khoảng 2,7%.

“Thị trường chứng khoán tiếp tục có dấu hiệu thay đổi theo giá hàng hóa, cụ thể là dầu. Giao dịch sẽ tiếp tục biến động và phục hồi khi giá giảm. Song, việc dự báo giá dầu và giá phi năng lượng vẫn ở mức cao đang tạo ra đám mây bao trùm triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán”, Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, nhận định.

Giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 5 điểm cơ bản, tương đương 0,05%, lên 1,93%.

Dự trữ năng lượng đã giảm vào hôm 9/3 sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, bao gồm dầu, để đáp trả cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Theo Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird, những động thái sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định khả năng kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.

“Sức mạnh của thị trường lao động, người tiêu dùng và nhóm ngành doanh nghiệp có vai trò giúp Mỹ thoát khỏi suy thoái kinh tế trong ngắn hạn. Nhìn chung, sự biến động vẫn có khả năng xảy ra khi cuộc chiến tại Ukraine chưa chấm dứt. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của kinh tế vẫn có vẻ ổn, đặc biệt khi FED có thể điều hướng việc tăng lãi suất mà không phá vỡ nhu cầu”, ông nói.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-khoan-the-gioi-tang-manh-post1301444.html