Chứng khoán tuần mới (từ 5 đến 9/8): Vượt qua giông bão?
Tuần giao dịch từ 29/7 đến 2/8 vừa qua tiếp tục chứng kiến tuần điều chỉnh thứ tư liên tiếp của VNIndex. Mức giảm hơn 5 điểm của chỉ số không thể hiện được sự biến động mạnh của thị trường, nhất là trong hai phiên cuối tuần. Chuyên gia kỳ vọng tuần tới VNIndex có thể vượt qua giông bão, hướng đến tuần hồi phục đầu tiên.
Đầu xuôi, đuôi không lọt
VNIndex mở đầu phiên giao dịch đầu tuần trước với sắc xanh là chủ đạo. Hai phiên tiếp theo thị trường tiếp tục đi ngang, thanh khoản tăng dần gợi ra một hy vọng cho một tuần hồi phục.
Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày thứ 5 - nhất là phiên chiều thị trường bất ngờ giảm mạnh gần 2% khiến nhiều nhà đầu tư toát mồ hôi hột. Phiên giao dịch thứ sáu tiếp tục tra tấn các nhà đầu tư, khi VNIndex có lúc nhúng xuống vùng 1209 điểm. Song bất ngờ khoảng 15 phút cuối phiên, dòng tiền ào ạt đổ vào kéo chỉ số vượt 123x.
Kết lại, thị trường vẫn điều chỉnh nhẹ 0.44%, song đây đã là tuần điều chỉnh thứ tư liên tiếp.
Điểm nhấn trong tuần có lẽ là nhóm cổ phiếu penny bị điều chỉnh rất mạnh. Khi mà các mã LDG, QCG, SMC… liên tục bị bán với mức giá sàn. Chỉ qua 5 phiên giao dịch SMC đã mất thêm 18%, trong khi hai tuần trước cũng đã mất 13% và 19%. Thị giá của cổ phiếu này đã về lại vùng 11 ngàn đồng/cp, cũng là vùng sideway từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2024.
Tương tự, LDG cũng giảm thêm 18%, sau khi đã giảm lần lượt 5 và 14% hai tuần trước đó. QCG mới hồi phục nhẹ, sâu khi đã giảm sàn gần 10 phiên liên tiếp.
Dòng cổ phiếu bất động sản vẫn chưa khiến nhà đầu tư an tâm, khi mà tiếp tục điều chỉnh. Trong đó mạnh nhất là PDR -9%, DXG -7%, KBC -7, LHG -6%. DIG, CEO dù tăng giảm luân phiên song vẫn mất từ 1-4%. Sắc xanh chỉ còn le lói ở NVL +4%; IDC +1,2%.
Nhóm ngân hàng trong tuần giao dịch tương đối khởi sắc với TCB, VPB, BID, HDB, SSB tăng từ 3-4%. Ngoài ra một số bluechips như VCB, MWG, BVH, cũng tham gia vào giữ nhịp cho chỉ số. Riêng VNM có một tuần giao dịch tích cực hiếm thấy, khi tăng gần 9%
Nhóm dầu khí có GAS, POW, BSR tiếp tục giữ được sắc xanh. Các mã PVD, PVS, PVT… chủ yếu đi ngang.
Vượt qua giông bão?
Thời gian tới, thị trường sẽ phải chịu rất nhiều thông tin tích cực và tiêu cực đan xen, tạo sức ép tâm lý lớn với các nhà đầu tư. Đầu tiên là các thông tin địa chính trị (nguy cơ chiến tranh Trung Đông lan rộng); chứng khoán nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ đều điều chỉnh rất mạnh. Chỉ số Nikkei 225 điều chỉnh đến 5% một phiên… Bóng ma suy thoái tại cường quốc số 1 thế giới đã quay trở lại.
Song bên cạnh đó, kỳ họp FOMC vào ngày 31/7 của FED đã nhắc đến lộ trình đảo chiều chính sách khi Chủ tịch FED tuyên bố về khả năng giảm lãi suất cơ bản. Giới đầu tư còn kỳ vọng sẽ có khoảng 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay.
Giáo sư Quách Mạnh Hào từ đại học Lincoln (Anh quốc) chia sẻ. Thời gian tới, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước tình hình biến động mạnh của địa chính trị cũng như kinh tế thế giới. Đặc biệt kinh tế Mỹ có chiều hướng bước vào giai đoạn suy thoái, chứng khoán nước này cũng đã có nhiều phiên điều chỉnh mạnh.
Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam không xấu thêm. Tỷ giá VND- USD vẫn ổn định, chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tiếp tục giảm. Điều này sẽ bớt đi sức ép phải điều chỉnh lãi suất cho ngân hàng nhà nước.
Ngoài ra, việc khối ngoại tiếp tục mua ròng cũng là điểm sáng cho thị trường. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tuần này VNIndex có thể vẫn điều chỉnh trong các phiên đầu tuần, song sẽ rút chân bật mạnh vào các phiên cuối tuần.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt phân tích. chúng ta đang ở gần với ranh giới gữa một xu hướng giá xuống và sự hồi phục của một xu hướng giá tăng. Đứng trên nhiều khía cạnh để nhìn nhận, chưa có bên nào thật sự chiếm ưu thế để chúng ta tự tin đưa ra một quyết định. Trong trường hợp như vậy, nếu nhà đầu tư đang có tỷ lệ dư nợ ở mức cao, sẽ an toàn hơn nếu bán ra một phần danh mục để giảm tỷ lệ này xuống, những cổ phiếu có ít kỳ vọng hơn nên nhường lại “room” để chúng ta có thêm nguồn lực cho một đợt giải ngân mới khi thị trường thật sự phá vỡ mức hỗ trợ 1200 điểm.
Đừng quá lo ngại nếu thị trường bật tăng trở lại sau khi bạn bán ra cổ phiếu vì phần lớn danh mục của bạn cũng đang tăng trưởng. Hy sinh một phần lợi nhuận trong trường hợp này là để bạn có thể “ngủ ngon giấc mỗi đêm” mà không phải lo nghĩ khi thị trường trở nên xấu đi và để đảm bảo cho bạn “vẫn còn củi để đốt khi mùa đông sắp đến.”
Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều tiền mặt, tôi không có thêm lời khuyên nào vì các nhà đầu tư này đang giữ sự thận trọng cao cho chính danh mục của mình và họ đang chủ động tìm kiếm một cơ hội lớn từ sự đổ vỡ của thị trường.
Còn ông Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV chia sẻ. Trong bối cảnh các yếu tố cơ bản chung vẫn đang được đảm bảo và xu hướng tăng trung và dài hạn đang được duy trì, tuy nhiên các tín hiệu ngắn hạn lại đang cho thấy áp lực bán dồn dập. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều cổ phiếu cơ bản tốt bị chịu ảnh hưởng tiêu cực chung từ thị trường. Do vậy, quan điểm của tôi vẫn tiếp tục nắm giữ các vị thế đối với các nhóm cổ phiếu trên, tập trung trading T0 để hạ giá vốn và chỉ bán hạ tỷ trọng hoặc cắt lỗ khi chỉ số đánh mất xu hướng tăng trung, dài hạn.
Đối các nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ nhiều hơn, nên hạn chế mở mua mới trong giai đoạn thị trường điều chỉnh và ưu tiên bán ngay khi mức giá vi phạm ngưỡng chịu lỗ, bởi khi rơi vào xu hướng giảm nhóm cổ phiếu midcap và penny thường sẽ giảm rất sâu.
Đại diện Công ty FinPeace chia sẻ, có thể thấy các thông tin mới nhất cho thấy vĩ mô đang bớt rủi ro, tăng trưởng phục hồi. Điển hình như lợi nhuận quý 2 của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt; lạm phát tháng 7 có cao do tăng lương cơ bản song cả năm vẫn dưới mục tiêu. Ngoài ra tỷ giá đã giảm mạnh từ đỉnh, hiện chỉ tăng 3.9%YTD nên không có nhiều lo ngại NHNN bán dự trữ hay tăng lãi suất.
Vừa qua, thị trường giảm chủ yếu do các yếu tố chính trị, tin tức. Rủi ro hiện giờ ở góc độ suy thoái Mỹ khi thất nghiệp theo báo cáo mới nhất đã tăng lên 4.3%. Để có thể biết được thông tin này sẽ tác động thực tế trong dài hạn như thế nào thì vẫn cần theo dõi suy thoái đến đâu và hành động của FED.
FinPeace đưa ra hai kịch bản vĩ mô và thị trường: Một là, nếu kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ và FED nhanh tay hạ lãi suất, chu kỳ tiền rẻ quay trở lại thì thị trường vẫn tích cực, ngoại trừ một số ngành xuất khẩu vì nhu cầu bên ngoài yếu đi. Còn nếu suy thoái trầm trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước thì thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh mạnh.