Chung tay bảo vệ môi trường
Giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và từng người dân. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống cho tương lai.
Môi trường có vai trò quan trọng, tác động hàng ngày, hàng giờ, trực tiếp ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh hiểm nghèo, lây lan dịch bệnh, làm mất cân bằng hệ sinh thái... Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua việc đổi mới căn bản các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, chương trình hành động cụ thể, trong đó có chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” - một sáng kiến của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang mang lại những mô hình hay, thực hành tốt, đem đến các kết quả tích cực được ghi nhận và nhân rộng tại nhiều địa phương.
Tại An Giang, để đảm bảo triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đồng bộ, hiệu quả, tỉnh đang triển khai thí điểm xây dựng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện trên địa bàn 2 phường của TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, làm cơ sở đánh giá, nhân rộng cho địa phương khác. Để đảm bảo lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào cuối năm 2024, ngày 31/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 752/KH-UBND về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để tổ chức triển khai trên toàn tỉnh.
Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực cho việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh việc thực hiện tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển. Tỉnh có 2 đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, gồm: Công ty TNHH Xây dựng Môi trường Xanh và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang.
Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 648 đợt tuyên truyền cho hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh, các cơ sở y tế và người dân để hướng dẫn phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm và hình thức xử lý về vệ sinh môi trường nơi cộng cộng… với hơn 42.000 người tham gia, 445 cơ sở hành nghề y và khoảng 1.300 lớp học của học sinh tiểu học, trung học. Đã phát 600 bình nước thủy tinh, 470kg túi ny-lon dễ phân hủy sinh học, 20kg men vi sinh cho người dân và 32.200 tờ bướm, 27.570 tờ rơi tuyên truyền.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm tăng cường công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa theo quy định, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Kết quả, đã phát 49.913 bao phân loại rác tại nguồn, 2.993 thùng rác (loại 22 lít, 30 lít, 42 lít, 60 lít, 120 lít, 240 lít), 3.597 sọt rác, 680 giỏ xách nhựa, 100 giỏ xách mây. Treo 81 pa-nô, 49 băng-rôn trên các tuyến đường chính, khu vực tập trung đông dân cư, các trụ sở cơ quan. Tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại các điểm trường đổi tập viết, qua đó đã phát 87.500 quyển tập và 1.000 cây viết.
Chị Nguyễn Thị Thà (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Qua tuyên truyền trên báo, đài, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải sinh hoạt. Trong đó, đối với rác thải nhựa tái chế, tôi thường trữ lại để bán phế liệu, góp phần bảo vệ môi trường. Đối với rác thải từ thực phẩm, tôi ủ thành phân để bón cho cây cảnh và mấy thùng xốp trồng rau sau nhà. Phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định”.
Hiện nay, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn, việc giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 75 và Khoản 7, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất ngày 31/12/2024. Để góp phần bảo vệ môi trường sống, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và mỗi người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực (phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định…). Muốn làm được vấn đề này thì công tác tuyên truyền phải tiếp tục được đổi mới bằng nhiều hình thức, phương pháp và không phải thực hiện trong thời gian ngắn mà phải qua nhiều thời gian, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí và cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về vấn đề quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa tại các đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong vấn đề xử lý rác thải, nhất là chất thải rắn, rác sinh hoạt nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa hiện nay.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chung-tay-bao-ve-moi-truong-a404972.html