Chung tay chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Hiện nay, phụ nữ chiếm hơn 50%, trẻ em chiếm hơn 26% dân số toàn tỉnh. Phụ nữ và trẻ em là lực lượng quan trọng trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em còn tồn tại, thậm chí diễn biến phức tạp tại một số địa phương cần sự chung tay chăm sóc, bảo vệ của cả cộng đồng.

Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình).

Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình).

Báo động tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em

Bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em thể hiện sự suy thoái về đạo đức của một số người.

Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 275 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), trong đó có 225 vụ bạo lực nạn nhân là nữ (chiếm 81,8%). Năm 2019, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, số vụ BLGĐ đã giảm nhưng không đáng kể. Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 257 vụ BLGĐ, trong đó có 2 vụ bạo lực đối với trẻ em dưới 16 tuổi, 169 vụ bạo lực nạn nhân là phụ nữ (chiếm 65,7%).

Theo đồng chí Nguyễn Thị Anh, Phó Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL), nguyên nhân chủ yếu gây ra BLGĐ là do bất bình đẳng về giới. Người dân còn thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, một số gia đình chưa có cách giải quyết phù hợp khi gia đình có mâu thuẫn, xung đột. Nhận thức của nhiều người về bình đẳng giới còn hạn chế. Một số người thiếu tôn trọng, không có ý thức bảo vệ các giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ, làm phát sinh BLGĐ. Bên cạnh đó, phụ nữ thường cam chịu, chưa có thái độ kiên quyết chống BLGĐ. Một bộ phận người dân còn xem BLGĐ là chuyện riêng của người khác nên khi thấy hành vi bạo lực không can thiệp, ngăn chặn. Do điều kiện kinh tế khó khăn, bế tắc, rượu chè, cờ bạc dẫn đến BLGĐ, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ.

Không chỉ có phụ nữ bị bạo lực mà trẻ em cũng đang bị đe dọa bởi vấn nạn xâm hại tình dục. Theo số liệu thống kê của sở Sở LĐ-TB&XH, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2019, có 20 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong đó, 11 trẻ bị hiếp dâm, 4 trẻ bị giao cấu, 5 trẻ bị dâm ô. Xâm hại tình dục trẻ em ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và tương lai của trẻ; đến quá trình phát triển cơ thể của trẻ em, thậm chí có thể bị lây các bệnh nguy hiểm qua đường tình dục. Đối với tâm lý, sau khi bị xâm hại trẻ em rơi vào trạng thái hoang mang, sợ hãi, có thể dẫn tới trầm cảm, sợ giao tiếp với xã hội.

Chung tay chăm lo phụ nữ, trẻ em

Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai hoạt động của Chương trình hành động bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Tỉnh ta quan tâm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các chính sách liên quan đến phụ nữ; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg của Chính phủ về việc điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Hoạt động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ phối hợp các sở, ngành và tham mưu UBND tỉnh để lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong chương trình công tác, kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh. Công tác cán bộ nữ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được được chú trọng. Trẻ em được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của mình. Các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ để phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trong năm 2019, tỉnh tích cực tổ chức các hội nghị tập huấn, tọa đàm nói chuyện chuyên đề với nhiều nội dung: Triển khai các quy định, văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới; nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và nữ đại biểu cơ quan dân cử; nâng cao kiến thức, kỹ năng về thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nữ tham gia chính trị, lãnh đạo, quản lý tại các sở, ban, ngành, địa phương; công tác hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách tác động trực tiếp đến công tác cán bộ nữ. Các hoạt động trên đã thu hút gần 1.500 đại biểu nữ lãnh đạo, nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ làm công tác bình đẳng giới của các sở, ngành, đơn vị, địa phương tham gia. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới và vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, lao động, việc làm.

Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đặc biệt là các ngành chủ trì thực hiện các mục tiêu của chiến lược; đưa nhiệm vụ bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, có chỉ tiêu tách biệt giới trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị và cộng đồng về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, Hội Phụ nữ tỉnh tích cực vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia buổi nói chuyện chuyên đề "Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; nghệ thuật làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy con" nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tổ chức trưng bày bộ ảnh chủ đề "Vì một cuộc sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Cung cấp gần 100 cuốn tài liệu về pháp luật lao động, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới liên quan đến lao động nữ; 500 tờ rơi, tờ gấp về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ. Toàn tỉnh có gần 1.200 CLB gia đình phát triển bền vững; 837 nhóm phòng, chống BLGĐ; 605 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp đảm bảo sự bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, trẻ em. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em của các cơ sở y tế được cải thiện, nhất là các nhóm dịch vụ về KHHGĐ và làm mẹ an toàn. Tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế đạt 100%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là 24%, nhẹ cân dưới 5 tuổi là 16,2%. Tỷ suất trẻ em tử vong dưới 1 tuổi giảm còn 11,5%o, trẻ em tử vong dưới 5 tuổi giảm còn 13%o.

Phụ nữ được đào tạo trên đại học chiếm 65%. Tỷ lệ nữ cán bộ, công chức được bồi dưỡng về chính trị, hành chính, tin học và ngoại ngữ chiếm 67%. Tỷ lệ phụ nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý chiếm 17,15%. Trong đó, là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh chiếm 10,86%; Ủy viên BTV Tỉnh ủy chiếm 6,66%; cấp trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chiếm 14,89%; cấp phó các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chiếm 18,03%. Toàn tỉnh có 2 đại biểu nữ tham gia đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND tỉnh chiếm 19,67%; đại biểu HĐND huyện chiếm 26,37%; đại biểu HĐND xã chiếm 23,94%.

Từ ngày 15/11 - 15/12/2019, UBND tỉnh phát động Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Qua đó, mỗi người dân có nhận thức và hành động thiết thực hơn để xóa bỏ bất bình đẳng giới, xóa bỏ tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong thời gian tới, tỉnh kiên quyết chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em. Để đạt được mục tiêu, các cấp, ngành, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Thực hiện tốt công tác can thiệp, nắm được những đối tượng có hành vi gây bạo lực, xâm hại và những người có nguy cơ bị bạo lực để can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Kiên quyết xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn.

Tỉnh tích cực tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là phụ nữ về bình đẳng giới, vị ví, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Ảnh: Cán bộ Hội Phụ nữ xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) - nay thuộc phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) tuyên truyền nhóm về bình đẳng giới, phòng - chống bạo lực gia đình.

Tỉnh tích cực tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là phụ nữ về bình đẳng giới, vị ví, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Ảnh: Cán bộ Hội Phụ nữ xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) - nay thuộc phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) tuyên truyền nhóm về bình đẳng giới, phòng - chống bạo lực gia đình.

Thu Thủy

Tích cực đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào cuộc sống

Bùi Xuân Trường

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL

Luật Phòng, chống BLGĐ được Quốc hội khóa XII thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2008. Luật là hành lang pháp lý quan trọng để xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp phòng, chống BLGĐ có hiệu quả. Chính vì vậy, để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ BLGĐ cần tích cực đưa Luật Phòng, chống BLGĐ vào cuộc sống, phù hợp với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân. Cần tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới. Quan tâm duy trì, nhân rộng các mô hình giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên.

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em

Phạm Thị Thanh Hiến

Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH)

Để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và các giải pháp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại phụ nữ, trẻ em cho các thành viên trong gia đình, cán bộ làm công tác bình đẳng giới và cán bộ làm công tác trẻ em. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền về hậu quả của hành vi bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em.

Phụ nữ, trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại cần phải lên tiếng

Đỗ Thị Thu Huệ

Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em còn tồn tại là các nạn nhân chưa có ý thức tố giác tội phạm. Phụ nữ sau khi bị bạo hành thường cam chịu vì cho rằng đó là việc gia đình, nói ra sợ xấu hổ với hàng xóm. Trẻ em bị xâm hại thường hoảng sợ, lo lắng nên có tâm lý giấu cha mẹ. Cha, mẹ khi biết con bị xâm hại cũng chưa có ý thức báo cơ quan có thẩm quyền giải quyết, sợ khi sự việc lộ ra sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ. Đó là rào cản ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc ngăn ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em. Những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng gây bạo lực, xâm hại không được pháp luật xử lý công khai tiềm ẩn sự tái phạm. Có nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành triền miên từ năm này qua năm khác. Chính vì vậy, những phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần có ý thức tố giác, trình báo hành vi phạm tội của người gây bạo lực, xâm hại để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/136995/chung-tay-cham-soc,-bao-vephu-nu-va-tre-em..htm