Chung tay giữ vững màu xanh biên cương

Quản lý hơn 990ha diện tích rừng đầu nguồn, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, BĐBP Bình Phước luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng tại Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp trong thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, từ đó, đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG này.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng tại VQG Bù Gia Mập. Ảnh: Trung Dương

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng tại VQG Bù Gia Mập. Ảnh: Trung Dương

Nâng cao công tác phối hợp

Xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình chủ yếu là rừng núi hiểm trở, trên địa bàn có hơn 7.000 người sinh sống, trong đó, chiếm 73% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc bản địa S’tiêng. Nhiều năm trước đây, đời sống nhân dân trên địa bàn xã dựa vào các hoạt động khai thác rừng, đánh bắt cá dọc theo tuyến sông biên giới, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, chính vì thế, lối sản xuất lạc hậu này đã tác động không nhỏ đến việc bảo tồn diện tích rừng tự nhiên.

Xác định tầm quan trọng của VQG Bù Gia Mập trong việc bảo vệ, phát triển nguồn dự trữ sinh quyển quý giá, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập đã chủ động cùng chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm triển khai công tác phối hợp để bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn. Theo đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các “đội quân công tác”, phối hợp với cán bộ phụ trách triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn hiểu được ý nghĩa và các quyền lợi thụ hưởng khi tham gia bảo vệ tài nguyên rừng.

Nói về nhiệm vụ này, Thiếu tá Trần Văn Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bù Gia Mập cho biết, cộng đồng dân cư sinh sống tại đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, nên rất dễ xảy ra tình trạng khai thác lâm, thủy sản trái phép nếu không quản lý tốt. Vì thế, công tác phối hợp tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng luôn được đơn vị duy trì thực hiện thường xuyên, có kế hoạch cụ thể.

Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thành lập được 8 tổ điều hành thôn. Luân phiên hàng tháng, các tổ đều cắt cử cán bộ xuống địa bàn, trực tiếp trao đổi thông tin với các lực lượng chuyên trách, ghi nhận những ý kiến mới, cách làm hay, từ đó, giúp nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập đã phối hợp với các tổ, đội Kiểm lâm của VQG Bù Gia Mập tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng hơn 100 lần với hơn 400 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Giao khoán để bảo vệ rừng

Do diện tích rừng nằm sâu trong vùng lõi của VQG Bù Gia Mập nên việc quản lý, bảo vệ rừng khu vực này vẫn còn khó khăn do điều kiện địa hình phức tạp, hệ thống giao thông đi lại còn hạn chế, lực lượng tuần tra mỏng, bị phân tán khi làm nhiệm vụ, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, đây lại là khu vực có nhiều loại gỗ quý hiếm, nên các đối tượng xâm phạm tài nguyên rừng thường rất liều lĩnh, tinh vi, bố trí người canh phòng, cảnh giới lực lượng chức năng nên việc tuần tra, phát hiện vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Bù Gia Mập tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn ký cam kết bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Trung Dương

Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Bù Gia Mập tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn ký cam kết bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Trung Dương

Trước thực trạng trên, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập đã thực hiện chính sách giao khoán rừng cho những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa có việc làm ổn định. Hoạt động này vừa giải quyết được vấn nạn khai thác rừng trái phép, vừa giúp nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời, tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại địa phương.

Ông Vương Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 7, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết: “Để hoạt động giao khoán rừng đạt hiệu quả cao, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập đã phối hợp với các cán bộ Biên phòng, Công an, Dân quân trang bị cho các hộ nhận khoán rừng những kiến thức cơ bản trong tuần tra, bảo vệ rừng, phương pháp xử lý khi gặp đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Ngoài ra, mỗi quý một lần, đơn vị sẽ tiến hành tổ chức nghiệm thu công tác giao khoán bảo vệ rừng và thanh toán tiền cho các hộ nhận khoán theo đúng cam kết”.

Gia đình anh Điểu Phước ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, trước đây trong diện hộ nghèo của xã, anh đã viết đơn xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ VQG Bù Gia Mập. Nhờ đó, hàng tháng, anh có thêm nguồn thu nhập từ bảo vệ rừng, cộng với các nguồn hỗ trợ chi phí khác, ba năm sau, gia đình anh Điểu Phước đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định.

Anh Điểu Phước chia sẻ: “Tham gia cộng đồng giữ rừng, ngoài tiền bảo vệ rừng, tôi còn thu thêm nhiều sản phẩm từ rừng như mật ong, nấm, cây dược liệu... Ngoài ra, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập cũng hỗ trợ chi phí cải tạo lại đường sá, làm hệ thống đường điện chiếu sáng trong thôn. Đây là động lực rất lớn để người dân chúng tôi tiếp tục ký kết nhận khoán bảo vệ rừng, từ đó, chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình”.

Với hiệu quả thiết thực của chính sách giao khoán rừng, đến nay, khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn xã Bù Gia Mập không còn tình trạng người dân vi phạm các quy định quản lý, bảo vệ rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được thực hiện tốt hơn.

Ông Hoàng Cử, Bí thư Đảng ủy xã Bù Gia Mập nhấn mạnh: “Trước đây, nhiều hộ khi chưa tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng rất nghèo khó, thậm chí đói ăn, nhưng nhờ chính sách giao khoán rừng mà đời sống nhiều hộ gia đình đã có nhiều bước khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống đáng kể (đến cuối năm 2021 chỉ còn 1,85%). Việc đồng bào tham gia nhận khoán rừng không chỉ giúp cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương đạt hiệu quả cao, mà hơn hết đã giảm áp lực trong công tác bảo vệ rừng của các lực lượng chuyên trách, từ đó, giúp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Ngọc Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-tay-giu-vung-mau-xanh-bien-cuong-post450997.html