Chung tay phòng chống sởi, quai bị, rubella
Vào 14h30 chiều nay (16/12), Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Chung tay phòng chống dịch bệnh sởi, quai bị, rubella'.
Sởi, quai bị, rubella là 3 loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ em và người lớn chưa được tiêm phòng sởi và rubella hoặc chưa mắc bệnh sởi và rubella đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Những bệnh trên có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như tiêu chảy, viêm phổi, viêm não, mù lòa, suy dinh dưỡng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Việc phòng chống dịch bệnh sởi, quai bị và rubella không chỉ là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan chứ năng mà hơn hết là nhận thức trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng. Để chung tay tuyên truyền về việc phòng chống dịch bệnh, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Chung tay phòng chống dịch bệnh sởi, quai bị, rubella”.
Tham dự giao lưu trực tuyến có các khách mời:
- Ông Nguyễn Bá Đăng – Chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng;
- Ông Phạm Quang Thái – Tiến sĩ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;
- Bà Trần Thị Hải Ninh – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Chương trình diễn ra lúc 14h30 ngày 16/12 trên Báo điện tử Chính phủ. Quý vị và các bạn có thể gửi câu hỏi tới hòm thư doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi điện đến số 080.44256.
Chúng ta biếtbệnh sởi xảy ra theo mùa thông thường là đầu mùa xuân và không phải bệnh thầm lặng vì nó diễn ra theo từng nhóm và mức độ lây lan nhanh chóng tạo ra dịch bệnh. Thưa ông Nguyễn Bá Đăng, xin ông cho biết nguyên nhân và đối tượng nào dễ bị mắc bệnh sởi?
Ông Nguyễn Bá Đăng: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
Cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi (trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine, người đã tiêm vaccine nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch, người chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vaccine trước đây).
Vậy đâu là con đường lây truyền của bệnh thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Đăng: Bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được > 95% tỉ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.
Thưa bà Trần Thị Hải Ninh, triệu chứng của bệnh sởi và các biến chứng sẽ có biểu hiện như thế nào?
Bà Trần Thị Hải Ninh: Những triệu chứng cơ bản của bệnh sởi gồm: Sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, tiêu chảy, phát ban đặc trưng dạng sợi. Ban mọc lần lượt từ sau gáy, hai tai xuống cổ và thân mình; lặn theo thứ tự như mọc, để lại các vệt vằn “da hổ”.
Bệnh sởi có thể dẫn tới các biến chứng về đường hô hấp (viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi), biến chứng thần kinh (viêm não, màng não) hay biến chứng tiêu hóa (viêm dạ dày, ruột). Một số biến chứng ít gặp là viêm cơ tim.
Vậy cần làm gì để có thể tự bảo vệ, giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là cho trẻ nhỏ, thưa bà ?
Bà Trần Thị Hải Ninh: Để phòng sởi hiệu quả, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh.
Vaccine phòng sởi chính là các virus sởi được làm mất độc lực, vậy có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm và liệu có thể phòng được hoàn toàn bệnh sởi suốt đời không thưa Tiến sĩ Phạm Quang Thái?
Ông Phạm Quang Thái: Bản chất của vaccine sởi chính là virus sởi đã được làm yếu đi để không gây bệnh sởi, nói một cách khác, đây chính là sự nhiễm virus sởi (vaccine) do đó trong một số trường hợp nhất định có thể biểu hiện như mắc sởi với các triệu chứng sốt, phát ban nhưng thể nhẹ. Những tác dụng phụ khi tiêm vaccine sởi có thể có như sốt (5-15%), ban (5%), sưng đau tại chỗ (10%).
Tiêm vaccine sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi? Lịch tiêm vaccine sởi như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Quang Thái: Không có vaccine nào có tỉ lệ thành công đạt 100%, vaccine sởi cũng vậy. Sau tiêm mũi 1, khoảng 90-95% trẻ có được miễn dịch với sởi, do đó cần có thêm mũi 2 để lấp đầy 5-10% chưa có miễn dịch đó. Lịch tiêm khuyến cáo với vaccine sởi là mũi 1: 9-11 tháng tuổi, mũi 2 khi đủ 18 tháng tuổi.
Tại sao phải tiêm hai liều vaccine sởi? Những ai cần tiêm mũi vaccine sởi thứ hai?
Ông Phạm Quang Thái: Domũi 1 vẫn có một tỉ lệ nhất định không thành công nên cần nhắc lại mũithứ 2. Do việc lấy máu làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ kháng thể còn khókhăn, phức tạp và tốn kém hơn nhiều việc tiêm nhắc mũi thứ 2 nên mọitrẻ em đều cần tiêm mũi sởi 2 này.
Vậy sau tiêm vaccine sởi, khả năng miễn dịch của cơ thể có bền vững suốt đời không thưa ông? Có nên tiêm vaccine đối với người từng mắc sởi?
Ông Phạm Quang Thái: Miễn dịch đạt được sau tiêm gần như nhiễm tự nhiên, do đó có thể bền vững lâu dài. Ngoài ra, miễn dịch sởi có trí nhớ - nghĩa là dù kháng thể đã giảm nhưng nếu có sự xâm nhập của virus, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt lại để nhanh chóng có kháng thể ngăn chặn virus.
Miễn dịch đối với nhiễm sởi tự nhiên gần như là miễn dịch suốt đời, do đó nếu đã từng mắc thì không cần tiêm vaccine. Xin lưu ý là chẩn đoán mắc sởi chỉ chắc chắn nếu có xét nghiệm kèm theo. Trong trường hợp đã mắc sởi mà có tiêm thêm vaccine sởi cũng không có vấn đề gì.
Vaccine có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không?
Ông Phạm Quang Thái: Khi đã tiếp xúc với virus sởi, nếu còn cảm nhiễm với sởi thì người đó chắc chắn mắc sởi. Việc tiêm vaccine sau khi tiếp xúc không có giá trị phòng bệnh.
Có thể tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi không? Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine sởi? Những trường hợp nào không nên tiêm vaccine sởi?
Ông Phạm Quang Thái: Trong trường hợp chống dịch, các nước tiên tiến như Mỹ áp dụng lịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Việt Nam cũng đang thử nghiệm để áp dụng lịch tiêm như vậy để chống dịch. Trên 18 tháng tuổi mà chưa được tiêm phòng vaccine sởi thì vẫn tiêm như bình thường. Vaccine sởi không giới hạn tuổi tối đa được tiêm.
Phụ nữ cho con bú không có chống chỉ định với tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, giai đoạn cho con bú thường đi kèm với khả năng ít thụ thai nên phụ nữ giai đoạn này dễ chủ quan trong việc phòng tránh thai. Khi có thai thì tiêm vaccine sởi là chống chỉ định.
Ông đánh giá như thế nào về tỉ lệ % kháng bệnh đối với những người đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi?
Ông Phạm Quang Thái: Với vaccine phòng bệnh sởi đối với trẻ từ 9 đến 11 tháng, tỉ lệ phòng bệnh đạt trên 90%; nếu tiêm đủ cả 2 mũi, tỉ lệ đạt được trên 95% (theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới - WHO).
Thưa ông Nguyễn Bá Đăng, ông có thể chia sẻ thêm những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phòng chống dịch sởi hiện nay?
Ông Nguyễn Bá Đăng: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, là một trong những bệnh có tính lây truyền cao nhất. Việc phòng chống dịch trước hết cần phải quyết liệt và triệt để ngay từ những trường hợp bệnh đầu tiên, giám sát phát hiện ca bệnh sớm để tổ chức bao vây dập dịch một cách nhanh gọn không để dịch lây lan là hết sức quan trọng tạo được hiệu quả lớn không để dịch lây lan tại cộng đồng. Công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh như khai báo khi có dịch, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch tạo miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư để cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng. Một yếu tố cũng hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh đó là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như đảm bảo đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương, việc chỉ đạo cần phải quyết liệt và tạo được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội liên quan để triển khai một cách đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngành y tế là đơn vị tham mưu các biện pháp phòng chống dịch. Nơi nào được chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt nơi đó dịch bệnh nhanh chóng được khống chế và dập tắt kịp thời.
Quai bị là một bệnh nhiễm virus của các tuyến nước bọt, nó thường xuất hiện trong các trường hợp cá nhân rải rác, mặc dù có dịch bệnh địa phương thường xuyên ở trẻ em.Thưa bà Hải Ninh, xin bà cho biết triệu chứng và diễn tiến của bệnh quai bị cũng như biến chứng của bệnh này?
Bà Trần Thị Hải Ninh: Triệu chứng chủ yếu khi mắc quai bị là sốt, sưng đau tuyến mang tai, thường xuất hiện ở một bên sau đó lan sang bên thứ hai. Ngoài ra, có một số triệu chứng không điển hình như đau mỏi người, đau đầu… Bệnh thường diễn biến lành tính, nếu không có biến chứng, bệnh nhân sẽ giảm bệnh và bình phục sau 7 đến 10 ngày.
Các biến chứng thường gặp của bệnh là viêm tinh hoàn ở nam giới ,viêm buồng trứng ở nữ giới, ngoài ra có thể gặp viêm tụy, một số biến chứng về thần kinh như viêm não, màng não. Điều đáng ngại là biến chứng viêm tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới, tuy gặp với tỉ lệ rất nhỏ.
Bà có thể nói rõ hơn cách điều trị và phòng ngừa bệnh này? Trẻ mắc bệnh quai bị về sau có bị vô sinh không?
Bà Trần Thị Hải Ninh: Hiện tại chưa có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh này, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh. Trong trường hợp có biến chứng viêm tinh hoàn, cần hạn chế vận động, nghỉ ngơi tại chỗ cho đến khi bình phục.
Về phòng bệnh, đây là bệnh có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine đầy đủ theo đúng liệu trình, tránh tiếp xúc với người bệnh.
Trường hợp trẻ (nam giới) mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn thì có nguy cơ dẫn đến vô sinh, tuy nhiên tỉ lệ này rất thấp. Tỉ lệ mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn chỉ gặp ở khoảng 30% bệnh nhân, trong đó biến chứng dẫn đến vô sinh chỉ gặp ở 0,5%. Việc theo dõi biến chứng teo tinh hoàn thường phải kéo dài từ 2 đến 6 tháng mới có thể xác định được.
Bệnh quai bị thường gặp ở lứa tuổi nào? Cơ chế lây lan và bệnh có nguy cơ thành dịch không?
Ông Nguyễn Bá Đăng: Bệnh quai bị thường hay gặp ở trẻ nhỏ và lứa tuổi vị thành niên, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỉ lệ thấp hơn do đã được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc đã có miễn dịch do mắc bệnh từ khi còn nhỏ.
Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp. Virus có trong các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện..., người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Những hạt nước bọt chứa virus sống gây bệnh kích thước nhỏ có thể phát tán mạnh trong phạm vi 1,5 mét; những hạt cực nhỏ, dạng khí dung có thể bay lơ lửng nhiều giờ trong không khí ở những không gian kín, gặp gió các hạt khí dung chứa virus có thể phát tán xa hơn.
Bệnh quai bị có thể gây các ổ dịch trong nhóm trẻ em đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường phổ thông, cũng có thể gặp trên nhóm trẻ lớn hoặc thanh niên và người lớn tuổi với tỉ lệ thấp hơn và thường là các trường hợp tản phát.
Thưa ông Phạm Quang Thái, các cách chữa dân gian như bôi nhọ nồi, bôi vôi, dán cao, đắp lá cây có thực sự hữu hiệu trong điều trị bênh quai bị?
Ông Phạm Quang Thái: Những cách chữa dân gian không có tác dụng trong việc chữa quai bị. Đây là bệnh do virus nên việc chữa trị là tăng sức đề kháng và giảm các triệu chứng.
Hiện nay ngành Y tế đã có những biện pháp gì để ngăn ngừa bệnh quai bị bùng phát thành dịch, thưa ông Nguyễn Bá Đang?
Ông Nguyễn Bá Đang: Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não. Để chủ động phòng chống bệnh quai bị, ngăn ngừa bệnh bùng phát thành dịch, mọi người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm vaccine phòng bệnh quai bị (vaccine dịch vụ, người tiêm tự chi trả kinh phí). Vaccine quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên đeo khẩu trang.
- Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác.
- Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.
Thưa bà Hải Ninh, bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Vậy xin bà cho biết chính xácbệnh rubella là do virus nào gây ra và lây truyền qua đường nào thưa bà? Cụ thể bà có thể cho biết đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao và những dấu hiệu để nhận biết của bệnh?
Bà Trần Thị Hải Ninh: Rubella là bệnh lây qua đường hô hấp, do hít phải các giọt bắn từ người bệnh. Ngoài ra rubella có thể truyền từ mẹ sang con, gây nên hội chứng rubella bẩm sinh từ trẻ.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là tất cả những người chưa có miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu do có thể gây nên nhiều biến chứng ở thai nhi.
Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, phát ban toàn thân. Ngoài ra có một số triệu chứng không điển hình như đau mỏi người, đau khớp. Nhìn chung các biểu hiện của bệnh rubella không điển hình dễ nhầm với các bệnh sốt phát ban khác, nên khi có các triệu chứng như sốt, phát ban... người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán bệnh.
Thưa ông Phạm Quang Thái, tiêm vaccine có thật sự hiệu quả trong việc phòng bệnh rubella không? Với việc tiêm vaccine 3 trong 1, liệu hiệu quả ngăn ngừa bệnh có bị giảm so với chuyên biệt 1 loại cho 1 bệnh không thưa ông?
Ông Phạm Quang Thái: Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng bệnh rubella. Đây là loại vaccine hiệu quả với trên 90% hiệu lực sinh kháng thể.
Các nghiên cứu hiện tại đều chỉ ra việc phối hợp 3 vaccine sởi-quai bị-rubella trong 1 không làm giảm hiệu lực của từng loại vaccine, đồng thời giảm số lần phải tiêm nếu tách riêng từng loại.
Thưa ông Nguyễn Bá Đăng, cần làm gì khi bị nghi nhiễm rubella và làm thế nào để phòng bệnh rubella?
Ông Nguyễn Bá Đăng: Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi mắc bệnh rubella, cần cách ly và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Người mắc bệnh cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi khởi phát. Trường hợp bệnh nhẹ cho cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế.
Trẻ em mắc hội chứng rubella bẩm sinh dưới 1 tuổi cần hạn chế tối đa cho tiếp xúc với người khác, đặc biệt là không cho tiếp xúc với phụ nữ có thai và các trẻ khác cho đến khi xét nghiệm nước tiểu, dịch ngoáy họng âm tính với virus rubella.
Để phòng bệnh rubella, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân:
1. Cách phòng bệnh đặc hiệu là tiêm vaccine rubella đơn giá hoặc phối hợp có thành phần rubella đầy đủ và đúng lịch cho trẻ em; phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất 3 tháng, khi đã mang thai thì không nên tiêm.
2. Không đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc bệnh rubella. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng.
4. Đối với nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi mắc bệnh rubella cần được cách ly và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Có trường hợp người lành mang virus rubella không thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Đăng: Những người chưa có miễn dịch với virus rubella sẽ bị mắc bệnh khi nhiễm virus rubella. Hiếm gặp trường hợp người lành mang virus rubella.
Thưa ông Phạm Quang Thái, tình hình bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh ở Việt Nam hiện như thế nào?
Ông Phạm Quang Thái: Vụ dịch rubella gần đây nhất vào năm 2011 với hàng chục nghìn trường hợp được ghi nhận. Sau đó chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai chiên dịch tiêm phòng vaccine sởi-rubella (MR) trên phạm vi toàn quốc cho đối tượng từ 1 đến 16 tuổi trong các năm 2014 đến 2016 nên đã khống chế được dịch. Số mắc rubella hằng năm chỉ ở mức một vài trăm ca bệnh.
Hội chứng rubella bẩm sinh(CRS) luôn đi kèm sau dịch rubella. Nếu năm 2011 ghi nhận hàng trăm trường hợp CRS thì đến nay cũng chỉ có một vài trường hợp được ghi nhận hằng năm.
Thưa quý vị và các bạn, 3 loại bệnh này rất nguy hiểm nhưng không phải không thể phòng, chống. Mong rằng, qua cuộc trò chuyện với các vị khách mời trong cuộc tọa đàm ngày hôm nay, chúng ta sẽ có thêm thông tin bổ ích cũng như có thêm kinh nghiệm để chung tay phòng chống dịch bệnh cùng cộng đồng. một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia giao lưu.