Chuỗi 13 tháng phá kỷ lục về nóng đã kết thúc nhưng đừng vội mừng
Theo Cơ quan ứng phó Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, nhiệt độ không khí vào tháng 7.2024 mát hơn một chút so với tháng 7 trước đó (0,04°C).
Trước đó, từ tháng 6.2023 đến tháng 6.2024, nhiệt độ trung bình của không khí và nước bề mặt đại dương cao hơn 1/4 độ C so với kỷ lục được thiết lập chỉ vài năm trước đó. Do vậy, tháng 7 năm nay nguội đi một chút là tín hiệu đáng mừng.
Nhưng cũng phải biết rằng, tháng 7.2023 đã ấm hơn đến 0,28°C so với tháng 7 nóng kỷ lục trước đó vào năm 2019. Do đó, mức giảm nhẹ của tháng 7 năm nay cũng nằm trong mức rất cao so với các năm trước đó.
Nhiệt độ không khí toàn cầu ấm nhất được ghi nhận là vào tháng 12.2023, ở mức cao hơn 1,78°C so với nhiệt độ trung bình trong tháng 12 trước thời kỳ công nghiệp và ấm hơn 0,31°C so với kỷ lục trước đó.
Nhiệt độ toàn cầu nóng lên liên tục phá vỡ kỷ lục về nhiệt trong những thập niên gần đây là điều ai cũng biết. Chỉ có điều, trước đây, việc phá vỡ kỷ lục sâu đến ¼ độ trong vài tháng là điều không mấy khi xuất hiện. Sự kết thúc của chuỗi tháng nóng phá kỷ lục không hề làm giảm bớt mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Vậy nguyên nhân nào gây ra chuỗi nhiệt độ kỷ lục này? Có nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau, nhưng yếu tố lớn nhất và quan trọng nhất là biến đổi khí hậu, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Nguyên nhân gây ra chuỗi nhiệt
Nhiệt độ điển hình của Trái đất 150 năm trước được sử dụng để so sánh nhằm đo lường sự nóng lên toàn cầu hiện nay. Giai đoạn tham chiếu, 1850–1900, là thời điểm trước khi các loại khí nhà kính liên quan đến quá trình công nghiệp hóa toàn cầu được thải ra. Đây là các loại khí làm tăng nhiệt lượng có trong đại dương và bầu khí quyển của Trái đất.
Tháng 7.2024 ấm hơn 1,48°C so với mức trung bình của tháng 7 thời tiền công nghiệp, trong đó khoảng 1,3°C là do xu hướng nóng lên chung của toàn cầu trong những thập niên tiếp theo.
Xu hướng này sẽ tiếp tục làm tăng nhiệt độ cho đến khi loài người ổn định khí hậu bằng cách dừng khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất.
Nhưng sự nóng lên toàn cầu không diễn ra theo một đồ thị trơn tru. Giống như giá bất động sản, xu hướng chung là tăng, nhưng có những lúc thăng trầm trong suốt quá trình đó.
Đằng sau sự thăng trầm đó là hiện tượng El Nino. Một sự kiện El Ninõ thường phân bố lại lượng nước trên khắp Thái Bình Dương.
El Nino rất quan trọng đối với hoạt động của thời tiết trên toàn thế giới vì nó làm tăng nhiệt độ không khí trung bình trên toàn bộ bề mặt Trái đất chứ không chỉ trên mỗi Thái Bình Dương.
Giữa các sự kiện El Nino, xuất hiện các điều kiện khí hậu có thể trung tính hoặc ở trạng thái đối nghịch lại gọi là La Nina có xu hướng làm mát nhiệt độ toàn cầu. Sự dao động giữa các cực điểm này lại không đều và các sự kiện El Nino có xu hướng tái diễn sau ba đến bảy năm.
Giai đoạn El Nino ấm áp của chu kỳ này bắt đầu diễn ra cách đây một năm, đạt đỉnh vào khoảng cuối năm 2023 và hiện đang có xu hướng sang pha trung tính, đó là lý do tại sao chuỗi phá kỷ lục đã kết thúc.
El Nino 2023/2024 mạnh, nhưng không phải là siêu mạnh. Do vậy, nó không phải là động cơ lớn duy nhất thúc đẩy việc phá vỡ kỷ lục nhiệt độ. Ảnh hưởng chính xác của các yếu tố khác vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.
Chẳng hạn, chúng ta biết rằng có một đóng góp nhỏ từ Mặt trời, hiện đang trong giai đoạn của chu kỳ vết đen kéo dài 11 năm. Do đó, mặt trời thời gian qua đã bức xạ nhiều năng lượng hơn một phần đến Trái đất.
Mê-tan (cũng là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, cùng với chăn nuôi gia súc và đất ngập nước) là một loại khí nhà kính quan trọng khác và nồng độ của nó trong không khí đã tăng nhanh hơn trong thập niên qua.
Các nhà khoa học cũng đang đánh giá mức độ các biện pháp làm sạch ô nhiễm không khí có thể góp phần làm tăng nhiệt độ, vì một số chất gây ô nhiễm không khí dạng hạt có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời và ảnh hưởng đến quá trình hình thành mây.
Nhiệt độ tăng đột biến
Trên khắp đại dương toàn cầu, năm 2023 là một mùa hè tàn khốc đối với các rạn san hô và hệ sinh thái xung quanh ở vùng Caribbean. Tiếp theo là tình trạng Rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Úc bị tẩy trắng nghiêm trọng khi bán cầu nam bước vào mùa hè.
Trong những năm có El Nino, chúng ta thường chứng kiến hiện tượng hàng loạt trên các rạn san hô trên khắp thế giới tử vong. Tuy nhiên, xu hướng biến đổi khí hậu mới là mối đe dọa cơ bản lâu dài. Chính biến đổi khí hậu đẩy san hô phải vật lộn để thích nghi với nhiệt độ cực đoan tăng cao.
Vì Thái Bình Dương hiện có khả năng quay trở lại điều kiện La Nina, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục giảm xuống, nhưng có lẽ khó quay trở lại mức trước năm 2023/24.
Một kịch bản hợp lý là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng quanh mốc 1,4°C (so với thời tiền công nghiệp) trong nhiều năm, cho đến khi sự kiện El Nino lớn tiếp theo đẩy nhiệt độ thế giới lên trên mức nóng hơn 1,5°C (có thể xuất hiện vào đầu những năm 2030).
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cam kết thế giới sẽ nỗ lực hết sức để hạn chế Trái đất không nóng quá 1,5°C nhưng tác động của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ khiến Trái đất nhanh chóng vượt quá mức đó.
Tin tốt là việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch đã bắt đầu trong các lĩnh vực như sản xuất điện, nơi năng lượng tái tạo đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.
Nhưng quá trình chuyển đổi này không diễn ra đủ nhanh, với biên độ đủ lớn. Việc đạt được các mục tiêu về khí hậu đang bị cản trở từ việc khai thác nhiên liệu hóa thạch hiện hữu khi các khoản đầu tư mới vào giàn khoan dầu và mỏ khí đốt vẫn tiếp tục được rót.
Nguy cơ về nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục có thể sẽ quay trở lại. Nhưng chúng ta vẫn còn có thể hóa giải nguy cơ này. Có nhiều lựa chọn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phi carbon và việc theo đuổi lựa chọn xanh ngày càng trở nên cấp thiết.