'Chuối dán tường' và 8 tác phẩm gây tranh cãi nhất thế kỉ 21
Từ 'chuối dán tường' đến NFT triệu USD, loạt tác phẩm làm dậy sóng dư luận, mở ra những cuộc tranh luận sôi nổi về giá trị và ranh giới của nghệ thuật đương đại.

Comedian (2019): Nổi tiếng với phong cách châm biếm và những tác phẩm gây tranh cãi, nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan từng khiến dư luận dậy sóng với bức tượng Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị thiên thạch rơi trúng. Tuy nhiên, Comedian - một quả chuối dán băng dính lên tường - mới là tác phẩm đưa tên tuổi ông trở thành tâm điểm truyền thông toàn cầu. Dù đơn giản đến mức khó tin, tác phẩm này đã được bán với giá 6,24 triệu USD trong phiên đấu giá tháng 11/2024 tại Sotheby’s. Nhiều người cho rằng tác phẩm là sự mỉa mai nhắm đến chính sự hời hợt, dễ dãi trong cách tiêu thụ nghệ thuật đương đại. Trong khi đó, Cattelan gọi đây là “chân dung tự họa” - lời tuyên bố hài hước và đầy ẩn ý về sự nghiệp lắm thị phi của chính mình. Ảnh: Sotheby’s.

Everydays: The First 5000 Days(2007-2021): Tháng 3/2021, tác phẩm kỹ thuật số của nghệ sĩ Beeple (tên thật Mike Winkelmann) được bán đấu giá với mức giá hơn 69 triệu USD tại Christie’s, trở thành tác phẩm đắt thứ 3 trong lịch sử của một nghệ sĩ còn sống. Everydays là một NFT - tài sản số không thể thay thế, tồn tại hoàn toàn trên mạng. Tác phẩm là tập hợp 5.000 bức tranh kỹ thuật số mà Beeple đăng mỗi ngày liên tục trong suốt 14 năm. Bộ sưu tập gây chú ý bởi sự đa dạng về chủ đề, từ chính trị, xã hội đến những hình ảnh kỳ quặc, gây tranh cãi. Một nhà đầu tư từng tuyên bố: “Tác phẩm này rồi sẽ trị giá cả tỷ USD” - phát ngôn cho thấy mức độ kỳ vọng, cũng như sự mạo hiểm đi kèm trong cơn sốt NFT thời điểm đó. Ảnh: Christie's.

For the Love of God(2007): Nổi tiếng với các tác phẩm gây sốc như cá mập trong formaldehyde, Damien Hirst đã đẩy tranh cãi lên tầm cao mới với For the Love of God: một hộp sọ thật từ thế kỷ 18 được đúc bằng bạch kim nguyên chất (platinum) và đính 8.601 viên kim cương, trong đó có một viên hồng ngọc 52,4 carat gắn ở trán. Hirst từng tuyên bố tác phẩm được bán với giá 100 triệu USD, nhưng sau đó thừa nhận thông tin này không chính xác. Nghệ sĩ John LeKay đã tố cáo Hirst sao chép ý tưởng của mình, nhưng Hirst chỉ thản nhiên đáp lại: “Tất cả ý tưởng của tôi đều là ăn cắp mà". Ảnh: Inspired Pencil.

Tree (2014): Tác phẩm hình khối bơm hơi cao 24 m, màu xanh chanh, đặt tại quảng trường Vendôme ở Paris (Pháp), được nghệ sĩ người Mỹ Paul McCarthy tuyên bố là “cái cây”. Tuy nhiên, hình dáng của tác phẩm lại khiến công chúng liên tưởng đến đồ chơi tình dục. Điều này dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ, một người thậm chí còn tát vào mặt McCarthy và gọi ông là “tên Mỹ dơ bẩn”. Tác phẩm sau đó bị phá hoại, và McCarthy ngay lập tức phản ứng bằng cách dựng video ghi lại sự việc, trong đó ông miêu tả mình là nạn nhân bị hành hung. Ảnh: Reuters.

New Portraits (2014): Richard Prince nổi tiếng với phong cách nghệ thuật vay mượn (appropriation art). Trong triển lãm New Portraits, ông phóng to các bài đăng Instagram của người khác, in lên vải canvas và thêm vào những bình luận cá nhân trước khi trưng bày. Điều này đã dẫn đến 5 vụ kiện, trong đó có nhiếp ảnh gia Donald Graham, người tố cáo Prince đã sử dụng trái phép hình ảnh của ông. Một tranh cãi khác liên quan đến Zoë Ligon, nhà hoạt động tình dục và chủ cửa hàng đồ chơi tình dục, khi hình ảnh của cô (mặc nội y đỏ) bị đưa vào triển lãm. Ligon yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ triển lãm, nhưng bảo tàng từ chối, khẳng định các tác phẩm này không nhằm mục đích thương mại. Ảnh: Ems Art Scene.

Open Casket (2016): Trong triển lãm Biennale Whitney 2017, nghệ sĩ người Mỹ (da trắng) Dana Schutz đã vẽ lại hình ảnh Emmett Till - cậu bé 14 tuổi người Mỹ gốc Phi bị giết hại dã man vào năm 1955, sau cáo buộc "ve vãn" một phụ nữ da trắng. Mẹ của Till đã công khai thi thể con trai trong đám tang để tố cáo tội ác phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, cách diễn giải sự kiện này qua lăng kính trừu tượng của Schutz đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng nghệ sĩ da màu. Họ yêu cầu tác phẩm này phải bị gỡ bỏ và tiêu hủy. Trong một cuộc biểu tình tại bảo tàng, bức tranh đã bị che kín hoàn toàn. Ảnh: The New York Times.

Dirty Corner (2015): Tác phẩm điêu khắc thép khổng lồ của Anish Kapoor, đặt giữa vườn cung điện Versailles (Pháp), đã gây tranh cãi khi một số người liên tưởng hình dáng của nó với âm đạo của Marie Antoinette (vợ của Vua Louis XVI), dù Kapoor đã bác bỏ sự liên kết này. Tác phẩm sau đó bị tấn công 2 lần, lần thứ 2 bị vẽ bậy (graffiti) với nội dung chống Do Thái. Kapoor từ chối xóa bỏ những dấu vết này, cho rằng đó là biểu hiện của sự thù hận. Tuy nhiên, tòa án đã can thiệp và yêu cầu ông phải loại bỏ những thông điệp xúc phạm, đồng thời che chúng lại bằng vàng lá. Ảnh: Lisson Gallery.

Scaffold (2012): Vào năm 2017, nghệ sĩ Sam Durant đã dựng một tác phẩm nghệ thuật mô phỏng giàn treo cổ tại Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ). Tác phẩm này gợi nhớ đến sự kiện lịch sử năm 1862, khi 38 người bản địa Dakota bị xử tử tại Mankato, Minnesota. Mặc dù trước đó tác phẩm đã được trưng bày thành công tại Đức, nhưng khi triển lãm tại Mỹ, đặc biệt là gần khu vực diễn ra vụ hành quyết, cộng đồng người Dakota đã tổ chức biểu tình và yêu cầu tháo dỡ tác phẩm. Bảo tàng Walker thừa nhận không biết về sự kiện lịch sử này khi quyết định trưng bày. Sau khi nhận được lời xin lỗi từ cả nghệ sĩ và bảo tàng, công trình cuối cùng đã được tháo dỡ và chôn cất theo nghi thức truyền thống của người Dakota. Ảnh: Jupiter Artland.

Dogs That Cannot Touch Each Other (2003): Tác phẩm video của hai nghệ sĩ người Trung Quốc, Sun Yuan và Peng Yu, được trình chiếu tại bảo tàng Guggenheim (Mỹ) ghi lại cảnh hai chú chó pitbull chạy trên máy chạy bộ đối diện nhau, bị buộc dây để không thể tiếp xúc. Mặc dù không có hành vi bạo lực trực tiếp, tác phẩm này vẫn vấp phải chỉ trích mạnh mẽ vì bị cho là ngược đãi động vật. Một đơn kiến nghị yêu cầu gỡ bỏ video đã thu hút đến 40.000 chữ ký chỉ trong vòng 24 giờ, buộc bảo tàng phải rút tác phẩm, cùng 2 tác phẩm khác có sự tham gia của động vật sống. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ, trong đó có Ai Weiwei, đã lên tiếng phản đối quyết định này, cho rằng đây là hành động kiểm duyệt nghệ thuật. Ảnh: The New York Times.