Chuỗi động đất ở Kon Tum và giải pháp ứng phó

Sáng nay (9/5), tại thành phố Kon Tum, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức 'Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum-Hiện trạng và giải pháp'. Hội nghị được tổ chức sau chuỗi động đất có phần bất thường trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, từ ngày 4/4/2021 bắt đầu xuất hiện chuỗi các trận động đất tại tỉnh Kon Tum với tâm chấn chủ yếu ở địa bàn huyện Kon Plông. Tính đến cuối tháng 4/2025 tại khu vực này đã xảy ra hơn 1.000 trận động đất với cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1 và trận có độ lớn cực đại là 5,0 độ richter xảy ra trưa ngày 28/7/2024.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất kích thích ở Kon Plông không thể gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất kích thích ở Kon Plông không thể gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu, đây là chuỗi động đất kích thích do tác động của con người trong đó có nguyên nhân từ việc tích nước hồ chứa thủy điện: “Hiện tượng động đất kích thích hay là kích hoạt do hồ chứa được xác định đã xảy ra ở nhiều khu vực trên lãnh thổ Việt Nam cũng như là trong mấy năm qua tại Kon Plông. Thế giới cũng như là các nhà địa chấn học ở Việt Nam đã nghiên cứu rất là nhiều và đã rút ra được những quy luật rất là phổ biến về hiện tượng động đất kích thích. Có thể nói rằng, động đất kích thích là những trận động đất có độ lớn vừa và nhỏ và không thể gây ra những thiệt hại nặng nề về người cũng như về tài sản như là những trận động đất hủy diệt đã từng xảy ra mà thuộc loại động đất tự nhiên”.

Cán bộ Viện Vật lý địa cầu khảo sát tình hình động đất và khuyến cáo người dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum kỹ năng phòng tránh để giảm thiểu rủi ro

Cán bộ Viện Vật lý địa cầu khảo sát tình hình động đất và khuyến cáo người dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum kỹ năng phòng tránh để giảm thiểu rủi ro

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, động đất xảy ra ở địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum sẽ diễn biến với quy luật chung của động đất kích thích, đó là xảy ra rầm rộ trong thời gian đầu, giảm dần, tắt theo thời gian. Quá trình này kéo dài hay kết thúc sớm phụ thuộc vào yếu tố địa chất, môi trường tại nơi xảy ra động đất.

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Nghiên cứu viên chính Viện Các Khoa học trái đất cho rằng, để phòng tránh, giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra, chính quyền địa phương cần gắn phát triển kinh tế xã hội với nâng cao khả năng thích ứng và khả năng chống chịu động đất của cơ sở hạ tầng. Còn đối với người dân sinh sống trong vùng động đất, cũng cần được trang bị các kỹ năng phù hợp để có ứng xử an toàn khi động đất xảy ra.

“Bà con phải nắm được chính xác thông tin về động đất để tránh những thông tin sai lệch, cần có những kỹ năng để bảo vệ mình ở trong những tình huống cụ thể. Ví dụ, khi đang ở trong nhà, nếu cảm thấy ngôi nhà của mình an toàn thì bà con không nên chạy vội theo phản xạ bởi vì động đất xảy ra trong một thời gian rất ngắn, chúng ta không thể kịp chạy ra ngoài. Bà con nên quỳ gối xuống, che đầu. Nếu như xung quanh có những vật dụng chắc chắn chúng ta hãy chui vào tránh vật liệu rơi xuống”, Tiến sỹ Bùi Thị Nhung cho hay.

Các em học sinh huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được phổ biến kiến thức về động đất và kỹ năng phòng tránh khi xảy ra động đất

Các em học sinh huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được phổ biến kiến thức về động đất và kỹ năng phòng tránh khi xảy ra động đất

Trước tình hình động đất liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cùng với lắp đặt 11 trạm quan trắc, từ tháng 3/2024, Viện Vật lý địa cầu đã triển khai thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp cho tỉnh Kon Tum và lân cận”. Mục tiêu đến tháng 2/2027 khi kết thúc đề tài sẽ làm rõ các tác nhân gây ra chuỗi động đất kích thích tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; đánh giá mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; đánh giá độ nguy hiểm của động đất đối với cộng đồng địa phương và xây dựng được các kịch bản ứng phó cho khu vực huyện Kon Plông cũng như các khu vực lân cận.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuoi-dong-dat-o-kon-tum-va-giai-phap-ung-pho-post1198246.vov