Chuỗi liên kết hiệu quả ở xứ 'đệ nhất danh trà'

HTX Nông sản Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, chủ yếu chế biến chuyên sâu chè và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Với việc xây dựng mô hình kinh doanh hiện đại và chuỗi liên kết hiệu quả, HTX đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.

"Có đất trồng chè nhưng cho HTX thuê, sau đó lại làm thuê cho HTX" - đó là cách làm của nhiều hộ nông dân xã Ôn Lương (huyện Phú Lương) để tạo nên một mô hình kinh tế tập thể đầy tính đoàn kết và bền vững.

Mối liên kết kinh doanh “mật thiết”

Chúng tôi có dịp đến thăm HTX nông sản Phú Lương vào một sáng tháng 10 mát mẻ. Sau chén trà nóng cùng Giám đốc bán hàng Nguyễn Đức Giang và các thành viên trong HTX, chúng tôi được dẫn ra thăm khu vực trồng chè của đơn vị. Hỏi thăm mới biết, rất nhiều lao động tại đây là chủ của những vườn chè này nhưng đã cho HTX thuê lại.

Anh Giang chia sẻ, từ nhiều đời nay, trồng chè đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh cũng như nhiều bà con trong xóm. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè chưa cao.

"Trước kia, hầu hết chè bán cho thương lái nhỏ lẻ, chẳng được giá, khiến đời sống còn khó khăn đủ bề. Do nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo phương pháp thủ công, truyền thống cha ông, tôi cùng các thành viên HTX đã nghiên cứu và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con để nâng cao giá trị cho đặc sản địa phương”, anh Giang trải lòng.

Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngày mới thành lập (năm 2020), HTX thuê lại 6ha chè của các hộ dân trong xã, sau đó thuê chính các hộ dân đó chăm sóc chè theo tiêu chuẩn của đơn vị. Mọi chi phí như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí vật tư,... đều được HTX chi trả. Chè sau khi được thu hoạch sẽ đem về cơ sở tập kết và tiến hành chế biến chuyên sâu.

Có thể thấy, việc vừa cho thuê đất, vừa làm thuê cho HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đơn cử như gia đình ông Tống Bản Đại (xóm Xuân Trường) có 5 sào chè cho HTX thuê đã gần 2 năm nay.

“Sau khi cho HTX thuê vườn, vợ chồng tôi lại làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Công việc hằng ngày là làm cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hái, đóng gói chè... Một tháng, lương trung bình của 2 vợ chồng được gần 13 triệu. Suốt 2 năm qua, cuộc sống gia đình dần tốt lên khi có HTX hỗ trợ làm ăn”, ông Đại chia sẻ.

Tại cơ sở trưng bày và giới thiệu sản phẩm có gần 40 sản phẩm được bày bán.

Tại cơ sở trưng bày và giới thiệu sản phẩm có gần 40 sản phẩm được bày bán.

Hay như gia đình chị Trần Bích Diệp (xóm Khau Lai) có gần 8 sào chè cho HTX thuê. Chị Diệp kể, tính tổng tiền bán chè tươi cho HTX, tiền công làm vườn và thu hái, trung bình mỗi tháng, gia đình chị được khoảng 15 triệu đồng. Nếu so với việc tự sản xuất như trước đây thì thu nhập khi cho HTX thuê lại cao gấp 3 lần.

"Tiếng lành đồn xa", hầu hết các hộ có đất cho HTX nông sản Phú Lương thuê đều tham gia lao động tại HTX. Hiện, HTX có 50 lao động, trong đó 30 lao động làm việc thường xuyên. Tùy từng vị trí công việc mà người lao động được trả lương theo tháng hoặc theo ngày. Trung bình lương một tháng của người lao động dao động từ 6-8 triệu đồng/người.

Đến nay, HTX có tổng diện tích vùng nguyên liệu hơn 16ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết với các hộ dân thêm 50ha. Ngoài ra, HTX cũng đang chuyển đổi một số ruộng thụt không thể trồng cấy để trồng hoa sen phục vụ cho việc ướp chè và trồng thêm 1ha hoa thí điểm để ướp trà.

Mở rộng danh mục sản phẩm

Ngoài ngành nghề chính là sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ cây chè, HTX còn kinh doanh nhiều mặt hàng nông sản của nhiều vùng miền trên cả nước như hạt mắc ca Tây Bắc, hạt điều Bình Phước, hạnh nhân nhập khẩu, hạt dẻ nhập khẩu, đặc biệt nhất là mỳ, miến do chính HTX cùng các thành viên tạo ra.

HTX nông sản Phú Lương liên kết với các hộ dân sản xuất mỳ, miến truyền thống.

HTX nông sản Phú Lương liên kết với các hộ dân sản xuất mỳ, miến truyền thống.

Anh Hưng đưa chúng tôi đến cơ sở làm miến của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Lệ (thành viên HTX). Giới thiệu từng công đoạn để làm ra những sợi miến dong ngọt thơm, chị Lệ cho biết, điểm mấu chốt để tạo ra sản phẩm miến dong được thị trường ưa chuộng như hiện nay chính là việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Để có được những sợi miến khô, khi nấu lên vừa có mùi thơm, vị thanh mát mà vẫn giữ được độ dai, giòn thì tinh bột làm miến phải là từ củ của cây dong riềng đỏ được trồng ở trên đất đồi.

Đặc biệt, cơ sở đã đầu tư máy tráng liên hoàn hiện đại, máy thái miến để tạo thành các loại sợi to, nhỏ khác nhau. Để làm hết 3,2 tấn bột, máy phải chạy trong suốt thời gian 9-10 tiếng đồng hồ liên tục, chính vì vậy trong suốt quá trình máy hoạt động phải có 2 nhân viên kỹ thuật theo dõi thường xuyên, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Có một điểm mới mà HTX đang áp dụng trong việc liên kết sản xuất đó là kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. HTX có một xưởng sản xuất phân bón hữu cơ chuyên thu gom các phế phụ phẩm nông nghiệp, bã rong, vụn miến,... sau đó ủ phân vi sinh hữu cơ. Khi đã tạo ra một lượng phân vi sinh hữu cơ ổn định, HTX sẽ cung cấp cho người dân để phát triển cây chè, cây dong riềng, lúa,...

"Đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, danh mục sản phẩm là điều cần thiết đối với bất kỳ đơn vị kinh tế nào. Đơn cử như nếu một HTX nông nghiệp chỉ cung cấp những dịch vụ đơn thuần sẽ rất khó phát triển, nhất là đặt trong bối cảnh phải cạnh tranh với các dịch vụ của các cơ sở tư nhân bên ngoài cung ứng. Điều này làm cho việc hợp lực của các thành viên không có, đông mà không mạnh", Giám đốc bán hàng Nguyễn Đức Giang cho hay.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX là về nguồn vốn phát triển sản xuất và việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe tại các thị trường nước ngoài. Do đó, HTX rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các ban ngành, địa phương về cơ chế chính sách, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm

Từ những nỗ lực không ngừng, HTX nông sản Phú Lương trở thành một trong những đơn vị đi đầu, mở đường phát triển kinh tế từ công nghệ số ở Ôn Lương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại 4.0, HTX đã tích hợp các thông tin thuận tiện cho người tiêu dùng. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh, mọi người có thể biết rõ được các thông tin sản phẩm như: Thời gian sản xuất, địa chỉ, thành phần, tiêu chuẩn chất lượng và giá cả...

Hiện, HTX có hơn 16ha chè trồng theo tiểu chuẩn VietGAP và 50ha diện tích liên kết.

Hiện, HTX có hơn 16ha chè trồng theo tiểu chuẩn VietGAP và 50ha diện tích liên kết.

Bên cạnh đó, để thu hút và tạo dấu ấn với khách hàng, HTX cũng chú trọng các hình thức đóng gói, thường xuyên thay đổi mẫu mã bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phát triển bán hàng online dựa trên các nền tảng như: Zalo, Facebook, Tiktok,...

Đối với kênh bán hàng truyền thống, HTX có các hệ thống ở 20 tỉnh, thành phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Ngoài ra, HTX còn có 4 cửa hàng lẻ thuộc công ty phân phối sản phẩm của đơn vị tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên.

Nhờ công nghệ số, sản phẩm của HTX kết nối khắp các vùng miền, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường hàng nghìn sản phẩm, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con cũng như thành viên HTX. Năm 2023, HTX có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là Trà mầm sương sớm hương quê, Trà tôm nõn hương quê, Trà móc câu hương quê; sản phẩm miến dong Ôn Lương đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Thái Nguyên.

Lãnh đạo UBND xã Ôn Lương khẳng định, mô hình của HTX đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác.

“Chúng tôi đang tạo mọi điều kiện để HTX mở rộng sản xuất, qua đó nhằm giải quyết được nhiều việc làm hơn, để người dân không phải ly hương nhưng vẫn có thu nhập cao trên chính đồng đất của mình”, vị lãnh đạo cho biết.

Với quyết tâm và khát vọng trên mảnh đất quê hương, bằng những bước đi chắc chắn, sáng tạo, HTX đã và đang tạo ra niềm tin cho người dân xã Ôn Lương nói riêng và huyện Phú Lương nói chung vào những thành công trong tương lai, cùng sản xuất, cùng phát triển kinh tế.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chuoi-lien-ket-hieu-qua-o-xu-de-nhat-danh-tra-1103140.html