Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Không có áp lực chọn sách giáo khoa

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai vừa chủ trì buổi làm việc về Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều điểm mới quan trọng

Theo đó, có 10 điểm mới quan trọng của Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ liên quan đến quan điểm, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Sự đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, từ đó giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời. Chương trình cũng giúp học sinh có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; Có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Ông Thành nhấn mạnh: “Chương trình 2018 đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều hơn; có nhiều nhiệm vụ hơn yêu cầu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, nhất là cuộc sống hàng ngày tại gia đình và cộng đồng”.

Tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa - Hà Nội), Đoàn giám sát đã trực tiếp đặt câu hỏi tới cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới và tới khảo sát các lớp học, lắng nghe chia sẻ của học sinh.

Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2022-2023, Trường THCS Bế Văn Đàn có 1.776 học sinh, với 20 lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và lớp 7. Đội ngũ giáo viên của trường hiện có 87 người. Thời điểm mới bắt đầu có nhiều lo lắng, không biết giáo viên có đáp ứng được chương trình hay không, song với sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, đội ngũ của nhà trường đã có sự đổi mới rất lớn”. Lấy ví dụ về đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên, bà Hạnh chia sẻ: Theo chương trình 2006 nhà trường có 3 giáo viên dạy môn Hóa học, 6 giáo viên dạy môn Sinh học, 3 giáo viên dạy môn Vật lý. Năm học 2021-2022 khi triển khai ở lớp 6, các giáo viên được phân công dạy theo mạch kiến thức từng chuyên môn được đào tạo, nhưng sau đó nhà trường chủ động cho thầy cô đi tập huấn, bồi dưỡng thêm chứng chỉ. Năm học 2022-2023 nhà trường triển khai ở lớp 7, toàn bộ 12 giáo viên đã đảm nhiệm được trọn vẹn môn Khoa học Tự nhiên”.

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát “nếu được chọn tiếp tục chương trình 2018 hoặc quay về chương trình 2006 sẽ chọn phương án nào”, cô giáo Phạm Thu Huyền, giáo viên dạy Ngữ Văn Trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một chuyển đổi lớn và là tất yếu, không thể cưỡng lại được, giáo viên dù vất vả nhưng đó là giáo dục đòi hỏi. “Dạy theo tiếp cận năng lực là xu thế”, cô Huyền nói.

Còn cô giáo Lê Thị Hương Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho rằng, giáo viên được giao quyền tự chủ vô cùng lớn. Quyền tự chủ đó yêu cầu thầy cô phải có năng lực, trình độ cao hơn. Cũng theo cô Hương Mai, Luật Giáo dục nâng chuẩn trình độ của giáo viên là chính xác.

Khó khăn chưa thể đo đếm “ngày một, ngày hai”

Đặt chung một câu hỏi với 3 hiệu trưởng của 3 trường Tiểu học Khương Thượng, Tiểu học Kim Liên và THCS Cát Linh trên địa bàn quận Đống Đa “về việc có hay không sự gợi ý hay áp đặt trong lựa chọn sách giáo khoa?”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận được chung câu trả lời: “không có bất kỳ sự áp đặt nào trong lựa chọn sách giáo khoa, quá trình lựa chọn minh bạch, công khai và kết quả chọn sách giáo khoa đúng như ý kiến của giáo viên, nhà trường”.

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát về các điều kiện đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà Trịnh Đan Ly, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho biết: Quận Đống Đa có đội ngũ giáo viên tương đối đầy đủ nhưng khó khăn cục bộ ở một số phân môn. Thời gian qua, các nhà trường chủ động ký hợp đồng, đảm bảo đầy đủ số lượng giáo viên để thực hiện chương trình.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra cho giáo viên là so sánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình năm 2006 và lựa chọn giảng dạy giữa hai chương trình này. Trả lời câu hỏi này, cô giáo Hoàng Thị Đào, Trường THCS Cát Linh khẳng định “Chương trình 2018 đổi mới hơn rất nhiều chương trình 2006, học sinh học chương trình mới cũng tích cực, hứng thú hơn nhiều”. Cái hay nhất của chương trình 2018, theo cô Đào là kế hoạch giáo dục theo tính mở, giáo viên, nhà trường có sự chủ động rất cao và tạo thuận lợi nhất cho giáo viên.

Chia sẻ về những thay đổi trong nhận thức của giáo viên, phụ huynh sau khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như những kỳ vọng trong thời gian tới, thầy giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trường Trường THCS Thái Thịnh cho biết, các trường trên địa bàn quận triển khai chương trình mới với tâm thế hồ hởi. Vấn đề bây giờ chỉ là tìm giải pháp để triển khai chương trình tốt và tốt hơn nữa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thể hiện tầm nhìn rộng lớn, tính lý tưởng, tính toàn diện, tầm mong đợi, kỳ vọng rất cao. Có điểm có thể làm được ngay, nhưng có điểm đặt ra để đi trong nhiều năm và trong quá trình đi có thể điều chỉnh. Mặc dù triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh khó khăn, song toàn ngành triển khai với tâm thế hào hứng, lạc quan. Thực tế cho thấy, mọi thứ đang thay đổi, ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua. Từ thực tế này, Bộ trưởng mong muốn, trong quá trình giám sát, các đại biểu Quốc hội sẽ ghi nhận khách quan từ cơ sở cả những thuận lợi và khó khăn, những kết quả đã đạt được và hạn chế cần khắc phục.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-khong-co-ap-luc-chon-sach-giao-khoa-post466636.html