Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm': Đồng bộ các giải pháp thực hiện

'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là một trong những chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Để xây dựng thành công sản phẩm OCOP đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và các chủ thể tham gia.

Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) tiềm năng đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh

Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) tiềm năng đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh

Vẫn còn khó khăn

Ngay từ khi triển khai thực hiện OCOP, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm có lợi thế tại các địa phương. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có. Ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Hướng dẫn quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP… Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt, như: Cam, bưởi, quýt, dưa lưới, nấm bào ngư, rượu bưởi, đông trùng hạ thảo, cà phê rang xay…

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), OCOP đã có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững. Không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, các sản phẩm OCOP còn thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, số sản phẩm được đánh giá, phân hạng còn khá khiêm tốn và chưa có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu đầy đủ về Chương trình OCOP, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm; các sản phẩm đặc thù còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Một số địa phương vẫn còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện OCOP.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, cho biết việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Các mặt hàng của hợp tác xã nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá, không chỉ có chỗ đứng trên thị trường trong nước mà còn có cơ hội mở rộng thị trường sang nước ngoài.

Ông Châu Văn Long, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết một trong những tiêu chí khắt khe của OCOP đòi hỏi người nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong sản xuất. Đổi lại khi đạt sao OCOP, nông sản Bình Dương có cơ hội vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, một số khó khăn, hạn chế là nhiều sản phẩm của chủ thể đăng ký lập hồ sơ dự thi đánh giá phân hạng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản phẩm, chưa phân tích kiểm nghiệm cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa có nhãn hiệu, bao bì đơn giản, công tác quảng bá xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp

Ông Phạm Văn Bông cho biết trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong đợt 1 năm 2021, tỉnh vẫn xây dựng được 36 sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 - 4 sao. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số sản phẩm chưa bảo đảm về mẫu mã, chưa có tính đặc trưng bản sắc địa phương. Năm 2021, để hoàn thành mục tiêu có thêm 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương cần xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nhận thấy Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương đặt mục tiêu có 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Ông Phạm Văn Bông cho biết thêm, để đạt được mục tiêu trên, ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP; khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng. Đi cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Thêm vào đó, ngành sẽ tập trung công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất.

Cùng với các giải pháp trên, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp ngành công thương quảng bá, giới thiệu thông qua một số hình thức như hình thành điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; xây dựng chuyên trang website OCOP tỉnh để hỗ trợ chủ thể giới thiệu, bán sản phẩm. Hỗ trợ thực hiện gian hàng chung của tỉnh tham gia hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh, kể cả hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT: Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành sẽ tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng. Đi cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-dong-bo-cac-giai-phap-thuc-hien-a257898.html