Chuyện bác sĩ túc trực ở nơi sự sống mong manh nhất
Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, các y, bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) vẫn tất bật, chạy đua từng phút giành lại sự sống cho người bệnh.
Tất cả vì người bệnh
Xuyên suốt 5 ngày nghỉ dịp lễ 30/4 – 1/5, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) vẫn vang lên tiếng tít tít của máy thở, máy theo dõi nhịp tim, máy đo các chỉ số sinh tồn của người bệnh...
Ðây được ví như "nơi đầu sóng ngọn gió", nơi lằn ranh giữa sống và chết mong manh nhất. Hơn 90% bệnh nhân khi vào khoa đều chìm trong mê man, thở oxy, thở máy…
Các nhân viên y tế tại đây cho biết, do đặc thù phòng hồi sức, hạn chế người ra vào nên hầu hết các vấn đề liên quan đến người bệnh như thay tã, lau người… nhân viên y tế hỗ trợ làm hết.
Trên 15 năm túc trực hồi sinh nhiều bệnh nhân nặng trong các dịp lễ, TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ: "Hầu như khoa này không có khái niệm nghỉ lễ. Dịp 30/4 – 1/5 năm nay, ngoài lực lượng trực 24/24 giờ tại khoa, chúng tôi còn bố trí đông đảo y bác sĩ ứng trực. Khi có sự cố bất thường (như tai nạn, thảm họa…), số bệnh nhân nặng tăng nhiều thì lực lượng ứng trực phải có mặt ngay. Bản thân tôi, các ngày lễ cũng sẵn sàng chỉ đạo chuyên môn để kịp thời xử lý các tình huống khó trên tinh thần tất cả vì người bệnh".

Những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) vẫn đông kín người bệnh nặng.
Để tiết kiệm thời gian, chia sẻ chóng vánh trong ít phút, TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ lại vội vã vào phòng hồi sức khi nhận được thông tin có ca bệnh chuyển nặng.
Cả phòng hồi sức vang lên tiếng y lệnh của bác sĩ, tiếng động viên nhau hãy "thần tốc" để giữ lại sự sống cho người bệnh. Giữa giàn máy móc, bác sĩ chỉ đạo lấy lại nhịp thở, y tá lo hỗ trợ truyền dịch, thuốc, điều dưỡng sẵn sàng chăm sóc, vỗ về khi người bệnh có dấu hiệu hồi tỉnh...
"Đây là nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nhất, đòi hỏi y bác sĩ chúng tôi phải nhanh và chính xác, luôn tập trung cao độ vì người bệnh.
Đặc biệt, trong các dịp nghỉ lễ, số bệnh nhân nặng thường tăng nhiều hơn do các cơ sở y tế tư nhân chuyển đến hoặc một số người đi du lịch không may bị ngộ độc nặng hay tai nạn…
Thế nên, nỗi vất vả của thầy thuốc tăng lên nhiều, bước qua cánh cửa phòng hồi sức tích cực, trong đầu mỗi người chỉ còn dòng ý nghĩ hãy cứu người", TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ nói.
Động viên nhau luôn vững vàng
Toát mồ hôi sau nhiều tiếng đồng hồ cứu chữa người bệnh, BSCKI Trần Minh Thành (khoa Hồi sức – Tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: "Cũng như một số năm trước, dịp lễ 30/4 – 1/5 này, tôi dặn vội người thân hãy vui chơi an toàn rồi bản thân mình lao vào phòng hồi sức tích cực để cứu người bệnh. Do tập trung cao độ, hết ca trực thì chân tay cũng rã rời, đành tranh thủ xem không khí người dân đi du lịch qua màn ảnh nhỏ.
Có hôm bệnh nhân nặng nhiều quá, các bác sĩ phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Làm nghề y đã vất vả, làm ở khoa này vất vả gấp bội phần, có người vừa vào khoa là thở máy, đặt nội khí quản…".

BSCKI Trần Minh Thành theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh nặng.
Túc trực bên người bệnh nặng trong dịp lễ 30/4- 1/5, điều dưỡng Hồ Thị Mỹ Châu (khoa Hồi sức – Tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, vất vả thì nhiều nhưng các điều dưỡng luôn cố gắng vượt lên và giữ tinh thần vững vàng nhất để chăm sóc tốt cho người bệnh. Dịp lễ không nghỉ, không sum vầy bên người thân, họ tranh thủ dịp khác.
Hạnh phúc lớn nhất của các y, bác sĩ ỏ nơi ánh đèn không bao giờ tắt, tiếng máy thở không bao giờ dừng là lúc đưa được một người ra khỏi "cửa tử".
Nhưng xen trong những hạnh phúc, có nhưng nốt lặng khiến nhiều người rưng rưng nơi khóe mắt. Đó là khi tập trung cứu chữa hết sức mình nhưng vẫn có người bệnh không thể qua khỏi.

Hệ thống máy móc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) luôn hoạt động hết công suất.
"Hầu như ngày nào tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện cũng có người bệnh vì quá nặng (như người bị xuất huyết não ồ ạt, người hoàn toàn suy đa tạng…) mà tử vong.
Có người bệnh, hàng chục y bác sĩ giỏi dốc hết sức cứu nhưng vẫn không thể cứu được. Những tình huống này đôi lúc khiến một số y bác sĩ, nhất là người trẻ ít nhiều bị tác động tâm lý. Khi ấy, chúng tôi phải xích lại gần nhau, động viên nhau hãy vững vàng, mạnh mẽ vượt lên.
Bản thân tôi luôn nói với các đổng nghiệp trẻ của mình: Là bác sĩ túc trực nơi sự sống mong manh nhất, hãy làm hết sức, hết khả năng, đúng trách nhiệm; còn những tình huống người bệnh quá nặng không thể nào cứu được thì đừng bi lụy hay nản.
Nhiều năm cứu bệnh nhân nặng, tôi đúc rút ra rằng, tình yêu nghề cháy bỏng và sự tận tụy vì người bệnh là động lực cho các y bác sĩ vững vàng công tác", TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ bộc bạch.