Thanh niên Campuchia mắc bệnh hiếm thoát chết nhờ bác sĩ Việt Nam

Thanh niên 18 tuổi người Campuchia mắc bệnh hiếm, sau 2 lần phẫu thuật trong nước vẫn tiếp tục đau đầu dữ dội, mờ mắt, yếu tay chân, mất khả năng đi tiểu, có thể tử vong bất cứ lúc nào... đã phải đến Việt Nam cầu cứu bác sĩ.

Chiều 2.5, TS-BS Huỳnh Hồng Châu – chuyên gia đầu ngành Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) – cho biết đã kịp thời cứu nam thanh niên 18 tuổi (người Campuchia) thoát chết do mắc phải hội chứng Arnold-Chiari – một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của hệ thần kinh trung ương, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

TS-BS Huỳnh Hồng Châu, chuyên gia đầu ngành Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City (phải) thăm hỏi, chúc mừng bệnh nhân phục hồi - Ảnh: BVCC

TS-BS Huỳnh Hồng Châu, chuyên gia đầu ngành Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City (phải) thăm hỏi, chúc mừng bệnh nhân phục hồi - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Châu, trước khi đến Việt Nam, bệnh nhân đã trải qua 2 lần phẫu thuật tại Campuchia để điều trị các triệu chứng như đau đầu, mờ mắt, yếu tay chân và bí tiểu phải đặt ống thông.

Lần phẫu thuật thứ nhất, bác sĩ đã tiến hành khoan sọ để dẫn lưu tạm thời dịch não tủy qua một ống nhỏ, sau đó rút ống ra. Lần thứ hai, bệnh nhân được phẫu thuật mở rộng lỗ chẩm nhưng vẫn chưa đủ rộng để giải quyết triệt để vấn đề – phần cung sau đốt sống cổ C1 vẫn chưa được mở khiến dịch não tủy tiếp tục bị ứ đọng.

Hậu phẫu, các triệu chứng gần như không cải thiện, bệnh nhân vẫn đau đầu dữ dội, tay chân yếu, mất khả năng tự đi tiểu và phải lệ thuộc vào ống thông. Khi đến Bệnh viện Quốc tế City, bệnh nhân rơi vào trạng thái ngủ li bì. Gia đình chỉ nghĩ rằng bệnh nhân mệt mỏi sau chặng đường dài từ Campuchia sang Việt Nam.

Tuy nhiên, TS-BS Huỳnh Hồng Châu đã nhận ra điều bất thường là bệnh nhân không đơn thuần đang ngủ mà rơi vào trạng thái “ngủ gà” (drowsiness) – một biểu hiện của tình trạng hôn mê do tăng áp lực nội sọ.

Kết quả chụp CT não xác nhận nghi ngờ của bác sĩ, các não thất giãn rộng bất thường, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ hôn mê sâu, ngưng thở và tử vong bất kỳ lúc nào.

Ngay lập tức, ê kíp triển khai đặt VP Shunt (Ventriculo Peritoneal Shunting System) – kỹ thuật dẫn dịch não tủy từ não xuống ổ bụng, giúp giảm áp lực nội sọ một cách an toàn và hiệu quả.

Sau bước xử trí ban đầu, hình ảnh MRI tiếp tục cho thấy bệnh nhân mắc hội chứng Arnold- Chiari với tình trạng hạnh nhân tiểu não tụt xuống tận đốt sống cổ C1, gây tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy và làm giãn rộng ống nội tủy xuống đến đốt sống ngực D9.

“Chúng tôi tiếp tục phẫu thuật giải áp – mở rộng lỗ chẩm và cắt cung sau C1, làm rộng hố sau để khơi thông dòng chảy dịch não tủy. Chỉ vài ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể đi lại, phục hồi khả năng tiểu tiện mà không cần ống thông. Sau 1 tuần xuất viện, bệnh nhân quay lại tái khám trong trạng thái khỏe mạnh, tự đi lại được, mắt đã nhìn rõ và không còn cần sự trợ giúp trong sinh hoạt hằng ngày”, bác sĩ Châu thông tin.

Theo bác sĩ Châu, đây là một ca bệnh điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện sớm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thanh-nien-campuchia-mac-benh-hiem-thoat-chet-nho-bac-si-viet-nam-232180.html