Chuyện 'bếp núc' trên tàu KN 491 đi Trường Sa

Trong điều kiện nắng nóng, sóng gió trên biển, nhưng mỗi ngày, các đại biểu của Đoàn công tác số 15 thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI năm 2023 vẫn được phục vụ 4 bữa ăn (sáng, trưa, chiều và bữa ăn phụ đêm) với những món ăn chế biến kỹ thuật cao như ở nhà hàng. Đó là nhờ công sức và bàn tay khéo léo của Tổ phục vụ trên tàu KN 491.

Tàu KN 491 chở Đoàn công tác số 15 xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh đi Trường Sa lúc 8 giờ sáng. Sau 3 giờ hành trình trên biển, loa phát thanh của tàu bỗng vang lên: “Đã đến giờ ăn trưa, kính mời thủ trưởng và các đại biểu dùng bữa tại khu vực ăn đã quy định”. Ngay bữa ăn trưa đầu tiên trên tàu, nhìn mâm cơm tươm tất, chúng tôi rất ấn tượng. Bởi trong điều kiện nắng nóng, sóng gió trên biển, tàu tròng trành, nhưng mâm cơm có tới 5 món ăn chính gồm: Thịt rang cháy cạnh với tôm, thịt chân giò luộc, thịt trâu xào rau muống, trứng ốp, rau cải luộc, canh rau, trái cây tráng miệng… bày sẵn gọn gàng trên bàn ăn, không khác gì tại nhà ăn tập thể trong đất liền. Trong lúc đại biểu ăn trưa, các thành viên Tổ phục vụ của tàu luôn có mặt tại khu vực ăn để hỗ trợ đại biểu thêm nước mắm, ớt, giấy ăn… Đặc biệt, trong điều kiện làm việc trên tàu vất vả, chật chội, nóng bức, tàu tròng trành… nhưng các thành viên Tổ phục vụ luôn giữ nụ cười tươi, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo với khách.

Tổ phục vụ chế biến thực phẩm trong điều kiện chật chội, nóng bức.

Tổ phục vụ chế biến thực phẩm trong điều kiện chật chội, nóng bức.

Tổ phục vụ chế biến thực phẩm trong điều kiện chật chội, nóng bức.

Tổ phục vụ chế biến thực phẩm trong điều kiện chật chội, nóng bức.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Trung Trường, Tổ trưởng Tổ phục vụ trên tàu KN 491 cho biết: “Thành viên Tổ phục vụ không phải là những người nấu bếp hay phục vụ chuyên nghiệp. Khi có các chuyến tàu đưa đại biểu đi công tác Trường Sa, anh em được trưng dụng từ nhiều bộ phận khác nhau, như: Thợ kỹ thuật, thợ máy tàu, lái xe… lên tàu làm nhiệm vụ phục vụ đoàn. Trong Tổ phục vụ Đoàn công tác này chỉ có 4 người thạo công việc chế biến thực phẩm và nấu. Tuy không ở cùng đơn vị, không được đào tạo kỹ thuật nấu ăn, nhưng khi nhận nhiệm vụ, anh em coi nhau như người một nhà, người làm trước có kinh nghiệm hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho người làm sau. Việc nấu ăn trên tàu không đơn giản như trong đất liền, có những chuyến công tác gặp áp thấp nhiệt đới bất thường, sóng biển dâng cao, tàu rung lắc dữ dội, anh em Tổ phục vụ rất vất vả, có khi cơm đã dọn lên bàn bị sóng đánh đổ, lại phải dọn dẹp và nấu lại. Do đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất chọn người vào Tổ phục vụ là phải trẻ, khỏe, nhiệt tình, chịu đựng được sóng gió… Tùy theo số lượng người của đoàn công tác, thường mỗi thành viên phục vụ theo tỷ lệ khoảng 15 - 17 đại biểu, với nhiều lứa tuổi khác nhau”.

Qua tìm hiểu được biết, để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho mỗi hành trình của đoàn công tác, Tổ phục vụ phải xây dựng thực đơn ăn từng bữa cho cả đợt, không trùng lặp món ăn trong 2 ngày liên tục. Căn cứ tiêu chuẩn ăn, số người, thực đơn để tính toán số lượng, chủng loại lương thực, thực phẩm, gia vị dự trữ phù hợp. Ngoài các loại lương thực, thực phẩm thông thường, trên tàu còn dự trữ thêm cả cơm cháy, lương khô, mì tôm, sữa hộp, khoai lang, ngô non… để phục phụ đại biểu trong trường hợp say sóng không ăn được cơm. Anh Trường cho biết thêm: “Việc lựa chọn, dự trữ thực phẩm cho mỗi hải trình rất quan trọng. Lương thực, thực phẩm mang lên tàu phải là những loại chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, được khai thác từ các cơ sở kinh doanh có uy tín, kinh nghiệm. Các loại thịt gia súc, gia cầm, cá biển, tôm… cơ sở cung ứng có thể bảo quản lạnh đông trước, Tổ phục vụ tiếp nhận đưa lên tàu. Riêng cá nước ngọt, Tổ phục vụ tiếp nhận cá tươi, chưa làm lạnh đông để kiểm tra chất lượng bằng phương pháp cảm quan. Đối với rau, củ, quả, nhất là rau ăn lá, phải đảm bảo chất lượng tốt, không bị sâu bệnh, không bị ướt khi tiếp nhận thì mới bảo quản được thời gian dài, hạn chế giảm chất lượng. Trước khi tàu xuất phát 1 ngày, các loại thực phẩm được chuyển lên tàu đưa vào kho lạnh bảo quản”.

Nói về công việc hằng ngày trên tàu, anh Nguyễn Ngọc Lanh, nhân viên Tổ phục vụ cho biết:“Từ đầu năm 2023 đến nay (tháng 5-2023), tôi tham gia 4 chuyến tàu phục vụ đoàn công tác. Hằng ngày trên tàu, cứ 3 giờ 30 sáng anh em Tổ phục vụ thức dậy để chuẩn bị bữa ăn sáng và kết thúc công việc vào khoảng 23 giờ 30 trong ngày. Mỗi ngày, anh em chỉ được ngủ khoảng hơn 4 giờ đồng hồ. Tổ phục vụ phân công việc cụ thể phù hợp với khả năng từng người. Anh em chuyên nấu bếp mỗi người đều có những “độc chiêu”, nghĩa là chế biến, nấu một hoặc hai món ăn sở trường ngon hơn những người khác. Dựa vào đó bếp trưởng phân công anh em đảm nhiệm chế biến món ăn theo đúng sở trường. Sau khi đại biểu ăn xong, anh em Tổ phục vụ luôn quan sát món ăn nào còn dư nhiều, đồng thời tham khảo ý kiến để điều chỉnh món ăn hợp khẩu vị với số đông. Những đại biểu bị say sóng không thể xuống phòng ăn, anh em nấu cháo, pha nước chanh đưa đến tận phòng nghỉ. Tuy công việc vất vả, nhưng mọi người đều xác định rõ nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm cao và vẫn thấy vui vì được đóng góp công sức của mình trong việc gắn kết giữa đất liền với Trường Sa…”.

Trong suốt hải tình đi Trường Sa, các bữa sáng, nếu ăn cơm sẽ có 4 món thức ăn, bữa trưa 5 món, bữa chiều thường có thời gian hơn nên có khoảng 10 món ăn được chế biến kỹ thuật cao, như: Thịt gà quay, thịt lợn quay giòn bì, cá sốt cà chua, cá rán giòn, tôm tẩm bột rán, mực xào hành tây, thịt dê nhúng mẻ, thịt bò hầm khoai tây… Bữa ăn phụ đêm được thay đổi bằng món cháo thịt, cháo cá hoặc phở bò, mì tôm thịt… không trùng nhau trong 2 ngày liên tục, giúp đại biểu ăn ngon miệng.

Các đại biểu Đoàn công tác tham gia chia thức ăn.

Các đại biểu Đoàn công tác tham gia chia thức ăn.

Được trực tiếp chứng kiến công việc vất vả và tinh thần trách nhiệm của anh em phục vụ trên tàu, ngay từ ngày đầu hải trình công tác, rất nhiều đại biểu nữ cùng tham gia công việc “bếp núc”. Các chị tham gia những việc phù hợp như: Nhặt rau, rửa rau, rửa bát đĩa, chia thức ăn, dọn dẹp… để anh em đỡ vất vả hơn. Chị Y Thị Bích Thọ, thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đi công tác Trường Sa. Trước đó, tôi không nghĩ công việc “bếp núc” trên tàu đi biển vất vả thế này. Thấy các em làm việc quần quật cả ngày, lại bị say sóng, mệt lả nên thương lắm. Nhưng khi khỏe lại, các em lại phục vụ Đoàn công tác nhiệt tình, chu đáo, tôi rất cảm phục. Tôi cùng nhiều chị khác tự nguyện giúp Tổ phục vụ dọn dẹp, rửa bát đĩa, hằng ngày xong việc lúc 23 giờ mới đi ngủ…”.

Hai ngày cuối hải trình công tác, thời tiết ngoài khơi bất thường do áp thấp nhiệt đới, trời nổi giông, sóng biển dâng cao, đánh mạnh vào mạn tàu, trời mưa to, tàu chao đảo cả ngày đêm, có hàng chục người say sóng. Có bữa thức ăn đã chia xong trên bàn, trời mưa to tạt mạnh lên boong tàu, anh em phục vụ lại phải khiêng cả bàn ăn tìm góc trốn mưa để đại biểu ăn cơm không bị ướt. Nhiều người say sóng không ăn được cơm, anh em nấu cháo, phở phục vụ chu đáo giúp đại biểu ăn uống nhanh phục hồi sức khỏe.

Tuy thời gian trong hải trình công tác đi Trường Sa chỉ 6 ngày, chúng tôi đều chứng kiến sự vất vả, phức tạp của công việc “bếp núc” trên tàu. Kết thúc chuyến công tác, ai nấy trong Đoàn công tác đều có chung nhận xét cảm phục tinh thần trách nhiệm của anh em Tổ phục vụ - những người làm nhiệm vụ thầm lặng trên tàu, nhưng đóng góp lớn vào thành công trong mỗi chuyến công tác.

Bài, ảnh: LƯƠNG THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chuyen-bep-nuc-tren-tau-kn-491-di-truong-sa-731193