Chuyển biến từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) trong sản xuất nông nghiệp. Từ lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung… đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập

Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định thủy lợi là nhiệm vụ tiên quyết, huyện Chợ Mới đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, hoàn thiện đê bao kiểm soát lũ đảm bảo sản xuất 3 vụ ăn chắc. Trong đó, nổi bật là việc hoàn thành Dự án Nam Vàm Nao, trạm bơm mẫu mương Ông Cha. Hệ thống thủy lợi kết hợp đê bao có khả năng chống lũ triệt để cho diện tích 22.934ha (thuộc 84 tiểu vùng), đồng thời tạo nên hệ thống giao thông nội đồng khá hoàn chỉnh và đồng bộ, thuận tiện cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản của nông dân.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện những chủ trương và giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện địa phương, đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, toàn huyện đã chuyển đổi trên 9.064ha đất nông nghiệp. Trong đó, chuyển đổi từ đất lúa sang các loại cây trồng khác trên 7.019ha; từ vườn tạp sang cây ăn trái trên 56ha và từ vườn tạp sang rau màu gần 6ha. Hiện nay, diện tích canh tác lúa của huyện trên 12.968ha (chiếm 52,5%); rau màu trên 3.962ha, tỷ lệ 16%; cây ăn trái trên 7.787ha, chiếm 31,5% diện tích đất nông nghiệp của toàn huyện.

Từ chuyển đổi cây trồng hiệu quả đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh. Điển hình như vùng chuyên canh xoài ở 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân), vùng chuyên canh rau màu (xã Mỹ An, Kiến An); vùng chuyên canh sầu riêng (xã Long Kiến)… Đặc biệt, 3 xã cù lao Giêng và xã Mỹ An đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Ngoài đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng đi hiệu quả mà ngành nông nghiệp Chợ Mới rất quan tâm. Từ năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Hội Nông dân huyện chọn và triển khai 69 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Trong đó, có 1 mô hình tưới phun trên cao và tưới nhỏ giọt trên xoài 3 màu (từ nguồn vốn hỗ trợ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương); 8 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh và 60 mô hình cấp huyện, tổng kinh phí hỗ trợ 4,2 tỷ đồng. Các mô hình đang phát triển và được nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10-25% so với canh tác truyền thống.

Ngoài hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, địa phương còn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho nông dân. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của người nông dân có nhiều thay đổi, việc canh tác nông nghiệp ngày càng tiến bộ, từ đó thu nhập cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Trên cơ sở thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất.

Cụ thể, năm 2021, giá trị sản xuất trung bình 326 triệu đồng/ha, tăng 6 triệu đồng/ha so năm 2019 và tăng 63 triệu đồng so với năm 2015. Ngoài ra, việc thực hiện đề án còn góp phần tăng thu nhập cho người dân, tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí nông thôn mới của huyện là 54,11 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 1,21%, hộ cận nghèo 2,03%.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là Hội Nông dân huyện, tổ chức lại sản xuất, tạo ra những vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, cung cấp hàng hóa chất lượng cho doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo chiều sâu, tập trung vào các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được công nhận; tăng cường liên kết sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh, huyện Chợ Mới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Trong đó, tập trung chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu sản xuất lúa, sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường; chuyển đổi từ phát triển số lượng sang chất lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu…

Củng cố, nâng chất các loại hình kinh tế hợp tác; phát huy vai trò kết nối giữa thành viên với hợp tác xã, giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp… góp phần tạo tiếng nói chung trong liên kết, từ sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm; từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước, chính sách tín dụng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp…

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chuyen-bien-tu-de-an-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-a340254.html