Chuyện bức 'Tiếp quản thủ đô' được thực hiện ở mặt sau tranh Lê Phổ

Tại buổi ra mắt sách 'Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương', ông Trịnh Lữ đã chia sẻ về sự nghiệp cha mình, đặc biệt là chuyện tranh 'Tiếp quản thủ đô'.

 Sách Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương là tâm huyết của ông Trịnh Lữ, viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha ông, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: M.H.

Sách Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương là tâm huyết của ông Trịnh Lữ, viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha ông, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: M.H.

Xuyên suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã có những ý tưởng và đóng góp vào nghệ thuật nước nhà.

Tại buổi tọa đàm và giới thiệu sách Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương, tác giả Trịnh Lữ (con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) khẳng định phong cách kết hợp những xúc cảm thẩm mỹ nước Pháp giao thoa với cảm thức của người Việt Nam về vẻ đẹp xứ sở mình là điều ông Trịnh Hữu Ngọc đã phát huy và phản ánh được trong các tác phẩm của mình, tạo nên những tác phẩm đã góp phần định hình bản sắc mỹ thuật Đông Dương.

Tác giả Trịnh Lữ khẳng định bố mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - chưa bao giờ đánh mất bản sắc Việt Nam trong các tác phẩm của mình. "Việt Nam là một dân tộc rất giản dị, rất thông minh, biết học hỏi tri thức khác thành của mình, ông Trịnh Hữu Ngọc cũng yêu những cái xung quanh mình một cách giản dị như thế. Do vậy, bản sắc dân tộc ở các tác phẩm của ông được toát ra một cách tự nhiên", họa sĩ Trịnh Lữ nói.

Bức tranh khắc độc đáo

Một tác phẩm, một câu chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người tham gia buổi tọa đàm là câu chuyện về bức tranh Tiếp quản thủ đô của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Bức vẽ gây ấn tượng với màu sắc và đường nét độc đáo mà đậm đà bản sắc, tinh thần dân tộc. Theo ông Trịnh Lữ, tác phẩm này đặc biệt như vậy là vì khi tiếp cận tác phẩm, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc chủ động phá cách, thoát khỏi lối sơn khắc mỹ nghệ truyền thống mà sử dụng bút khắc chạy bằng điện. "Ông cầm bút điện mà vẽ lên mặt sơn như vẽ chì", ông Trịnh Lữ nói.

 Bức tranh Tiếp quản thủ đô được in trong sách. Ảnh: O.P.

Bức tranh Tiếp quản thủ đô được in trong sách. Ảnh: O.P.

Một điểm đặc biệt nữa là người họa sĩ chọn phủ son bức vẽ này lên mặt sau của bộ sơn mài Phong cảnh Bắc Kỳ chưa hoàn thành của họa sĩ Lê Phổ. Khi ấy là năm 1964, bức tranh ra đời được thị trưởng Trần Duy Hưng mượn treo trong phòng khánh tiết Tòa Thị chính Hà Nội.

Viết trong sách Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương, tác giả Trịnh Lữ nhận định: "Đây là bức tranh lịch sử duy nhất của Trịnh Hữu Ngọc. Vậy là bức sơn mài của Lê Phổ, điển hình của Mỹ thuật Đông Dương thời thuộc địa, đã thành song sinh với bức sơn khắc có phong cách và kỹ thuật độc đáo của Trịnh Hữu Ngọc, tưng bừng đón chào độc lập dân tộc - một chứng tích sinh động độc nhất vô nhị cho thời kỳ quan trọng và hấp dẫn nhất của lịch sử hội họa Việt Nam: Giai đoạn quá độ từ thuộc địa sang độc lập giữa thế kỷ 20".

Mong được trưng bày cho công chúng thưởng lãm

Đến năm 1985, Ủy ban Nhân dân Hà Nội xây trụ sở mới, bức vẽ bị chuyển xuống kho và rơi vào quên lãng. Ông Trịnh Lữ cho biết bức tranh nằm trong kho 26 năm.

 Tác giả Trịnh Lữ, con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: M.H.

Tác giả Trịnh Lữ, con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: M.H.

Ông kể: "Khi phát hiện ra, tôi mới xin cho lấy lại bức tranh. Ảnh chụp tranh trong sách được chụp vào năm 2011". Mặc dù màu sắc đã bị phai nhạt gần hết, nhưng khi nhìn, ông Trịnh Lữ vẫn thấy xúc động.

Dù qua thời gian, bức tranh vẫn giữ được vẻ sinh động nồng nhiệt, trang trọng mà thanh tao, duyên dáng. Cảnh các tầng lớp nhân dân thủ đô ra đón các anh bộ đội Cụ Hồ bên Hồ Gươm được lồng trong một khung hoa cúc trang trí chứa đựng những hình ảnh lịch sử từ Cách mạng Tháng tám cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Một người quen của ông Trịnh Lữ mới ngỏ lời đem tranh đi nhờ chuyên gia Nhật Bản phục chế. Sau, ông mới phát hiện bộ vóc với hai mặt đều là tranh này đã bị tách đôi và phục dựng thành ba tác phẩm: Một bức của Trịnh Hữu Ngọc và hai bức của Lê Phổ.

Ông Trịnh Lữ chia sẻ: "Tác phẩm đặc biệt này ra đời từ tình yêu và niềm tin ở tương lai... Hy vọng của chúng tôi là những tác phẩm lịch sử đặc biệt này sẽ được trưng bày cho công chúng thưởng lãm, một ngày nào đó".

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-buc-tiep-quan-thu-do-duoc-thuc-hien-o-mat-sau-tranh-le-pho-post1445743.html