Chuyện chép ở Bến Nghiêng với những 'huyền thoại'
Những ngày tháng Tư nao nức của 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi tới ngôi nhà của ông Hoàng Gia Hiếu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển thành phố Hải Phòng tại Đồ Sơn, nơi cách bến K15 (bến Nghiêng) không xa. Dường như những năm tháng tuổi 20 bi tráng ấy đã mãi mãi là dòng ký ức không phai mờ trong tâm trí người lính già năm nay đã ở tuổi 83...

Cựu chiến binh Hoàng Gia Hiếu kể lại thời khắc không bao giờ quên trong trí nhớ người lính già.
Những chuyến tàu C41 huyền thoại
“Thanh niên lúc ấy vô tư lắm, chỉ mong được đi làm nhiệm vụ, không nghĩ đến cái chết... Sóng to, gió lớn, hiểm nguy rình rập, nhưng không ai dao động. Tất cả, vì miền Nam ruột thịt..”... ông Hoàng Gia Hiếu nghẹn ngào chia sẻ khi nhắc về những năm tháng cùng đồng đội lặng lẽ vượt sóng gió, vận chuyển vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam thân yêu.
Về sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển, trước yêu cầu của kháng chiến chống Mỹ, tháng 7/1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến vận tải chiến lược bằng đường biển vào miền Nam. Tiểu đoàn 603 được thành lập dưới tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh, thí điểm chuyến đi đầu tiên đưa vũ khí vào Khu 5 dịp Tết Canh Tý 1960, nhưng chuyến đi bất thành do thời tiết xấu và gặp địch.Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam ngày càng cấp bách. Ngày 23/10/1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập, có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Cùng với Đoàn 559 mở “đường Hồ Chí Minh trên bộ”, Đoàn 759 được giao nhiệm vụ mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tháng 8/1962, Đoàn 759 nhận 4 chiếc tàu gỗ từ xưởng đóng tàu 1 (Hải Phòng). Mặc dù tàu nào cũng có số hiệu, nhưng gọi là “Tàu không số”, để bảo đảm bí mật, khi vào “ăn hàng” tàu không treo số, khi ra biển, tùy từng tình huống sẽ dùng số giả và cờ của các quốc gia khác nhau. Tại Đồ Sơn, ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí nhổ neo, vào cửa Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Tháng 2/1964, như bao thanh niên phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn) khi ấy, ông Hoàng Gia Hiếu hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hai tháng huấn luyện tại Trường 70 (Bộ Tư lệnh Hải quân), người lính trẻ, lớn lên cùng sóng vỗ vạn chài được điều động về Đoàn tàu không số, nhận nhiệm vụ trên tàu sắt C41 (Tàu Không số mật danh 41), sau này mang phiên hiệu HQ671 (tiền thân là tàu gỗ Phương Đông 1). Khi đó, thuyền trưởng là ông Hồ Đắc Thạnh, quê ở Phú Yên, người sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chính trị viên là ông Trần Hoàng Chiếu, quê Vĩnh Long. Chuyến đi đầu tiên của ông cùng đồng đội chở 65 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng ( Cà Mau), chuyến thứ hai, ba, bốn vào Vũng Rô ( Phú Yên), Sa Kỳ ( Quảng Ngãi)... Từ đó đến tháng 11/1966, ông Hiếu đã trải qua 15 chuyến đi nhưng chỉ có 5 chuyến đầu thành công. Mỗi chuyến đi, tàu được biên chế khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ, ngoài ra còn có một số cán bộ được đưa đi chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cán bộ chiến sĩ tàu 42 Đoàn tàu Không số
Ngay chuyến đầu tiên, tàu mắc cạn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Khi đó, cứ vào Hoàng Sa là… mất tàu. Tàu vào rạn san hô, sau khi nước rút, tàu mắc cạn làm san hô vỡ ra là tàu đắm. Trước đó, từng có tàu bị mắc cạn ở Hoàng Sa không ra được, mất tàu, mất vũ khí. Tàu C41 cũng bị rơi vào cảnh tương tự. Với quyết tâm của cấp ủy, chi bộ là “không để mất tàu, không để mất vũ khí, không để mất người”, các cán bộ, chiến sĩ lao xuống biển, chống tàu, đỡ tàu và phá san hô, kiên quyết giữ bằng được tàu cân bằng để không chìm.
Dưới nước biển lạnh buốt, trong bóng tối mịt mù của biển đêm, suốt một ngày một đêm, các chiến sĩ đã phải dầm mình, phá san hô để giải cứu con tàu. “Nước rút, tàu nghiêng, nước tràn vào tàu. Một chút sơ sẩy là mất tất cả”, ông Hiếu nhớ lại. Tất cả chống chọi, quyết tâm cứu tàu, cứu người, bảo toàn hàng hóa. Và bằng ý chí quật cường, con tàu cùng toàn bộ vũ khí đã cập bờ an toàn. Cấp trên đánh giá đây là chuyến đi “hoàn thành kép”: giữ được tàu và vận chuyển thành công vũ khí vào chiến trường.
Chuyến đi thứ hai của ông Hiếu đầy căng thẳng nhưng cũng đậm nét hào hùng. Đêm ngày 28/11/1964, tàu C41 thực hiện nhiệm vụ mở bến vào Vũng Rô (Phú Yên), vận chuyển 65 tấn vũ khí cho quân khu 5. “Khi vào rồi chúng tôi mới biết mạo hiểm, nhưng các cụ nói chỗ nào nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”. Vũng Rô thời điểm ấy là vùng đất chưa ai khai phá. Cửa vào bến chỉ vừa đủ cho một con tàu lọt qua, phía trên đỉnh đồi là đồn bảo an của địch. Mọi sơ suất nhỏ nhất đều phải trả giá bằng sự hi sinh mất mát đau thương.
“Địa hình cực kỳ hiểm trở. Trên là núi, dưới là biển, không có nơi nào để ngụy trang”, ông Hiếu kể. Trong tình thế nguy hiểm, các chiến sĩ đã phải chia nhau chặt cây rừng, phủ lên tàu. Nhưng vì diện tích lớn, họ không thể che kín hoàn toàn. May mắn thay, tàu được trang bị thêm hai chiếc dù của Mỹ, đủ để che kín. Không ai ngờ tàu to như thế, ông Hiếu bồi hồi kể lại.
Suốt quá trình bốc dỡ, máy bay trinh sát Mỹ bay rà sát mặt biển nhưng không phát hiện ra. Trong sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần cảnh giác cao độ, tàu C41 đã chuyển được 3 chuyến hàng, tổng cộng hơn 300 tấn vũ khí vào Vũng Rô - một kỳ tích trong lịch sử Đoàn tàu không số. “Sau đó chúng tôi đithêm hai chuyến nữa, mỗi chuyến 65 tấn hàng, chuyến thứ hai rút còn 62 tấn vũ khí và hai tấn gạo cho các chiến sỹ Vũng Rô ngày đó đã mấy tháng không có gạo ăn. Chuyến thứ ba mùng 1 Tết 1965, là ba chuyến vào Vũng Rô cập bến thành công…

Cựu chiến binh Hoàng Gia Hiếu.
Và sứ mệnh thiêng liêng những con tàu Không số
Trong hải trình thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ Hải quân gặp rất nhiều khó khăn phải khắc phục, nhất là hạn chế về phương tiện, khí tài hàng hải. Tàu chỉ có la bàn, máy đo phương vị, nhưng toàn tàu vẫn đi đúng hướng, bởi thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, thông thạo hải trình, nhiều năm đi biển và lái tàu rất giỏi. Tàu tới đâu có người ở đó đón, từ Vũng Rô cho tới Cà Mau... Có chuyến đi tới Vũng Rô thì Tàu C41 gặp địch, nhưng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh bình tĩnh đưa con tàu vòng tránh, không đối đầu với địch. Ba chuyến hàng vào Vũng Rô được tổ chức an toàn, vận chuyển 180 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam.
Câu chuyện mà ông nhớ nhất là quyết định cho nổ chiếc tàu C41 sau nhiều năm gắn bó và hình ảnh đồng đội hy sinh thân mình để bảo đảm bí mật tuyến đường biển huyết mạch. Ngày 27/11/1966, ông Hiếu tiếp tục cùng tàu C41 làm nhiệm vụ mở bến vào Đức Phổ- Quảng Ngãi. Gió mùa Đông Bắc cùng sóng lớn cấp 7, cấp 8 nên tàu gặp rất nhiều khó khăn. Không liên lạc được với lực lượng đón bốc hàng, chỉ huy tàu quyết định thả vũ khí xuống biển để du kích, dân quân địa phương ra trục vớt lên sau. Sau đó, chỉ huy buộc phải cho tàu di chuyển khỏi vị trí vừa thả vũ khí, cho cán bộ chiến sĩ rời tàu, và phá hủy con tàu để tránh lọt vào tay địch.
Sau khi anh em thủy thủ đã vật lộn cùng sóng dữ lên bờ, thuyền trường Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn hủy tài liệu, định giờ ngòi nổ ba mươi phút, rồi bơi vào bờ… Chờ mãi, chờ mãi chưa thấy tàu nổ. “Từ trên bờ, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ, hai anh lo tàu không nổ, sẽ rơi vào tay địch, nên đã bơi ra điểm hỏa. Một lúc sau, nơi tàu C41, một khối lửa bùng lên, anh Lộc và anh Nhợ hy sinh”...
Từ sau chuyến đó, ông Hiếu cùng đồng đội chuyển sang tàu 42. Giai đoạn từ 1969 đến 1971, khi tình hình biển Đông trở nên cực kỳ phức tạp, cựu chiến binh Hoàng Gia Hiếu cùng đồng đội nhận một nhiệm vụ đặc biệt, kéo sự chú ý của tàu chiến Mỹ - Ngụy, đánh lạc hướng, tạo điều kiện cho các tàu vận tải khác bí mật chi viện cho miền Nam. “Chúng tôi cứ đi đến đâu là thay cờ nước đó, thay biển số, thay cả màu sơn tàu” ông kể. Từ Hải Phòng, tàu 42 đi sang đảo Hải Nam (TQ), Hồng Kông (TQ), sau đó lượn xuống Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Mỗi quốc gia đi qua đều là hiểm nguy rình rập, nhưng nhờ mưu trí, linh hoạt, tàu 42 chưa từng để lộ bí mật.

CCB Hoàng Gia Hiếu khi nhớ lại những đồng đội cùng mình tham gia nhiệm vụ trên Đoàn tàu không số
Từ tháng 10/1969 đến tháng 11/1971, các ông cứ đi lại về, không thể vào bến thêm chuyến nào nữa. Mỗi chuyến cả tháng trời lênh đênh trên biển vừa đi vừa về, trên đầu luôn có máy bay trực, tàu khu trục Mỹ và tàu khu trục ngụy (tàu Trần Khánh Dư) thay phiên đi theo tàu… Tàu 42 trở thành biểu tượng của lòng kiên trung, mưu lược và sự sáng tạo trong chiến đấu của Hải quân Việt Nam.
“Ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi đi tàu này chở quân ra giải phóng Trường Sa, sau đó ở lại canh Trường Sa”. Tháng 4 năm 1975, khi chiến dịch giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn cuối cùng, ông Hiếu vinh dự tham gia chở đoàn quân 126 ra giải phóng Trường Sa.
Ngày 26/4/1975, trên biển Đông, trong tiếng sóng rì rào, trong ánh bình minh rực rỡ, ông cảm nhận rõ chiến thắng đang đến rất gần. “Chúng tôi chở quân ra tiếp quản Trường Sa, lòng rạo rực không thể tả. Biết rằng ngày toàn thắng đã cận kề”, ông xúc động kể.
Sau giải phóng, từ năm 1975 đến năm 1981, ông Hiếu được điều động lên bờ công tác tại Cục Kinh tế Hải quân, tiếp quản và vận hành xưởng sửa chữa tàu do Mỹ để lại…
Sự kiên trung hóa thành bất tử
Nhấp chén trà, ký ức của cựu chiến binh Hoàng Gia Hiếu như dòng suối trào dâng. Ông kể: “Hồi đó, thanh niên chưa vợ con, chỉ mong được đi làm nhiệm vụ. Anh em đồng chí gắn bó như ruột thịt, thương yêu, chia sẻ từng miếng ăn, giấc ngủ. Ai cũng chỉ mong ở trên tàu đi chiến đấu, không thích lên bờ”...

Những kỷ niệm khi CCB vinh dự được gặp các lãnh đạo Đàng và Nhà nước.
Hồi ấy, mỗi bức thư gửi về nhà đều phải được kiểm duyệt, dán tem, gửi qua quân bưu, tuyệt đối được giữ bí mật. Đóng quân ở Hải Phòng, nhưng thư phải đưa ra tận Hà Nội đóng dấu để tránh lộ thông tin. Chính từ sự tuyệt mật đó, cái tên “Đoàn tàu không số” ra đời - một biểu tượng thiêng liêng của lịch sử Việt Nam.
Bến K15 ở Đồ Sơn, nơi những chuyến tàu âm thầm xuất phát, vừa là nơi nguy hiểm nhất, vừa là nơi an toàn nhất. Trước mặt là bãi tắm của đám người tây, nhưng sau lưng chúng tôi là cả một chiến trường đang khát vũ khí, khát tự do”, ông Hiếu bùi ngùi.
Nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại lòng biển. Có người không kịp để lại một dòng thư, một tấm hình, “mỗi chuyến đi, dù hiểm nguy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lùi bước”, ông Hiếu khẳng định...
14 năm, Đoàn tàu không số “rạch biển Đông để cứu sơn hà”. Từ 38 cán bộ, chiến sĩ và 5 chiếc thuyền gỗ thô sơ đầu tiên, lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường biển chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày càng được tăng cường. Trong 14 năm (1961-1975), ta huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vượt 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, hàng hóa và vận chuyển thành công hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam….

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển. Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho các địa phương thành phố Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).
Trong kháng chiến chống Mỹ, với vị trí là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng là nơi tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế và là nơi xuất phát của những con tàu không số, nơi khởi nguồn cho con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Mãi sau này, khi non sông Việt Nam nối liền một dải, nhiều người vẫn chưa biết tới một địa danh bí mật nằm trong bán đảo Đồ Sơn. Đó là Bến tàu Đồ Sơn - mật danh K15 nằm dưới chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, Đồ Sơn, nơi xuất phát của những chuyến tàu không số, gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển, “Đoàn tàu không số” đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển với hệ thống 5 tuyến đường khác nhau, phù hợp với yêu cầu thực tế của từng thời kỳ. Bến K15 - Đồ Sơn, Hải Phòng là điểm đầu vững vàng của cả 5 tuyến đường vận tải từ thời đó…