Chuyện của một thời

Bất chấp bị bố tìm cách xóa đi 'mầm mống của tư tưởng nô lệ' - như lời ông nói - những câu chuyện bà kể cứ nhen nhóm trong tâm hồn nguyên sơ của tôi nhiều khao khát rất kỳ lạ. Chẳng hạn tôi thường ước mình biết võ, có sức mạnh địch muôn người, cưỡi ngựa giỏi, bắn tên cừ... để bảo vệ những người bị oan khuất.

Tôi là đứa bé xấu xí nhất của cả dòng họ, chứ không chỉ riêng trong gia đình. Hồi bé nhiều lúc tôi nghĩ, ngay cả một con chó gầy dơ xương có lẽ cũng đẹp hơn mình! Từ khi sinh ra và cứ mãi còi cọc không chịu lớn, tôi luôn là nỗi buồn phiền, lo lắng của người thân và là tâm điểm của mọi sự chế nhạo. Tận năm 14 tuổi, tôi cũng mới chỉ ngoài hai mươi cân cả quần áo.

Cái hình thể xấu xí, khuôn mặt hơi dị biệt của tôi là nỗi khó chịu của nhiều người khi tiếp xúc, kể cả ruột thịt. Họ không có cảm tình với tôi. Thời gian bố tôi ở trên đỉnh của vinh quang, ông thường được mời đến những hội nghị long trọng và bao giờ ông cũng cho anh trai tôi đi cùng vì anh ấy đẹp như một con búp bê. Ông có thể hãnh diện khoe anh tôi với mọi người, nhất là những chuyên gia quân sự của Liên Xô và Trung Quốc xa gia đình. Họ tranh nhau vồ vập, hôn hít anh trong niềm tự hào không giấu diếm của bố.

Khi trở về, anh trai tôi luôn là trung tâm của mọi sự chú ý. Ai cũng muốn giành giật để được ôm anh, cưng nựng anh, chuyền tay nhau hà hít và tìm ra những câu khen hay ho nhất. Lẽ dĩ nhiên khi đó tôi bị quên lãng hoàn toàn. Không thể chịu nổi trong khung cảnh ấy lại xuất hiện một thằng bé trông giống như bộ gọng, đen đủi, ngực lõm, người bị lệch do vẹo xương sống, với một hàm răng bàn cuốc lởm chởm đến kinh dị. Làm sao trời đã nặn cho bố mẹ tôi một người đẹp như tranh là anh trai tôi, mà lại đang tâm nặn ra thằng em còi cọc, dị hình là tôi. Không chỉ bị lãng quên, tôi làm gì, nói gì cũng gây bực tức cho họ. Những việc anh tôi làm không nên, thì lỗi lại trút lên đầu tôi. Những việc đáng lẽ anh lớn hơn phải làm, thì mặc nhiên thuộc về tôi, chỉ vì “sao mày không đẹp như anh đi xem nào”. Khi mua quà cáp, bao giờ tôi cũng được nhớ tới sau cùng. Vì thế tôi là đứa bé nhút nhát, sống khép mình, sợ đám đông.

Nhà văn Tạ Duy Anh tại Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng). Ảnh: CTV

Nhà văn Tạ Duy Anh tại Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng). Ảnh: CTV

Tôi thường lên giường ngủ muộn, sau khi dùng khăn lau hết đám muội đèn bám trong hai lỗ mũi khi ngồi học. Tôi đi mò mẫm trong nhà mình với cảm giác rờn rợn. Mỗi lần phải mở cửa ra ngoài, là mỗi lần tôi lạnh hết sống lưng. Có bận tôi thấy lù lù một bóng đen bất động ở ngõ. Thấy tôi, bóng đen e hèm mới biết đó là ông đội trưởng đội sản xuất đến để thông báo công việc hợp tác xã phân công. Bố tôi về nghỉ là nghỉ luôn, mặc dù như vậy là vi phạm chính sách lao động bắt buộc của nhà nước. Vì thế, phần lớn mẹ tôi hoặc chúng tôi sẽ làm thay bố.

Nhiều hôm đi nhổ cỏ lúa, tôi theo cả đoàn người kéo thành hàng dài, vật vờ như những cô hồn chờ ăn cháo thí, ra đồng làm cỏ lúa nhưng ngồi tán chuyện cho đến chiều tà mới xuống ruộng vơ qua quýt vài nhát. Thế cũng coi như xong một buổi làm. Ngày này qua tháng khác cứ diễn đi diễn lại cảnh tượng ấy. Với công việc khác cũng thế. Đói dài nhưng chẳng ai biết làm gì để có cái ăn. Ngay từ hồi ấy mà tôi đã luôn tự hỏi: Chẳng ai làm gì cả mà lại bảo đất nước sẽ giàu có, tươi đẹp thì cái phép mầu nằm ở đâu?

Để cưỡng lại định mệnh, mẹ tôi tìm cách làm quen với những người bán hàng mậu dịch. Chả hiểu sao, những người này sau đó đều coi mẹ tôi như chỗ chị em. Hồi đó có người quen bán hàng mậu dịch, là cả một sự hãnh diện lớn. Nhưng quan trọng nhất là thỉnh thoảng mẹ từ đâu đó về, kéo áo dốc từ trong người ra bận thì gói mì chính, lần thì nửa tút thuốc, lần khác đôi pin, hộp sữa, cân đường trắng, còn nếu được hẳn một chiếc lốp xe đạp thì phải tìm cách vận chuyển khác. Lập tức chị gái và tôi phải bỏ ra cả buổi chiều, đem những thứ đó xuống chợ Rồng, cách nhà mấy cây số, bán lại cho một quán nước duy nhất dám mua hàng cấm, lấy chút tiền chênh lệch.

Từ bé tôi đã ngủ với bà nội. Trong ký ức, tôi không hề nhớ cảm giác mình được ấp mặt vào ngực mẹ. Nằm bên cạnh bà nội, tôi thường thấy bà thì thào nói gì đó một mình. Cứ như bà đang nói chuyện với ai ở tít trên trời hay dưới âm ty. Tận khi tôi đã lớn, vẫn thấy bà nói một mình, vẫn thì thầm, lào thào và chỉ để cho chính bà nghe. Nhiều lần tôi cố gắng tìm mọi cách, chẳng hạn bất ngờ ôm cổ bà rồi căng tai ra để nghe xem bà nói gì, nhưng lần nào tôi cũng thất bại. Hình như bà nói bằng thứ ngôn ngữ khác, không phải của người trần. Lần nào thì vẫn chỉ thấy thứ âm thanh lào thào. Ngay chỉ một từ thôi cũng không rõ. Cả khi đêm đã xuống, bà vẫn nói gì đó với mình, mặc cho tôi vần vò cái đầu cạo trọc nhẵn bóng và hai bầu vú tong teo của bà. Sau này thì tôi tin rằng người mà bà nói chuyện là ông nội của tôi.

Tôi không có chút hình dung nào về ông, bởi không có di ảnh để lại. Chỉ nghe qua bà và bố kể, thì ông nội tôi người tầm thước, không có được sự học hành như cụ nội, nhưng bản tính ngang tàng thì thừa kế nguyên vẹn. Trong thời gian làm chân trương tuần, ông từng có ý đồ “khởi nghĩa”, khi bị chính quyền cũ áp chế quá mức. Nhưng rồi chuyện bại lộ, ông bị đánh thừa sống thiếu chết. Ông từ giã cõi đời khi mới ngoài 50 tuổi.

Bằng cách nói chuyện hằng đêm với ông nội, bà nội tôi cho thấy bà chưa bao giờ góa bụa. Sự thật sau đây thì chính tôi cũng không giải thích được. Hầu như năm nào, đêm trước ngày giỗ ông nội tôi là ngày mùng 9 tháng ba âm lịch, thẳng chỗ bà tôi nằm trên thanh nóc nhà, lại xuất hiện một con đom đóm rất sáng. Nó sáng khác thường và chỉ nằm đó đúng một đêm rồi tận năm sau mới trở lại, cũng trước ngày giỗ ông một hôm. Lần nào bà cũng bảo tôi: “Ông mày đang ở trên kia kìa!”. Bà nói bằng thứ giọng bình thản, không hề tỏ ra ngạc nhiên. Phải khi không ngủ chung với bà nữa, tôi mới thôi để ý hiện tượng kỳ lạ đó.

Ngủ với bà, tôi được bà thỉnh thoảng kể chuyện cho nghe. Những chuyện như Kiều, Lục Vân Tiên, Tống Trânb - Cúc Hoa, Hoàng Trìu (Trừu), Chiêu Quân cống Hồ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài... bà cứ kể đi kể lại. Nhưng kỳ lạ thay, lần nào bà kể cũng khiến tôi háo hức như lần đầu. Thỉnh thoảng bố hoặc mẹ tôi bất ngờ nghe được lại chen vào bổ sung những chỗ mà theo bố, theo mẹ là bà kể sai. Mẹ bổ sung một cách chân thành vì mẹ cũng rất thích những câu chuyện mùi mẫn thương cảm đó. Còn bố thì luôn bằng thứ giọng giễu cợt. Bố giễu cợt bà kể lung tung chỉ là một chuyện. Bố cay độc ra mặt khi giễu cợt nội dung của những câu chuyện đầy màu sắc cải lương tồn tại như một thứ thuốc phiện ru ngủ con người. Theo bố con người chỉ thực sự đáng giá khi nó chiến đấu với kẻ thù. Xung quanh bố đầy rẫy kẻ thù, phần lớn có lẽ do bố tưởng tượng ra, vì thế ông không cho phép mình một giây phút nào mềm yếu.

Nghe bố tôi giễu cợt, bà tôi bèn vặc lại, cũng bằng những lời lẽ chua cay. Những cuộc cãi cọ giữa bố và bà nội phần nhiều do quan niệm khác nhau về thái độ sống và cách dạy bọn trẻ chúng tôi. Bất chấp bị bố tìm cách xóa đi “mầm mống của tư tưởng nô lệ” - như lời ông nói - những câu chuyện bà kể cứ nhen nhóm trong tâm hồn nguyên sơ của tôi nhiều khao khát rất kỳ lạ. Chẳng hạn tôi thường ước mình biết võ, có sức mạnh địch muôn người, cưỡi ngựa giỏi, bắn tên cừ... để bảo vệ những người bị oan khuất. Tôi sẽ trừng phạt Mao Diên Thọ, Lý Thông, Tú Bà... không thương xót. Đôi khi vì ước muốn quá nhiều khiến tôi rơi vào mộng mị, nửa đêm tỉnh dậy hò hét váng nhà.

Ngôi nhà tuổi thơ của nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh: TLTG

Ngôi nhà tuổi thơ của nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh: TLTG

Nhiều đêm bà chỉ nằm im mà không kể chuyện. Những đêm như vậy tôi nằm nghe gió rít ngoài cửa sổ. Vì ngay sát nhà tôi là cái ao thông ra cánh đồng nên gió thổi lồng lộn vào những đêm giông bão hoặc mùa rét mướt. Tôi luôn có cảm giác bức tường rêu phong che chắn chúng tôi phải oằn mình ra để chống đỡ những chiếc lưỡi gió sắc như lưỡi rìu. Tiếng gió là âm thanh gợi nhiều nỗi buồn tê tái nhất cho tôi thời bé con. Bởi đi kèm với nó là đêm đen, là những bộ mặt quỷ dữ đầy sức mạnh hủy diệt, là sự cô đơn lẻ loi của kiếp con người.

Đôi khi tôi tin rằng, tiếng gió vật là tiếng gào rú của những âm hồn chưa được siêu độ, còn làm mình làm mẩy với những người sống. Bình thường thì họ im lặng đi lang thang đầy đường, làm bóng tối đen quánh lại. Cáu giận thì họ gào thét và tạo ra những âm thanh ghê rợn đó. Thỉnh thoảng tôi phải nép vào nách bà để đỡ cảm thấy sợ hãi. Nhưng trí tưởng tượng của tôi thì không muốn dừng lại. Nó cứ khiến tôi mệt mỏi với hàng ngàn câu hỏi không ai có thể trả lời để tôi được thỏa mãn. Vầng sáng duy nhất, mang tính cứu rỗi, là giữa đêm tối, ma quỷ, luôn hiện lên một gương mặt cô bé xinh đẹp như thiên thần. Đó là tình yêu vô hình vô ảnh nhưng vô cùng mãnh liệt của tôi suốt những năm tuổi thơ...

Tạ Duy Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-cua-mot-thoi-46826.html