Chuyên đề: 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai trong Hồi ký Xứ Đông Dương

Paul Doumer (1857-1932) là Toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ 1897 đến năm 1902 và sau đó là Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Trước khi làm Tổng thống Pháp, Paul Doumer từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao của Pháp như: Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện. Paul Doumer đã viết tác phẩm Hồi ký Xứ Đông Dương kể về thời kỳ ông làm Toàn quyền Đông Dương. Trong tác phẩm này, Paul Doumer đã phác họa khá cơ bản những nét đặc trưng của Biên Hòa - Đồng Nai xưa giúp cho hậu thế hiểu thêm về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa.

Nhắc tới Paul Doumer, người Việt chắc hẳn không quên những công trình ghi dấu ấn của ông, trong đó có 3 cây cầu nổi tiếng ở 3 vùng đất nước là cầu Paul Doumer (tức cầu Long Biên hiện nay); cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền hiện nay); cầu Bình Lợi (TP.HCM). Ngoài ra còn phải kể tới hàng loạt những công trình mang đậm dấu ấn của ông như: Cảng Hải Phòng, hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam; chọn Đà Lạt là nơi tạo lập khu nghỉ dưỡng… Paul Doumer còn đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa và khoa học khi chủ trì lập ra các viện nghiên cứu, các cơ sở văn hóa, giáo dục ở Việt Nam như: Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - EFEO, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang... Tất nhiên, ông là một nhà cai trị, nhà cai trị có tầm nhìn nên các công trình hoàn thành trong thời gian ông là người đứng đầu cai trị Việt Nam chính là chiến lược để cai trị, khai thác thuộc địa giàu có Việt Nam lâu dài. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh tích cực thì những công trình hoàn thành dưới thời cai trị của ông đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam khi ấy và cả sau này. Có lẽ vì vậy mà một học giả của đất Nam bộ là Vương Hồng Sển đã cho biết trong cuộc đời mình, cụ đã gặp hầu hết các Toàn quyền Đông Dương, song tất cả các toàn quyền khác cụ “bốc” rồi phải đi “rửa tay”, còn riêng Paul Doumer cụ phải “bốc thơm”.

Cuốn hồi ký của Paul Doumer gồm 7 chương ghi lại lịch sử khoảng thời gian 5 năm Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương gồm: (1) Từ Paris tới Sài Gòn. Chương này kể về hành trình nhậm chức của Paul Doumer từ Sài Gòn đến Hà Nội. (2) Tổng quan về Đông Dương. (3) Nam Kỳ. (4) Bắc Kỳ. (5) Trung Kỳ. (6) Cao Miên và Ai Lao. (7) Sự trỗi dậy của Đông Dương.

Trong chương 3 viết về Nam Kỳ, Paul Doumer đã khắc họa một vùng đất mới với sông rạch chằng chịt, với “khung cảnh bầu trời lặng ngắt, không một gợn mây, mặt trời không sưởi ấm mà cứ nóng như thiêu, như đốt liên tục, nhiệt độ lúc nào cũng cao quá mức chúng ta có thể tưởng tượng được, ngỡ như nhiệt kế chỉ sai. Nhưng bù lại cho tất cả những điều đó là cặp mắt ta được no nê ngắm nhìn những gì thiên nhiên ban tặng cùng vẻ đẹp bất tận của bầu trời”.

Cho dù thế nào thì cuốn sách cũng là một tác phẩm có rất nhiều thông tin về Đông Dương khi ấy, nhất là qua cuốn sách này, thế hệ sau hiểu thêm về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 100 năm trước.

Nếu như miền Tây, lúa là cây chủ lực với thu nhập lớn cho nhà nông thì trong tác phẩm của mình, Paul Doumer cho biết ở miền Đông số người giàu có ít hơn rất nhiều. “Lúa thu hoạch thấp, thu nhập chính của nông dân, một phần từ cây trái, một phần từ mía, rất khiêm tốn”. Paul Doumer cho biết diện tích canh tác ở miền Đông Nam bộ rất nhỏ, nó chỉ là những dải đất hẹp, nhỏ ở các tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa, một vài mảnh đất đơn lẻ giữa rừng thuộc tỉnh Bà Rịa. Paul Doumer cho rằng hình như các ông chủ ở Nam Kỳ chỉ giới hạn việc thu hoa lợi từ đất đai sẵn có mà không có bất cứ nỗ lực nào để khai khẩn thiên nhiên. Vì vậy, tác giả viết “chỉ cần ra khỏi Sài Gòn 30km về phía Đông Bắc là đã có thể thấy những vùng chưa được khám phá và khó thâm nhập, bị bỏ cho thú hoang và một vài bộ lạc miền núi không chịu thần phục. Không có bất cứ loại đường đi nào”. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên hoang dã Đồng Nai đã từng đi vào ca dao: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Biên Hòa thuộc Đồng Nai trong hồi ký của Paul Doumer là vùng đất không xa bao nhiêu so với Sài Gòn khi ấy nhưng đã được coi là nơi “tận cùng của thế giới”: “Thành phố Biên Hòa bên sông Đồng Nai, là nơi tận cùng của thế giới mà ta biết. Trong số những vùng bị cả Nam Kỳ bỏ quên này, có vùng do bị bỏ bê, có vùng do bị thành kiến”. Paul Doumer cho biết ông đã đi Biên Hòa qua ngả Thủ Dầu Một và ông đánh giá Thủ Dầu Một là “một thị trấn nhỏ nằm duyên dáng bên sông Sài Gòn” với những loại trái cây nổi tiếng: dứa, xoài, măng cụt, đặc biệt là măng cụt, một loại trái cây mà theo ông do dễ hỏng, không giữ được lâu nên “Nó là loại quả duy nhất những người buôn bán hoa quả thuộc địa ở Paris và London không bán”.

Ngược hẳn với Thủ Dầu Một, Biên Hòa, theo Paul Doumer là một vùng đất địa hình gồ ghề với những ngọn đồi nhấp nhô. “Đất đỏ bị nén rất cứng gọi là đá Biên Hòa (đá ong) ở khắp mọi nơi; đá tảng đã xuất hiện. Ngay tại Biên Hòa, lòng sông Đồng Nai đã toàn đá ngăn không cho tàu bè đi xa. Người ta ngược sông bằng một sà lúp nhỏ cách Biên Hòa vài cây số tới một làng An Nam xa nhất có tên là làng Trị An; ở đó có một đập đá cao cắt ngang sông. Tại đó dòng sông đổ ầm ầm xuống thành các ghềnh thác qua những dãy đá như một chiếc thang khổng lồ, dài hàng trăm mét, cao hơn 20m. Vào mùa mưa, nước lên cao, không nhìn thấy các khối đá nữa; nước nhấn chìm mọi thứ; dòng sông chảy nhanh, điên cuồng, sủi bọt ầm ầm đổ xuống đoạn phía dưới đập”. Dưới con mắt của một nhà cai trị có chiến lược, Paul Doumer đã khuyến khích một công ty tận dụng thác Trị An để sản xuất điện, tuy nhiên, ông cũng tiếc nuối khi hết nhiệm kỳ của ông công việc này “vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể nào”.

Biên Hòa hơn 100 năm trước được ghi chép trong tác phẩm của Paul Doumer là một vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ, khắc nghiệt, khi mà: “Ở Biên Hòa, tức là ở Trị An, tôi đã đứng trước bờ sông, phía sau tôi trải ra một vùng rộng lớn. Năm 1897, khi tôi hỏi bên kia sông là gì, người ta trả lời tôi ở bên đó là rừng rồi đến núi và những nơi không biết rõ”.

Paul Doumer là người cai trị trực tiếp Việt Nam khi ấy, đặc biệt ông từng giữ các trọng trách rất cao trong Chính phủ Pháp trước khi sang Đông Dương. Vì vậy, những suy nghĩ và đánh giá của ông về Đông Dương - dù nhìn dưới con mắt của kẻ cai trị nhưng vẫn có những đánh giá sâu sắc, khách quan khác với nhiều tác giả khác. Những trang viết về người thật, việc thật trong tác phẩm này của Paul Doumer chiếm nhiều trang. Tuy nhiên, không chỉ ghi chép, tác giả còn thể hiện tầm nhìn trong việc quy hoạch, phát triển, kiến thiết Đông Dương. Phó giáo sư Dương Văn Quảng đã nhận xét: “Cuốn sách được viết dưới con mắt của một Toàn quyền nhằm tự khẳng định rằng mình đã “hoàn thành trọng trách lớn lao… [ở] Đông Dương tốt hơn bất kỳ ai khác” “với niềm tự hào phụng sự nước Pháp”. Trong tác phẩm của mình, chính Paul Doumer cũng nói rằng sự hiện diện của nước Cộng hòa Pháp tại Đông Dương không chỉ vì sứ mệnh tổ chức và quản lý thuộc địa, mà nước Pháp còn phải hành động trong khuôn khổ những phương tiện có trong tay để chính sự phát triển của thuộc địa truyền thêm sức mạnh, từ đó tăng cường danh tiếng, quyền lực và hành động của nước Pháp tại Viễn Đông. Như vậy, chắc chắn trong cuốn sách này cũng có những nhận định mang tính chủ quan chưa trùng khớp với lịch sử dân tộc chúng ta.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng đọc cuốn sách này độc giả sẽ bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả; sẽ được khám phá và tìm thấy nhiều điều mới mẻ chưa từng đọc, chưa từng nghe trước đó…

Vũ Trung Kiên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/chuyen-de-325-nam-bien-hoa-dong-nai-bien-hoa-dong-nai-trong-hoi-ky-xu-dong-duong-a643eab/