Chuyên đề: Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại: 'Giữ chân' người hiến máu tình nguyện

Để phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thời gian tới các cấp hội sẽ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.

Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác hiến máu tình nguyện đến với các tầng lớp nhân dân; kịp thời thông tin về thời gian, địa điểm các đợt tiếp nhận hiến máu lưu động để từ đó giúp người dân lựa chọn thời điểm hiến máu phù hợp với bản thân, giúp mỗi đơn vị chủ động sắp xếp cho người lao động tham gia.

Để làm tốt việc này, các cấp hội kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan báo chí tuyên truyền về công tác hiến máu tình nguyện, về những gương sáng hiến máu nhiều lần, gia đình, cơ quan đơn vị tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Phối hợp với chức sắc, chức việc trong các tôn giáo; người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; người đứng đầu các hội đoàn thể ở cơ sở… thông tin, tuyên truyền về hoạt động hiến máu tình nguyện. Ứng dụng tiện ích của mạng xã hội để lan tỏa rộng hơn thông tin hiến máu tình nguyện.

Bên cạnh đó, việc mở rộng người tham gia hiến máu tình nguyện kết hợp với giữ liên hệ với những người đã từng hiến máu sẽ tiếp tục được chú trọng. Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, với đặc điểm là địa phương có đông đồng bào có đạo, thời gian qua hội chữ thập đỏ các cấp đã đưa hoạt động hiến máu vào các cơ sở tôn giáo, tổ chức riêng những đợt tiếp nhận máu trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào có đạo. Điều này nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, khi đã thu hút được người dân tham gia vào hoạt động hiến máu tình nguyện thì việc tạo không khí vui tươi trong từng đợt tiếp nhận máu, thái độ trân trọng người tham gia hiến máu tình nguyện được ban tổ chức chú trọng. Điều này trước hết tạo tâm lý thoải mái, trân trọng với nghĩa cử cao đẹp của người dân, nhất là người lần đầu tham gia, góp phần “giữ chân” người dân với hoạt động hiến máu tình nguyện.

Một giải pháp không kém phần quan trọng là kịp thời tuyên dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị tích cực hiến máu tình nguyện. Thực chất khi tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi cá nhân, từng đơn vị không đặt nặng vấn đề sẽ nhận lại được gì. Tuy nhiên, thi đua khen thưởng sẽ là động lực khích lệ phong trào hiến máu của tỉnh ngày càng đi lên. Do vậy, ngoài chế độ khen thưởng của tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ kịp thời đề xuất Trung ương Hội Chữ thập đỏ khen thưởng cá nhân, tập thể tiêu biểu của Đồng Nai trong hoạt động hiến máu tình nguyện.

Chị ĐẶNG THỊ THƠM, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (H.Trảng Bom):Hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội cộng đồng

Phong trào hiến máu tình nguyện tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phong Thái diễn ra khá sôi nổi. Mỗi đợt thu hút hàng ngàn công nhân lao động đăng ký tham gia. Đây là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội mà tập đoàn đã thực hiện, với mong muốn thể hiện sự gắn bó từ “trái tim đến trái tim”...

Ông VY VĂN PHƯỢNG (dân tộc Nùng, ngụ xã Tân Hiệp, H.Long Thành): Hiến máu không gây hại gì cho cơ thể

Hiến máu là việc làm ý nghĩa và nhân văn. Hiến máu hoàn toàn không gây hại gì cho cơ thể, thậm chí còn mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho bản thân người hiến. Một giọt máu cho đi, một cuộc đời sẽ ở lại. Mong rằng mọi người sẽ đều tích cực hưởng ứng tham gia để đưa phong trào ý nghĩa, nhân văn này ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong toàn xã hội.

Thảo Lâm (ghi)

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202310/chuyen-de-moi-giot-mau-cho-di-mot-cuoc-doi-o-lai-giu-chan-nguoi-hien-mau-tinh-nguyen-ed2544c/