Chuyên đề: Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại: Tình nguyện sẻ chia 'giọt máu hồng'
Có rất nhiều cách để mỗi cá nhân có thể đóng góp việc làm thiện nguyện cho xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Với rất nhiều người, khi hiểu và thấm nhuần ý nghĩa của thông điệp 'Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại', họ đã chọn cách tình nguyện chia sẻ những 'giọt máu hồng'.
Với họ, mỗi lần hiến máu chính là một lần cảm thấy tinh thần vui vẻ, hạnh phúc hơn, bởi vì họ biết rằng, giọt máu của mình có thể giúp đỡ, góp phần cứu chữa cho những bệnh nhân cần máu.
* Vui vì làm việc ý nghĩa
Đến nay, anh Trần Quang Vinh, giáo viên Trường THCS Phước Tân 1 (TP.Biên Hòa) đã có tổng cộng 67 lần hiến máu. Không chỉ hiến máu ở Đồng Nai, anh còn tham gia hiến máu tại 20 tỉnh, thành trên cả nước, những nơi anh có dịp đến thăm hoặc đi qua.
Anh Vinh kể, những lần đầu anh tham gia hiến máu là vào năm 2005, khi còn là sinh viên. Có giai đoạn, do không nắm rõ thông tin về thời gian, địa chỉ để sắp xếp tham gia hiến máu tại Đồng Nai nên mỗi lần hiến máu, anh phải chạy lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Thông thường mỗi lần như vậy, cả thời gian đi lẫn về, thời gian chờ đợi làm các xét nghiệm, thường mất gần một ngày.
Với mục đích tạo thêm địa chỉ tin cậy để chia sẻ, trao đổi thông tin về các hoạt động, chương trình trong và ngoài tỉnh về hiến máu tình nguyện, năm 2007, anh Vinh đã nảy ra ý tưởng thành lập nên CLB Hiến máu Biên Hòa. Để lan tỏa sâu rộng thông tin hoạt động hiến máu tình nguyện, anh còn lập thêm Fanpage CLB Hiến máu Biên Hòa trên mạng xã hội Facebook. Nhờ cập nhật, thông tin hoạt động đều đặn, chính xác, nhanh chóng và thường xuyên, từ mấy chục thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã thu hút hơn 3,5 ngàn thành viên. Bất cứ lúc nào, hễ bệnh viện cần máu để cấp cứu cho người bệnh, anh Vinh và các thành viên trong CLB lại cùng nhau thu xếp công việc để hiến máu.
“Chỉ cần người bệnh tiếp nhận máu khỏe mạnh là chúng tôi đã rất vui và có thêm động lực vì thấy mình làm được một việc ý nghĩa” - anh Vinh bộc bạch.
“Nghĩ đến việc những giọt máu của mình có thể cứu sống cả một mạng người, nhiều lần tôi sẵn sàng lên tận Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong đêm để hiến máu” - cô MAI THỊ THANH bộc bạch.
Chia sẻ về những câu chuyện đáng nhớ khi tham gia hoạt động hiến máu của mình, anh Vinh kể, năm 2021, trong thời gian cao điểm dịch Covid-19, nguồn máu cấp cứu tại các bệnh viện vô cùng khan hiếm. Lúc đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không thể về lấy máu mà hoạt động này do Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đảm nhận. Khi nhận được đề nghị hỗ trợ máu từ bệnh viện để cứu bệnh nhân nguy kịch, anh cùng các tình nguyện viên của CLB không ngần ngại hiến máu.
“Lúc này bản thân tôi là tình nguyện viên của đội truy vết, có giấy đi đường nên kiêm luôn việc đưa tình nguyện viên đi hiến máu dễ dàng hơn. Tôi không nhớ hết được số tình nguyện viên mình đã chở đi hiến máu tình nguyện đợt ấy, nhưng có một câu chuyện vui là có 2 tình nguyện viên đã thành đôi và hiện đã về chung một nhà” - anh Vinh kể.
Cùng với việc tham gia hiến máu tình nguyện, anh Vinh còn tích cực nghiên cứu những thông tin, kiến thức sâu về máu, hiến máu. Từ đó, trở thành một tuyên truyền viên, tư vấn viên liên quan đến hiến máu. Nhiều người ở trong và ngoài tỉnh, khi có nhu cầu hiến máu hay bày tỏ lo lắng về các bệnh lây qua đường máu cũng gọi điện, nhắn tin qua Facebook nhờ anh tư vấn, hỗ trợ. Anh hiện còn tham gia nhiều CLB ý nghĩa khác như: CLB Máu nhân ái tỉnh Đồng Nai; CLB Hiến máu Việt Nam…
* Mong cứu người qua cơn hoạn nạn
Một giáo viên khác cũng rất tích cực tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện, đó là cô giáo Mai Thị Thanh, giáo viên Trường tiểu học và THCS Nam Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú). Đến nay, cô Thanh đã có trên 25 lần tình nguyện hiến máu nhân đạo. Cô đã từng nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Là một người có sở thích về quay phim, chụp hình, anh TRẦN QUANG VINH (TP.Biên Hòa) đã đầu tư mua máy ảnh “xịn” và flycam để ghi lại những hình ảnh đẹp, thước phim ý nghĩa trong mỗi buổi hiến máu nhằm phục vụ tuyên truyền.
Với phương châm: “Sống ở đời, không chỉ cần có trách nhiệm với bản thân mình, mà còn phải có trách nhiệm với những người xunh quanh, với cộng đồng xã hội”, những năm qua, ngoài là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, ông Vy Văn Phượng (dân tộc Nùng), ngụ xã Tân Hiệp (H.LongThành) còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, trong đó có hoạt động hiến máu tình nguyện. Tính đến nay, ông Phượng đã có trên 30 lần hiến máu tình nguyện. Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, ông còn là một tuyên truyền viên thường xuyên vận động quần chúng nhân dân, bạn bè, gia đình người thân tham gia hiến máu.
Thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã được đông đảo công nhân lao động trên địa bàn tỉnh hưởng ứng nhiệt tình. Ở nhiều doanh nghiệp, có những công nhân đăng ký hiến máu nhân đạo nhiều lần/năm. Những tấm gương sáng hiến máu tình nguyện trong công nhân lao động đã và đang được lan tỏa ngày càng nhiều.
Công nhân Nguyễn Huy Hoàng, làm việc tại Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (H.Trảng Bom) là một trong số đó. Anh đã có trên 20 lần hiến máu nhân đạo. Anh Hoàng chia sẻ, xuất phát từ những lần xem tivi nhìn thấy nhiều số phận bất hạnh ra đi đột ngột do thiếu máu, anh rất đau lòng. Từ đó, anh đã tìm đến Hội Chữ thập đỏ H.Trảng Bom để mong muốn hiến máu nhân đạo cứu người.
Sau này, mỗi lần nghe Công đoàn công ty phát động, anh lại đăng ký tham gia với mong muốn những giọt máu tình nguyện có thể góp phần vào việc cứu chữa cho nhiều bệnh nhân thiếu máu, nhất là những người đang rất cần có máu để qua cơn hoạn nạn. Với tinh thần ấy, bình quân một năm anh hiến máu khoảng 4 lần. Anh cũng thường xuyên tuyên truyền với đồng nghiệp xung quanh về ý nghĩa của việc hiến máu để lan tỏa, nhân rộng việc làm nhân văn, thiết thực này.