Chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững

Trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 - hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế, xã hội các địa phương, làm nền tảng hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các xã nỗ lực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nhìn lại kết quả đã đạt được, nhận thấy tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng là nền tảng thực hiện nhiều tiêu chí khác.

Mô hình ruộng nhà mình của nông dân bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên.

Mô hình ruộng nhà mình của nông dân bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên.

Thực hiện tiêu chí số 13, các địa phương đã vận động nhân dân thành lập mới các HTX; nhiều HTX thành lập từ trước cũng chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, khẳng định được vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 871 HTX nông nghiệp; duy trì 211 mã số vùng trồng xuất khẩu, tổng diện tích trên 3.085 ha; duy trì, phát triển 280 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn; có 151 sản phẩm OCOP...

Thăm HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, thời điểm này, vườn na của HTX bước vào thời kỳ đậu quả. Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch cho biết: HTX thành lập tháng 4/2018 với 20 thành viên, là các hộ nông dân hợp tác trồng 180 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 150 ha na địa phương, na hoàng hậu và na sầu riêng. HTX còn đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với thương lái. Đồng thời, đăng ký tem nhãn sản phẩm chung, kiểm soát quy trình sản xuất, cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ dán lên từng quả na. Năm 2023, sản phẩm na đại của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ có chứng nhận và tem nhãn, giá na xuất bán cao hơn so với sản phẩm khác.

Tại huyện Mai Sơn có 12/20 xã đạt tiêu chí số 13. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Toàn huyện Mai Sơn có 20 sản phẩm OCOP; trong đó, 10 sản phẩm đạt 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao; có 197 HTX tham gia liên kết, đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, triển khai chính sách của tỉnh, huyện hỗ trợ gần 5,3 tỷ đồng cho 87 lượt doanh nghiệp, HTX xây dựng hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương tự... tổng kinh phí gần 5,3 tỷ đồng, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của các HTX nông nghiệp. Huyện Mai Sơn đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trong sản xuất, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Còn tại xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, địa phương đăng ký về đích nông thôn mới cuối năm 2024. Thực hiện tiêu chí số 13, tháng 1/2023, xã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng với 6 thành viên, có nhiệm vụ tư vấn, xây dựng các mô hình điểm, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập HTX.

Nông dân bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu thu hoạch dứa. Ảnh: PV

Nông dân bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu thu hoạch dứa. Ảnh: PV

Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Đến nay, xã hoàn thành 12/19 tiêu chí, đang tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại. Chỉ đạo các bản vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo lợi thế vùng, như trồng cây mận hậu, nhãn, dứa ở bản Đán, bản Kim Sơn 1, 2; trồng rau trái vụ, dâu tây theo hướng hữu cơ ở bản Chiềng Hưng; thâm canh lúa nước ở bản Chờ Lồng; phát triển cây mía, chè, chăn nuôi đại gia súc ở bản Bó Phương, Yên Quỳnh.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Trong đó, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, gồm 5 chỉ tiêu: Xã có HTX hoạt động hiệu quả, theo đúng quy định của Luật HTX; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường và có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 117/188 xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, một số xã đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí. Nguyên nhân là do tỷ lệ các HTX hoạt động yếu kém cao, chủ yếu có quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu sự đột phá, nắm bắt thông tin thị trường chậm, chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp, HTX khác để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong HTX.

Bên cạnh đó, trình độ quản lý, điều hành của cán bộ HTX còn yếu, thiếu kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất; không chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; chưa quan tâm đầu tư mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đầu ra tiêu thụ sản phẩm và không phát huy hiệu quả chuỗi liên kết giá trị.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm OCOP chưa được xếp hạng; sản phẩm chủ lực chưa được ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc, bán qua kênh thương mại điện tử; hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực, được cấp mã vùng còn hạn chế.

Thành viên HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc na.

Thành viên HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc na.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Để giúp các xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí số 13, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp triển khai thực hiện các đề án: Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025; thí điểm cổng thông tin quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam Egap.vn, đưa các sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử... Bên cạnh đó, tiếp tục vận động các HTX áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã nông thôn mới nâng cao; bình quân đạt 13,12 tiêu chí/xã trở lên, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, tổ hợp tác; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/chuyen-doi-hinh-thuc-to-chuc-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung-laSWCEPSR.html