Chuyển đổi số ngành Xuất bản và giải pháp cho sách điện tử
Sách điện tử mở ra kỷ nguyên tri thức số với khả năng lưu trữ và trải nghiệm cá nhân hóa đỉnh cao, nhưng đồng thời, chuyển đổi số vẫn tồn tại những lỗ hổng an ninh thông tin nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của ngành Xuất bản.

Hội thảo diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu: Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ
Với quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản giáo dục, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã phối hợp cùng Công ty Công nghệ thông tin VNPT tổ chức thành công hội thảo “Chuyển đổi số - Nhận thức và hành động”.
Những giải pháp đột phá cho sách điện tử, mô hình kinh doanh số và khung chuyển đổi số cho NXBGDVN đã được đề xuất, cùng với việc giải quyết triệt để vấn đề hạ tầng và an toàn thông tin.
Với khoảng 80 triệu người dùng Internet, Việt Nam đang sở hữu một thị trường sách điện tử đầy tiềm năng. Sự gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh và các phương thức thanh toán số đang tạo ra một làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Thành Nam, chuyên gia Tư vấn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục nhìn nhận, “Sách điện tử và sách giấy trong tương lai bổ trợ cho nhau chứ không thay thế hoàn toàn”.
Theo ông, sách giấy vẫn giữ vững vị thế trong giáo dục và nghiên cứu, đặc biệt là với sách giáo khoa và tài liệu học thuật.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ, cùng với sự hạn chế về khả năng cá nhân hóa và cập nhật tức thời, đang đặt ra những thách thức không nhỏ.
Trong khi đó, sách điện tử mở ra một kỷ nguyên mới, xóa bỏ mọi rào cản, mang đến trải nghiệm đọc tiện lợi, linh hoạt và được thiết kế riêng cho từng độc giả.

Ông Nguyễn Thành Nam, chuyên gia Tư vấn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục
Năm 2024, ngành Xuất bản đã chứng minh sức mạnh và sự linh hoạt với bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số. Hơn 50% nhà xuất bản đã chủ động tham gia vào xuất bản điện tử, mang đến những sản phẩm sách nói và tương tác đa phương tiện chất lượng.
Năm 2025, ngành sẽ tiếp tục thể hiện quyết tâm và hành động mạnh mẽ trong việc bảo vệ bản quyền và phát triển văn hóa đọc.
Tại hội thảo, ông Lê Hồng Quân, chuyên gia Tư vấn chuyển đổi số khối xuất bản đã đưa ra những thách thức mà sách điện tử đang phải đối mặt.
Rào cản đầu tiên là thói quen của người dùng, đặc biệt là học sinh và giáo viên, khi họ đã quá quen với sách giấy truyền thống. Vấn đề bản quyền và nạn sao chép lậu cũng là một thách thức nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của các nhà xuất bản và tác giả.
Chi phí công nghệ và hạ tầng kỹ thuật đắt đỏ, cùng với sự thiếu hụt hệ sinh thái phân phối hoàn chỉnh, đang tạo ra những rào cản lớn cho sự phát triển của sách điện tử.
Bên cạnh đó, sự "khó hòa nhập" của đội ngũ nhân sự khi từ lâu đã quen với mô hình truyền thống và mô hình kinh doanh chưa được định hình rõ ràng cũng là những yếu tố cần được giải quyết để sách điện tử có thể phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến được đưa ra Hội thảo
Theo các chuyên gia, việc triển khai sách điện tử mở ra nhiều cơ hội lớn cho NXBGDVN. Đầu tiên, sách điện tử giúp NXBGDVN mở rộng thị trường, tiếp cận độc giả toàn cầu, vượt qua mọi giới hạn địa lý. Điều này không chỉ tăng doanh thu mà còn nâng cao vị thế của NXB trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, mô hình kinh doanh đa dạng của sách điện tử, như đọc thuê bao, sách audio và quảng cáo, mang lại nhiều nguồn doanh thu mới và ổn định.
Thứ ba, chi phí sản xuất và phân phối giảm đáng kể, giúp NXBGDVN tối ưu hóa lợi nhuận và đầu tư vào việc nâng cao chất lượng nội dung.
Cuối cùng, sách điện tử mang đến trải nghiệm đọc hoàn toàn mới cho người dùng, với tương tác thông minh, cá nhân hóa, giúp NXBGDVN thu hút độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia Tư vấn đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động chuyển đổi số và kinh doanh trên môi trường số nhấn mạnh, trong ngành Xuất bản, bảo vệ bản quyền nội dung số là một trong những yêu cầu quan trọng nhất.
Để bảo vệ bản quyền nội dung số trong ngành Xuất bản, ông Tuấn khuyến nghị các nhà xuất bản cần áp dụng các công nghệ bảo vệ nội dung số tiên tiến, nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng sao chép và chia sẻ trái phép.
Trong số đó, ba phương pháp phổ biến nhất hiện nay là: Watermarking (nhúng dấu nhận dạng vào nội dung để xác minh nguồn gốc); Content Encryption (mã hóa nội dung để ngăn chặn truy cập trái phép) và Digital Rights Management (DRM) - hệ thống quản lý bản quyền số, kiểm soát quyền truy cập nội dung.
Đối với các sách điện tử công khai, việc kết hợp giữa đóng dấu nhận dạng và mã hóa nội dung được xem là giải pháp tối ưu để bảo vệ bản quyền, giúp các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ nội dung số của mình.
Ngành Xuất bản Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, với sách điện tử là trọng tâm, mang đến tiềm năng lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh thông tin, bản quyền và thói quen người dùng.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các nhà xuất bản cần đầu tư công nghệ, nâng cao nhận thức an toàn thông tin và xây dựng chiến lược toàn diện, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong kỷ nguyên số.