Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - lực đẩy để phát triển bền vững
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang mở ra cơ hội cho tỉnh Thanh Hóa vươn mình, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - công nghiệp hàng đầu khu vực Bắc Trung bộ. Trên nền tảng các định hướng chiến lược, chính sách đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, KHCN, ĐMST đang từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ hình xương toàn thân bằng hệ thống SPECT/CT để chẩn đoán sớm di căn cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh.
Định vị tương lai
Trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa xác định rõ vai trò trung tâm của KHCN, ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giúp tỉnh định hình hướng đi chiến lược, đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng và chuyển giao KHCN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS).
Từ định hướng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành chương trình hành động trọng tâm, xây dựng hệ sinh thái ĐMST đồng bộ, khuyến khích khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, quản lý Nhà nước.
Không chỉ dừng lại ở định hướng chiến lược, Thanh Hóa cũng nhanh chóng cụ thể hóa bằng các chương trình hành động đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp KHCN (nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước). Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập và tư nhân cũng đang từng bước xây dựng hệ thống nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. CĐS được triển khai mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, như trong ngành y tế với hồ sơ bệnh án điện tử; trong giáo dục với sổ liên lạc điện tử và các lớp học trực tuyến; trong quản lý hành chính công thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4... Những bước tiến này không chỉ thể hiện quyết tâm xây dựng chính quyền số, mà còn nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thành quả từ ứng dụng
Trên nền tảng chiến lược phát triển, việc ứng dụng KHCN và CĐS tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - dự án trọng điểm quốc gia, là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh, tự động hóa vận hành, giám sát an toàn và quản lý chất lượng bằng phần mềm chuyên dụng. Các doanh nghiệp phụ trợ như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành, VAS Nghi Sơn... cũng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và hướng đến sản xuất xanh. Nhờ đó, môi trường đầu tư tại khu kinh tế ngày càng thu hút không chỉ bởi chính sách ưu đãi mà còn bởi hạ tầng công nghệ đồng bộ và tư duy quản trị tiên tiến. Đây là minh chứng điển hình cho vai trò của KHCN trong CNH, HĐH và hội nhập toàn cầu.
Không chỉ trong công nghiệp, KHCN còn thể hiện sức mạnh lan tỏa trong nông nghiệp. Tại xã Xuân Du (Như Thanh), HTX nông nghiệp sạch Trí Đức đã áp dụng mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng kết hợp hệ thống tưới tiêu tự động và cảm biến giám sát nhiệt độ, độ ẩm. Quy trình được điều hành bằng phần mềm trung tâm, giúp tối ưu hóa tài nguyên và giảm sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất tăng 30 - 40%, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, được siêu thị và doanh nghiệp bao tiêu. Đây là mô hình tiêu biểu cho CĐS trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng hiệu quả hệ thống xạ hình xương toàn thân bằng SPECT/CT - kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến kết hợp ghi hình chức năng và hình ảnh giải phẫu, giúp phát hiện sớm di căn xương ở bệnh nhân ung thư. Thiết bị này rút ngắn thời gian chẩn đoán từ vài ngày xuống chỉ vài giờ, hỗ trợ bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị chính xác. Nhiều ca bệnh được phát hiện di căn ngay từ giai đoạn đầu, tăng hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Đề tài ứng dụng công nghệ này được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao, là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của KHCN trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Có thể khẳng định, KHCN đang thấm sâu vào từng ngóc ngách đời sống kinh tế - xã hội, không còn là khái niệm hàn lâm, mà đã hiện diện sinh động trong từng sản phẩm, từng quy trình.
Bệ đỡ từ con người
Nhận thức rõ yếu tố con người là trung tâm, Thanh Hóa đặc biệt chú trọng xây dựng nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao. Hàng loạt chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn sâu đã được triển khai; đồng thời các trường đại học, cao đẳng được đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật. Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 người, làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ. Họ là những người trực tiếp thực hiện các đề tài, sáng chế, chuyển giao công nghệ vào sản xuất...
Ngoài việc “giữ chân” người tài, tỉnh còn chủ động thu hút nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học lớn trong và ngoài nước thông qua cơ chế đãi ngộ đặc biệt. Đây là một trong những hướng đi mang tính lâu dài để xây dựng nền tảng tri thức bền vững cho tỉnh nhà. Đặc biệt, tỉnh ta đã và đang tăng cường hợp tác vùng và quốc tế nhằm tận dụng tối đa nguồn lực công nghệ. Các chương trình phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc), GIZ (Đức)..., góp phần đào tạo kỹ sư, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thân thiện môi trường và quản trị số.
Cùng với đó, việc liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) tiếp tục được khuyến khích trong triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, tạo ra sự phối hợp đồng bộ, tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Để KHCN trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống R&D, hình thành trung tâm ĐMST cấp tỉnh. Bên cạnh đó, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, kết nối các vườn ươm công nghệ, phát triển mạng lưới sáng tạo mở; tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực trí thức từ các tổ chức nghiên cứu lớn. Những giải pháp trên sẽ tạo “bệ phóng” vững chắc để tỉnh nhà tiến bước mạnh mẽ trên hành trình hiện đại hóa bằng tri thức và công nghệ.