Công nghệ màn hình mới có thể giúp smartphone kéo dài thời gian sử dụng 30 phút đến 1 giờ

Việc kiểm soát tốt hơn các đèn LED xanh lam có thể là chìa khóa tạo sự đột phá lớn về tiết kiệm năng lượng cho màn hình di động.

Cuộc cạnh tranh giữa màn hình LCD và OLED phần lớn đã trở thành chuyện quá khứ, nhưng điều đó không đồng nghĩa công nghệ màn hình di động đang dậm chân tại chỗ. Hiện nay, cuộc đua chủ yếu diễn ra giữa các biến thể khác nhau của công nghệ OLED, như tần số làm tươi linh hoạt của LTPO hoặc độ sáng vượt trội từ các điểm ảnh phụ OLED trắng.

LTPO là viết tắt của Low-Temperature Polycrystalline Oxide (oxit đa tinh thể nhiệt độ thấp). Đây là công nghệ màn hình tiên tiến được sử dụng trong các thiết bị di động cao cấp, đặc biệt là các dòng smartphone hàng đầu. LTPO cho phép màn hình điều chỉnh tốc độ làm tươi một cách linh hoạt, tức màn hình có thể tự động điều chỉnh tốc độ làm tươi cho phù hợp với nội dung đang hiển thị.

LG Display đang giới thiệu một đối thủ mới với cấu trúc Hybrid Tandem OLED mới nhất, hứa hẹn giảm tiêu thụ điện năng tới 15% so với các tấm nền OLED thông thường. Đó là tin vui cho người dùng smartphone khi màn hình là một trong những thành phần tiêu hao pin nhiều nhất trong thời gian sử dụng.

Nếu smartphone của bạn vẫn gặp khó khăn để hoạt động đủ một ngày, đây có thể là thông số kỹ thuật quan trọng cần lưu ý khi chọn mua điện thoại tiếp theo.

LG Display là công ty con của tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc), chuyên sản xuất và phát triển màn hình và công nghệ hiển thị cho các thiết bị điện tử, gồm smartphone, tivi, máy tính bảng và các thiết bị khác. LG Display nổi bật với các công nghệ màn hình tiên tiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực OLED và LCD.

Vậy LG Display đã làm thế nào để tăng thêm khả năng tiết kiệm năng lượng cho OLED? Tất cả bắt nguồn từ một trong những thách thức còn tồn tại của OLED là điểm ảnh phụ màu xanh lam.

Nếu bạn chưa quen, tấm nền OLED tạo màu từ ba loại đi-ốt phát sáng là đỏ, xanh lục và xanh lam. Trong đó, đi-ốt xanh lam từ lâu đã là “đứa con rắc rối”, phát sáng ở tần số cao hơn, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để đạt độ sáng tương đương, khiến nó xuống cấp nhanh hơn so với đi-ốt đỏ và xanh lục. Đây là một phần lý do khiến các tấm nền OLED cũ thường bị ngả màu và hiện tượng lưu ảnh theo thời gian.

Vấn đề này đã giảm đáng kể trong các tấm nền hiện đại nhờ sử dụng vật liệu lân quang tiết kiệm năng lượng hơn cho đi-ốt đỏ và xanh lục. Tuy nhiên, đi-ốt xanh lam vẫn chủ yếu là vật liệu huỳnh quang, tuy kém hiệu quả hơn trong việc chuyển đổi năng lượng điện thành ánh sáng nhưng lại ổn định (ít bị hỏng, ít xuống cấp và tuổi thọ cao hơn). Hiện nay, OLED lân quang màu xanh lam đang bắt đầu giải quyết được cả hai thách thức về hiệu suất và độ bền.

Đó chính là lúc công nghệ mới của LG Display phát huy tác dụng, do kết hợp ưu nhược điểm của vật liệu huỳnh quang và lân quang trong ánh sáng xanh lam, sử dụng cả hai thứ trong cấu trúc Hybrid Tandem OLED mới. Nói đơn giản, lớp huỳnh quang mang lại ánh sáng xanh chính xác và tuổi thọ dài như các tấm nền hiện tại. Lớp lân quang bổ sung giúp thu lại năng lượng lẽ ra bị lãng phí, nhờ đó tăng hiệu suất mà không ảnh hưởng đến độ ổn định của lớp huỳnh quang. Khi kết hợp, chúng tiêu tốn ít hơn 15% điện năng để đạt độ ổn định và tuổi thọ tương đương các tấm nền hiện tại.

Ngoài thành tựu kỹ thuật này, thách thức còn lại là tích hợp cấu trúc Hybrid Tandem OLED vào một đi-ốt duy nhất có thể sản xuất hàng loạt mà không bị lỗi.

Hybrid Tandem OLED có thể giúp giảm tiêu thụ điện năng tới 15% so với các tấm nền OLED thông thường - Ảnh: LG Display

Hybrid Tandem OLED có thể giúp giảm tiêu thụ điện năng tới 15% so với các tấm nền OLED thông thường - Ảnh: LG Display

Công nghệ đầy hứa hẹn trong phòng thí nghiệm là một chuyện, nhưng sản xuất hàng loạt lại là chuyện khác. Thật đáng mừng là LG Display đã đạt tới giai đoạn thương mại hóa công nghệ Tandem hai lớp của mình, sẽ trình diễn các tấm nền kích thước smartphone và máy tính bảng tại sự kiện SID Display Week vào ngày 11.5. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần xem công nghệ này có tương thích tốt với các xu hướng cao cấp hiện nay như LTPO và độ sáng cực đại hay không.

SID Display Week là sự kiện thường niên quan trọng nhất trên thế giới dành cho ngành công nghiệp màn hình, gồm cả một hội nghị khoa học và một triển lãm thương mại.

Tại SID Display Week, các nhà nghiên cứu, kỹ sư, nhà sản xuất và các công ty trong lĩnh vực màn hình từ khắp nơi trên thế giới tụ họp lại để trình bày những nghiên cứu, công nghệ và đột phá mới nhất trong lĩnh vực màn hình; trình diễn các sản phẩm mẫu, công nghệ mới và sản phẩm thương mại sắp ra mắt; kết nối và thảo luận về xu hướng phát triển của ngành.

Tóm lại, SID Display Week là nơi giới thiệu những gì tiên tiến nhất và là tương lai của công nghệ màn hình.

Dù thế nào, lợi ích lớn nhất với người dùng smartphone vẫn là thời lượng pin dài hơn. Dù smartphone cao cấp hiện nay có nhiều thành phần ngốn pin như modem 5G hay bộ xử lý đồ họa (GPU) khi chơi game, màn hình vẫn là một trong những thứ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, đặc biệt khi sử dụng ở độ sáng cao. Những cải tiến như tần số làm tươi động đã giúp ích trong một số tình huống, nhưng thực tế là chúng ta cần bật màn hình smartphone hàng giờ mỗi ngày khiến nó trở thành nguồn tiêu tốn pin chính.

Tần số làm tươi động là công nghệ cho phép màn hình tự động điều chỉnh tần số làm tươi tùy theo nội dung hiển thị để tiết kiệm pin và tối ưu trải nghiệm hình ảnh.

Có thể kéo dài thời gian sử dụng 30 phút đến 1 giờ

Ước tính màn hình chiếm khoảng 30 - 50% năng lượng mà điện thoại tiêu thụ khi được sử dụng tích cực (tức là bạn tương tác với máy khi màn hình đang bật, không phải ở chế độ chờ). Giảm 15% năng lượng tiêu thụ từ màn hình có thể tương đương tiết kiệm pin thực tế từ 5 đến 10%. Điều này có thể mang lại thêm khoảng 30 phút thời gian hiển thị màn hình trong ngày cho các tác vụ hàng ngày thông thường, hoặc lên tới 1 giờ trong các trường hợp sử dụng ít hơn. Đây chắc chắn là cải tiến đáng kể, dù lợi ích thực tế sẽ phụ thuộc vào dung lượng pin, thiết lập màn hình và cách bạn dùng điện thoại.

Kết hợp với các tiến bộ gần đây như pin silicon-carbon, công nghệ Hybrid Tandem OLED của LG Display hứa hẹn sẽ giúp smartphone thế hệ tiếp theo kéo dài thời lượng sử dụng trên mỗi lần sạc.

Pin silicon-carbon là một loại pin Lithium-ion tiên tiến, sử dụng vật liệu hỗn hợp chứa silicon và carbon làm thành phần chính cho cực âm, thay vì chỉ dùng than chì truyền thống.

Lý do sử dụng silicon là vì nó có dung lượng lưu trữ ion lithium theo lý thuyết cao hơn rất nhiều so với than chì. Điều này có nghĩa là nếu thay thế than chì bằng silicon, pin có thể lưu trữ nhiều năng lượng hơn trong cùng một kích thước hoặc trọng lượng.

Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về sản phẩm thương mại, nhưng hy vọng những chiếc smartphone đầu tiên tích hợp công nghệ OLED mới của LG Display sẽ xuất hiện trong năm 2026 để chúng ta tự kiểm chứng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cong-nghe-man-hinh-moi-co-the-giup-smartphone-keo-dai-thoi-gian-su-dung-30-phut-den-1-gio-232278.html