Chuyển đổi số tạo động lực để Lai Châu phát triển

Tỉnh Lai Châu đang tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo động lực để địa phương phát triển.

Xã Hua Nà, huyện Than Uyên là địa phương đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử ở Lai Châu. Nhờ được quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật số, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện số hóa dữ liệu số, nền tảng số, kinh tế số.

Công tác chuyển đổi số thường xuyên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lai Châu

Công tác chuyển đổi số thường xuyên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lai Châu

Đặc biệt, địa phương đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một cửa liên thông, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc.

Bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch xã Hua Nà cho biết, những năm gần đây xã đã đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác cải cách hành chính. Từ đó chỉ đạo cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo tập huấn, nâng cao chuyển đổi số và áp dụng trong cải cách hành chính. Từ việc thúc đẩy chuyển đổi số thì hiện nay tỷ lệ giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính cho người dân không còn hồ sơ muộn, trễ hẹn. Ngoài ra, lực lượng cán bộ, công chức xã đã áp dụng chuyển đổi số trong giải quyết công việc hàng ngày, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc của xã.

Để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, huyện Than Uyên đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các địa phương cấp xã của tỉnh Lai Châu đã thúc đẩy chuyển đổi số, giải quyết tốt các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân

Các địa phương cấp xã của tỉnh Lai Châu đã thúc đẩy chuyển đổi số, giải quyết tốt các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: đến nay, địa phương đã chuẩn hóa được quy trình báo cáo điện tử và tích hợp chữ ký số trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính quyền các địa phương trên địa bàn đã khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội và nhiều lĩnh vực khác.

Ông Thăng cho biết thêm, đối với công tác chuyển đổi số, thực hiện kế hoạch chỉ thị của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, huyện Than Uyên tích cực phối hợp với các sở, ban ngành đoàn thể tỉnh. Trong năm qua, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện, đảm bảo các nội dung như kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra. Hiện nay các nội dung như phòng họp không giấy, địa phương cũng đang tổ chức thực hiện. Hai nữa là hệ thống hóa, số hóa một số nội dung của ngành giáo dục, quản lý đất đai, bảo hiểm…

Hơn 97% thôn, bản, tổ dân phố phủ sóng điện thoại di động; gần 83% số thôn, bản, tổ dân phố phủ sóng internet không dây. Đây là điều kiện quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện trao đổi văn bản điện tử và đưa vào khai thác, sử dụng hơn 3.000 hòm thư điện tử công vụ. Đến nay, Lai Châu cũng đã khai thác hiệu quả công nghệ số khi có gần 54% người dân sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở giáo dục hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số...

Người dân Lai Châu ứng dụng nền tảng số bán hàng nông sản

Người dân Lai Châu ứng dụng nền tảng số bán hàng nông sản

Ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay đã cấp 4.306 chữ ký số cho các cá nhân, tổ chức của các cơ quan Nhà nước; cung cấp 1966 dịch vụ công trực tuyến. Trong năm 2023, tỷ trọng kinh tế số GRDP đạt 6,7% và số điện thoại thông minh đạt trên 322 nghìn số. Đến nay, tỉnh Lai Châu là một trong 10 tỉnh đầu tiên đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh và kết nối với hệ thống thông tin nguồn Trung ương.

Để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao hơn nữa, Lai Châu hiện đang tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thiện Trung tâm giám sát điều hành thông minh và Trung tâm lưu trữ điện tử, giám sát an ninh mạng của tỉnh trong năm nay, mục tiêu hướng tới là nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại, khám chữa bệnh, thu nộp lệ phí, học phí...

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-doi-so-tao-dong-luc-de-lai-chau-phat-trien-post1083068.vov