Chuyển đổi số toàn diện - 'chìa khóa' thúc đẩy phát triển bền vững

Liên tục trong những năm qua, Nam Định tăng hạng vượt bậc trong hành trình chuyển đổi số (CĐS), khẳng định quyết tâm chính trị, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, địa phương; sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có mức phát triển khá trong khu vực và là 'chìa khóa' thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Người dân nhiều làng nghề nông thôn đã tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như livestream để giới thiệu sản phẩm tại cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Cường Là, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Người dân nhiều làng nghề nông thôn đã tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như livestream để giới thiệu sản phẩm tại cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Cường Là, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Bứt phá cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và CĐS tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 09), với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã thúc đẩy quá trình CĐS ở 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Nam Định liên tục xếp trong top 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, được Bộ Nội vụ xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố về chỉ số CCHC (PAR Index). Nam Định là một trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên hoàn thành việc kết nối và khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; là 1 trong 4 đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ 2 nhóm dịch vụ công liên thông. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh đạt 55%, xếp thứ 4 toàn quốc. Đặc biệt năm 2024, tỉnh bứt phá, đứng đầu toàn quốc về chỉ số Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Đến nay, tỷ trọng giá trị tăng thêm của Kinh tế số của tỉnh ước khoảng 15% GRDP và dự kiến sẽ đạt 20% vào cuối năm khi doanh thu từ tập đoàn sản xuất máy tính Quanta đạt 1 tỷ USD. Nam Định trở thành điểm sáng của cả nước, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về doanh thu thương mại điện tử với tỷ trọng chiếm 9% tổng mức bán lẻ. Phát triển xã hội số đạt nhiều kết quả nổi trội, hoàn thành việc kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử, là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu của toàn quốc về triển khai các tiện ích phục vụ phát triển công dân số. Kết quả phát triển xã hội số không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Các ngành, lĩnh vực của tỉnh đang chuyển mình trên không gian số, ngày càng nhiều người tiếp cận với phương thức sản xuất mới, các dịch vụ mới... Nhiều phần mềm ứng dụng chuyên dùng kết nối liên thông hai chiều với nhau để hỗ trợ và thực hiện công tác khám, chữa bệnh hoàn toàn trên môi trường mạng; phần mềm học bạ điện tử, các phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, bảo hiểm điện tử; ứng dụng chuỗi nông nghiệp số, thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt... được các doanh nghiệp đưa vào sử dụng giúp CĐS lan tỏa sâu rộng trong đời sống.

Chị Trần Thu Ngân, xã Bạch Long (Giao Thủy) cho biết: "Trước đây nghe nói ở nước ngoài, cha mẹ, người giám hộ của trẻ nhỏ được cơ sở y tế nhắc nhở về lịch tiêm chủng tôi còn thấy lạ. Nhưng đến nay, ở trong nước, khi CĐS được đẩy mạnh, trẻ em sinh ra được cấp mã định danh điện tử mức độ 1, mã bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế. Mọi lịch trình thăm khám, tiêm chủng của trẻ được lưu lại và thông báo đến cha mẹ, người giám hộ... Việc thanh toán các dịch vụ điện, nước; chi trả lương, phúc lợi xã hội và mua bán, giới thiệu, trao đổi hàng hóa trên môi trường mạng một cách đơn giản, thuận tiện, minh bạch mà không mất thời gian đi lại, chờ đợi. Đây là những tiện ích mà CĐS mang đến cho người dân, không có sự khác biệt ở nông thôn hay thành thị".

VNPT Nam Định giới thiệu thiết bị công nghệ mới tới người dân.

VNPT Nam Định giới thiệu thiết bị công nghệ mới tới người dân.

Để chuyển đổi số là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển bền vững

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song thực tiễn quá trình CĐS trong tỉnh cũng gặp không ít rào cản: Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa bắt kịp công nghệ mới; Tổ công nghệ số cộng đồng một số nơi chưa hoạt động hiệu quả; tỷ lệ ứng dụng công nghệ số sâu trong doanh nghiệp còn hạn chế… Để CĐS thực sự trở thành đòn bẩy phát triển bền vững, cần gắn chặt với đổi mới sáng tạo cả trong tư duy quản trị, cơ chế chính sách và công nghệ.

Trong Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 20/2/2025 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 21/2/2025 của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS quốc gia; Nam Định đã xác định rõ, giai đoạn 2025-2030: Phấn đấu quy mô kinh tế số đạt 45% GRDP. Số doanh nghiệp có hoạt động KHCN và ĐMST đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp KHCN và ĐMST đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh duy trì trên 0,7. Nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN, ĐMST đạt tỷ lệ 12 người/một vạn dân; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng hàng năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%. Xây dựng được ít nhất 1 khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp công nghệ, các nhà đầu tư công nghệ đến nghiên cứu, sản xuất hoặc bổ sung chức năng thu hút công nghệ cao cho một số khu công nghiệp hiện có. Thu hút được tối thiểu 20 doanh nghiệp công nghệ số đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Nam Định.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh giao Sở KH và CN cùng các ngành liên quan sẽ là đầu mối thúc đẩy liên kết, chuyển giao, làm chủ công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW; triển khai đồng bộ, toàn diện chương trình CĐS ở từng lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng số và phát triển nền kinh tế số; tập trung xây dựng nền hành chính công vụ tinh gọn, thông minh, kiến tạo, kỷ luật. Đẩy nhanh quá trình số hóa bộ máy quản lý Nhà nước và thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, đặc biệt gắn kết CĐS với ĐMST, xây dựng mạng lưới start-up về công nghệ.

Với tinh thần ĐMST, quyết liệt trong hành động, Nam Định đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền kinh tế số hiện đại, một chính quyền số phục vụ, một xã hội số văn minh - nơi người dân và doanh nghiệp thực sự là trung tâm của quá trình phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chuyen-doi-so/202504/chuyen-doi-so-toan-dien-chia-khoa-thuc-day-phat-trien-ben-vung-d9c5e4c/