Chuyển đổi số toàn diện ngành hải quan

Chuyển đổi số hải quan còn đảm bảo an ninh thương mại quốc gia bằng cách phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bất hợp pháp.

Theo Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã được phê duyệt, hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện công nghệ thời kỳ 4.0, áp dụng hải quan số, hải quan thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hải quan hiện đại.

Trung tâm giám sát trực tuyến các cửa khẩu, chi cục đặt tại Cục Hải quan Quảng Ninh giúp quản lý thuận tiện. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Trung tâm giám sát trực tuyến các cửa khẩu, chi cục đặt tại Cục Hải quan Quảng Ninh giúp quản lý thuận tiện. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, hải quan Việt Nam đã đặt ra một số trụ cột chính để triển khai nhiệm vụ này. Theo đó, về thể chế, ngành hải quan tiến hành cải cách thủ tục hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh, hải quan xanh; áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý theo chuỗi, theo định danh. Đồng thời áp dụng cơ chế quản lý hải quan phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích người khai hải quan tuân thủ pháp luật.

Về công cụ, ngành hải quan phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai hải quan số, hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và hải quan số.

Trong tiến trình hiện đại hóa hiện nay và thời gian tới, ngành hải quan sẽ ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, như kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility).

Từ đó, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của hải quan Việt Nam có mức độ tích hợp cao, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin, dễ dàng mở rộng khi có yêu cầu quản lý mới, đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ quan hải quan; hỗ trợ chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ các cấp.

Ngoài ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, Hải quan Việt Nam cũng coi trọng yếu tố con người và coi yếu tố con người là yếu tố quan trọng, then chốt cần cân nhắc khi ứng dụng công nghệ mới.

Con người là chủ thể của đổi mới, sáng tạo và quyết định sự thay đổi; con người lựa chọn công nghệ, là chủ thể ứng dụng công nghệ đó và cũng là người hưởng lợi ích từ công nghệ.

Sự thành bại của việc đổi mới do con người quyết định. Do đó, cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng về đầu tư nguồn lực con người trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đảm bảo quá trình này diễn ra thành công.

Hoạt động nghiệp vụ tại Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan). Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN

Hoạt động nghiệp vụ tại Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan). Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN

Bên cạnh đó, với nhiều hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã tham gia, hệ thống thương mại trở nên đa dạng ở rất nhiều quốc gia, hoạt động chuyển đổi số ở ngành hải quan là cấp thiết để đảm bảo tuân thủ với quy định và tiêu chuẩn được đưa ra bởi các thỏa thuận này, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Hơn thế nữa, chuyển đổi số hải quan còn đảm bảo an ninh thương mại quốc gia bằng cách phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bất hợp pháp.

Ngành hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực nội tại của hải quan Việt Nam, rất cần sự hợp tác từ các bộ, ngành liên quan; sự ủng hộ, phối hợp từ phía người dân, doanh nghiệp và sự chia sẻ kinh nghiệm từ hải quan các nước cũng như các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để có thể giúp cho hải quan Việt Nam tiếp cận với các cách thức, giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp; đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan hải quan là đơn vị chuyển đổi số nhanh, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn sao cho việc kết nối liên thông giữa các cơ quan để tăng nhanh tiến độ xử lý thủ tục hành chính, sử dụng dữ liệu dùng chung.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, chuyển đổi số lĩnh vực hải quan đã để lại nhiều ấn tượng, vấn đề tiếp là phải có chiến lược, trong đó một vấn đề quan trọng là văn hóa chuyển đổi số.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-toan-dien-nganh-hai-quan/338414.html