Chuyển đổi số toàn diện ở Xuân Thượng
Không chỉ cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí nổi trội trong lĩnh vực giáo dục, xã Xuân Thượng còn là đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu của huyện Xuân Trường về cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) với một số chỉ tiêu quan trọng được nêu gương để các địa phương khác trong tỉnh học tập, như: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ và thanh toán số luôn đạt xấp xỉ 100%.
Xác định rõ nhiệm vụ CĐS gắn với CCHC là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nên xã Xuân Thượng triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xã đầu tư thiết bị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, hoàn thiện hạ tầng viễn thông, lắp đặt 16 điểm phát wifi miễn phí, 32 camera an ninh trên các trục đường chính và khuyến khích cán bộ, người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ đời sống sinh hoạt. Hệ thống phòng họp trực tuyến của xã hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tín hiệu trong các cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, tỉnh và huyện luôn thông suốt, phục vụ kịp thời trong công tác chỉ đạo, tiết kiệm thời gian, chi phí góp phần hiện đại hóa nền hành chính.
Xã chủ động rà soát, niêm yết công khai 119 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa và trên Trang thông tin điện tử xã để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, sử dụng. Cùng với chú trọng CCHC, thời gian qua, xã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 100% cán bộ, công chức của xã đã sử dụng thư điện tử công vụ, các phần mềm quản lý văn bản điện tử để điều hành, thực hiện công việc. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC của xã đã tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, quản lý giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, hướng đến sự hài lòng của người dân.
Nhiều năm liên tục, 100% hồ sơ TTHC được trả sớm và đúng hẹn, không có hồ sơ quá hạn; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua mạng đạt 100%; 100% hồ sơ có phát sinh phí được thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ số hóa đạt 100%. 100% văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, của tỉnh, huyện (trừ văn bản mật), các thông tin trao đổi, kiểm tra tình hình, tiến độ triển khai, giải quyết công việc được thực hiện qua phần mềm Quản lý văn bản, 100% văn bản trao đổi trên môi trường mạng được ký số.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để phổ biến kiến thức kỹ năng số, phát triển thương mại điện tử và an toàn thông tin cho trên 80% người dân trong xã, làm cơ sở để triển khai các ứng dụng số trong toàn dân. Đồng thời tiến hành đăng ký mã số vùng trồng cho sản phẩm gạo BT7 và ST25 của địa phương. Đây là cơ sở để phát triển thương mại hóa cho nông sản địa phương và từng bước làm thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ của nông dân về tổ chức sản xuất. Đến nay ngoài sản phẩm OCOP 3 sao tinh bột nghệ Luyến Phi được giới thiệu trên trang thông tin điện tử của xã, các mạng xã hội và tham gia tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử; các sản phẩm tiêu biểu khác như: Tinh bột sắn Luyến Phi, tinh bột Hoàng Tinh, gạo BT7, gạo nếp đặc sản, nấm sò, thịt lợn sạch sản xuất tại địa phương đều được giới thiệu, phân phối tiêu thụ trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook.
Trong lĩnh vực giáo dục, các trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong công tác quản lý, giáo dục và tương tác trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh trên môi trường mạng. Đồng thời áp dụng chương trình tích hợp giáo dục STEAM cho các độ tuổi và chương trình học KidSmart cho trẻ ở lớp mẫu giáo 5 tuổi. Trạm Y tế xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn lập sổ theo dõi sức khỏe điện tử cho nhân dân trong xã; ứng dụng khám chữa bệnh từ xa cho nhân dân qua điện thoại, zalo... và chủ động lập sổ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn xã. Đến nay đã có gần 7.000 người đã cài đặt phần mềm sổ theo dõi sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ trên 95%. 90% người dân trong xã từ 15 tuổi trở lên có ít nhất 1 tài khoản thanh toán số để dễ dàng thanh toán trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và giao dịch thương mại điện tử.
Chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành trong xây dựng chính quyền điện tử, CĐS; cán bộ, công chức kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm và đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC phục vụ người dân, doanh nghiệp đang ngày càng phát huy hiệu quả, mang lại môi trường làm việc văn minh, hiện đại với sự hài lòng của hầu hết người dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã Xuân Thượng tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC, CĐS, phấn đấu giữ vững thành tích là đơn vị dẫn đầu toàn huyện; tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư phát sóng wifi miễn phí tại các khu vực nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng và thúc đẩy người dân sử dụng thiết bị công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Khắc phục mọi khó khăn trong CCHC, quản lý xã hội và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 35% sản phẩm chủ lực của xã được giới thiệu, quảng bá trên các kênh thương mại điện tử, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 100 triệu đồng.