Chuyển đổi số trong khai báo y tế tại TP.HCM: Bước đột phá trong kiểm soát dịch bệnh

Bộ Y tế công bố trong đợt dịch mới bùng phát gần đây có đến 80% người nhiễm không có triệu chứng.

Nếu chỉ dựa vào triệu chứng bệnh nguy cơ bỏ sót ca bệnh rất cao, từ đó qr code được sở y tế TP.HCM được triển khai ở tất cả các bệnh viện trên toàn TP.HCM đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, các bệnh viện.

Khai báo y tế qua QR Code

Trong những ngày qua, người dân từ các tỉnh thành đã trở lại TP.HCM để khám, chữa bệnh. Khi đến các bệnh viện, người bệnh đã được hướng dẫn, hỗ trợ khai báo y tế thông qua phần mềm khai báo y tế mới do Sở Y tế TP.HCM xây dựng, có tên “Khai báo y tế điện tử tại bệnh viện” (tên miền khaibaoyte.khambenh.gov.vn). Để khai báo y tế, người dân sử dụng mã QR Code, sau đó đăng nhập vào đường link để nhập các thông tin về cá nhân (số điện thoại, địa chỉ, năm sinh, quốc tịch…) và các thông tin về yếu tố dịch tễ, triệu chứng. Sau hoàn thành người khai nhấn gửi thông tin và nhận lại xác nhận đã khai báo thành công. Nhân viên y tế kiểm tra, hướng dẫn người bệnh rửa tay trước khi vào bệnh viện.

Nhân viên y tế BV Nhân dân Gia Định hỗ trợ khai báo y tế cho người bệnh

Nhân viên y tế BV Nhân dân Gia Định hỗ trợ khai báo y tế cho người bệnh

Ghi nhận tại BV Ung Bướu cơ sở 1 TP.HCM, những ngày đầu triển khai, nhiều người bệnh chưa quen sử dụng phần mềm hoặc không có điện thoại di động thông minh dẫn đến tình trạng xếp hàng, ùn ứ. Ngay sau đó, lãnh đạo bệnh viện đã có những giải pháp cụ thể để tình trạng này được cải thiện.

TS.BS.CKII Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc BV Ung bướu cho biết, nguyên nhân người bệnh xếp hàng ùn ứ phần do lượng bệnh nhân tăng đột biến sau Tết Nguyên đán, phần vì người dân chưa quen sử dụng phần mềm khai báo y tế mới nên quá trình khai báo y tế diễn ra còn chậm. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo bệnh viện cùng các phòng, ban đã điều động rất nhiều nhân lực để tập trung hỗ trợ người dân thực hiện khai báo y tế.

Theo BS.CKII Diệp Bảo Tuấn, việc điều động nhân sự này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác ở khoa lâm sàng khiến công tác chẩn đoán điều trị bị chậm lại tuy nhiên hiện nay nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng nhất, được ưu tiên hàng đầu.

Tại BV Nhân dân Gia Định, việc triển khai khai báo y tế điện tử qua phần mềm mới cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, nguyên nhân do đa số bệnh nhân là người cao tuổi, không có điện thoại thông minh hoặc khó khăn trong tiếp cận với công nghệ.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết, để đảm bảo quá trình khai báo y tế cho người dân được thực hiện thuận lợi, tại bệnh viện đã thực hiện ứng dụng số 100%. Ở cổng bệnh viện đã tổ chức phân luồng thành 2 lối đi, gồm, lối đi cho người dân có sử dụng điện thoại thông minh, có thể tự thực hiện khai báo y tế và một lối đi khác dành cho những người bệnh cần được hỗ trợ (người cao tuổi khó khăn tiếp cận công nghệ, không có điện thoại thông minh hoặc người trẻ khi không có các điều kiện trên cũng được hỗ trợ khai báo y tế). Bệnh viện huy động lực lượng là Đội sàng lọc khoảng 30 thành viên đã được tập huấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.

Bệnh viện còn triển khai lắp đặt wifi để hỗ trợ cho việc khai báo y tế được thực hiện thuận lợi hơn. Bên cạnh đó lắp đặt các ki ốt tiếp nhận đăng ký khám bệnh trực tiếp - đây là một giải pháp nhằm giảm tập trung đông người trong một thời điểm khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Nhiều lợi ích

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Xuất phát từ sau đợt bùng phát mới đây, Bộ Y tế công bố thống kê hơn 80% số trường hợp nhiễm không có triệu chứng, do đó việc cập nhật và khai báo yếu tố dịch tễ rất quan trọng, nếu chỉ dựa vào triệu chứng sẽ dễ bỏ sót ca bệnh.

Nhân viên y tế tại BV Ung bướu hỗ trợ người dân khai báo y tế

Nhân viên y tế tại BV Ung bướu hỗ trợ người dân khai báo y tế

Trước đây khai báo y tế tại các bệnh viện cũng thực hiện khai báo yếu tố dịch tễ, nhưng mỗi bệnh viện tự cập nhật theo thông tin cập nhật của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và nhiều bệnh viện có nhiều cách làm khác nhau, có bệnh viện khai báo bằng giấy (in mẫu bằng giấy, người bệnh khai lên mẫu, nộp lại cho nhân viên, nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì hướng dẫn phân luồng qua khu khám sàng lọc- PV). Có bệnh viện tự viết phần mềm thay cho thủ công, nhiều bệnh viện khác vừa làm phần mềm vừa thực hiện khai báo trên mẫu giấy.

PGS.TS Tăng Chí Thượng chia sẻ: “Do đó Sở Y tế nhận thấy những yêu cầu gồm: làm sao tăng cường sàng lọc; phân luồng người bệnh khi đến bệnh viện; trong tình hình dịch bệnh trên 80% không có triệu chứng và nhiều ổ dịch xuất hiện làm sao cập nhật nhanh, đúng các thông tin cảnh báo. Để đáp ứng được các yêu cầu trên, chúng tôi đã quyết định thống nhất một phần mềm khai báo y tế”.

“Khai báo y tế điện tử tại bệnh viện” ra đời sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bệnh viện và lực lượng giám sát. Cụ thể, đối với người bệnh việc khai báo thuận tiện hơn khi các thao tác đã thành thạo. Đối với bệnh viện tránh lãng phí in ấn các mẫu đơn khi có sự thay đổi về thông tin dịch tễ. Cơ quan đảm bảo cập nhật thông tin về dịch tễ trên phần mền là HCDC, các thông tin được cập nhật hàng ngày thường xuyên và liên tục, cập nhật các ổ dịch mới đảm bảo được đầy đủ thông tin để người dân đến khai báo khi đi khám bệnh.

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết thêm, tất cả dữ liệu sẽ đưa về dữ liệu nguồn, Sở Y tế và HCDC đang giám sát. Theo đó, Sở Y tế và HCDC nắm được thông tin khai báo, đóng vai trò “giám sát kép” nâng cao mức độ kiểm soát phòng chống dịch bệnh. Trong tuần lễ đầu tiên thực hiện khai báo y tế trên phần mềm, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận có khoảng 3% người bệnh đến các bệnh viện để khám sàng lọc, đây sẽ là cơ sở để so sánh với các thời gian tiếp theo để kịp thời triển khai hoặc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi số liệu có dự biến động đột ngột.

Được biết, hiện nay tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố từ bệnh viện công lập, tư nhân, bệnh viện bộ, ngành đều triển khai khai báo y tế qua phần mềm này. Bộ phận công nghệ thông tin Sở Y tế TP.HCM đang thực hiện cập nhật thêm nội dung khi ra khỏi bệnh viện người bệnh sử dụng QR Code một lần nữa để thông báo “check out”. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM cũng sẽ yêu cầu triển khai khai báo y tế qua phần mềm này tại các phòng khám trên địa bàn thành phố.

HOÀI THƯƠNG

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-doi-so-trong-khai-bao-y-te-tai-tphcm-n187929.html