Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngày 26/10, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khai mạc Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2023 và Hội thảo khoa học 'Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa'.
Tham dự tập huấn, hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan trung ương, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, lãnh đạo các đơn vị trong ngành Di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc… với khoảng 350 đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức ngành Di sản văn hóa luôn được Cục Di sản văn hóa coi trọng.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác, nhiều cuộc Tập huấn và Hội thảo thường niên đã được Cục Di sản văn hóa tổ chức với nội dung cụ thể, gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn, bám sát tình hình thực tế nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 08 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 09 di sản tư liệu thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh; trên 40.000 di tích đã được kiểm kê; 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 196 bảo tàng (gồm 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.
Cục trưởng khẳng định, kết quả nêu trên đạt được từ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, cả trong công tác công tác quản lý nhà nước và hoạt động phát triển sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền nêu đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành tập trung triển khai tốt trong thời gian tới.
Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết TW Đảng khóa XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.
Tiếp đó, tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.
Đồng thời, tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy "sức mạnh mềm", nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và đóng góp tích cực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Tích cực và chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn kết với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tham gia một cách hiệu quả vào các tổ chức của UNESCO giúp quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam và nâng cao uy tín của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về vị trí, vai trò và định hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trong khuôn khổ chương trình, Cục Di sản văn hóa thông tin chung về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể như, nhận thức đúng về di sản văn hóa phi vật thể và ghi danh di sản để quản lý, bảo vệ và phát huy.
Về lĩnh vực di tích, các nội dung được đề cập như, hướng dẫn quy trình, thủ tục về tu bổ di tích, kiểm kê di tích, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; Hướng dẫn toàn trình về dịch vụ công cấp độ 4 về cấp phép khai quật khảo cổ; Hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với lĩnh vực quản lý di tích.
Về lĩnh vực bảo tàng và di sản tư liệu: Vai trò của việc chuẩn bị nội dung trưng bày trong quá trình thực hiện dự án xây dựng và trưng bày bảo tàng (trường hợp Bảo tàng Đà Nẵng); Phát triển công nghiệp văn hóa - Nhìn từ góc độ xây dựng các sản phẩm lưu niệm của bảo tàng, di tích (Trường hợp Văn Miếu Quốc Tử Giám); Tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được kiểm kê, công nhận; Nhận diện và kinh nghiệm xây dựng hồ sơ trình Unesco ghi danh DSTL; Số hóa DSVH - định hướng và triển khai.
Trong 3 ngày tới, Hội thảo khoa học Chủ đề "Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa", dưới sự chủ trì của lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, các nội dung sẽ được trình bày riêng theo 03 lĩnh vực: Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, lĩnh vực di tích và lĩnh vực bảo tàng và di sản tư liệu. Các tham luận và những ý kiến trao đổi, thảo luận xoay quanh chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.