Chuyển đổi số - xu thế tất yếu trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian gần đây, việc chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động giáo dục- đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng, nhất là trong bối cảnh có dịch Covid-19. Để thích ứng với tình hình chung, tỉnh ta đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GDNN, trong đó có tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến...

Yêu cầu khách quan

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số trong công tác giáo dục (đào tạo trực tuyến) ra đời như một cuộc cách mạng trong việc dạy và học, trở thành một xu thế tất yếu của thời đại, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến toàn thế giới. Việc học tập không chỉ bó gọn trong việc học phổ thông, đại học, mà cả GDNN - một cấp học chú trọng vào đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.

Hướng dẫn thực hành nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi.

Từ những tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chủ động và kịp thời có các giải pháp để ứng phó với tình hình mới. Dưới sự chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN, hệ thống GDNN đã dần chuyển đổi tuyển sinh, đào tạo từ truyền thống sang hình thức đào tạo trực tuyến. Ưu điểm của đào tạo trực tuyến giúp giảm khoảng 60% các chi phí truyền thống như địa điểm, lớp học, giáo viên... giảm thời gian đào tạo từ 20 - 40% so với phương pháp giảng dạy truyền thống; hạn chế sự phân tán và thời gian đi lại; có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến; nội dung truyền tải nhất quán...

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) Huỳnh Việt Hùng, đào tạo trực tuyến tuy có nhiều ưu điểm, song vẫn là vấn đề quá mới với hệ thống GDNN trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Đơn cử như trước đây, các cơ sở GDNN hầu hết chỉ quen với việc tổ chức đào tạo trực tiếp, gắn với việc hướng dẫn thực hành, thực tập trực tiếp, nay chuyển sang đào tạo trực tuyến, giảng dạy, hướng dẫn từ xa; trong khi trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhà giáo ở nhiều cơ sở GDNN còn hạn chế. Các cơ sở GDNN còn bị động trong thực hiện chuyển đổi số. Khả năng số hóa và thích ứng với dạy học trực tuyến của các cơ sở GDNN còn thấp...

Chú trọng chuyển đổi số

Để góp phần giải quyết những khó khăn nêu trên, vừa qua, Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) phối hợp với Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) đã tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu điện tử: “Cẩm nang đào tạo trực tuyến trong GDNN” trên nền tảng web, với những hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các nội dung liên quan đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến tại các cơ sở GDNN. “Cẩm nang đào tạo trực tuyến trong GDNN” sẽ giúp các nhà giáo, các trường có thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng về tổ chức quản lý, đào tạo trực tuyến.

Đồng thời, thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành Quyết định số 980 ngày 11.8.2020, trong đó giao Tổng cục GDNN chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số và phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động.

Tại tỉnh ta, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GDNN trong giai đoạn tới, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2021 với số HSSV tốt nghiệp đào tạo nghề đến ngày 31.12.2021 là 10.000 HSSV; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 59,91%; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ là 22,78%. Chú trọng chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề, năng lực quản lý cơ sở GDNN và năng lực của nhà giáo giảng dạy GDNN đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN, khuyến khích và chỉ đạo các cơ sở GDNN tiếp tục thực hiện việc liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề...

Bài, ảnh: PV

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2031/202105/chuyen-doi-so-xu-the-tat-yeu-trong-giao-duc-nghe-nghiep-3055266/