Chuyển đổi xanh: Bước đi chiến lược của doanh nghiệp trước áp lực biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu không còn là dự báo xa xôi mà đã và đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Trước áp lực ngày càng gia tăng từ thiên tai, thời tiết cực đoan, và các yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu, chuyển đổi xanh đang trở thành bước đi chiến lược bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt quy mô hay lĩnh vực hoạt động.

Theo khảo sát “Tình hình khu vực Đông Nam Á năm 2025” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) thực hiện, 55,3% người dân Đông Nam Á xác định biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan là thách thức lớn nhất, vượt qua cả nỗi lo về suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Tại Việt Nam, quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ và biến động khí hậu, con số này lên tới 70,3%, tỷ lệ cao nhất trong khu vực.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA), nhấn mạnh tại hội thảo “Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp”: “Biến đổi khí hậu đã trở thành một biến số lớn ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đây không còn là mối quan tâm riêng của khối hoạch định chính sách hay các tập đoàn lớn, mà là bài toán sống còn của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp”.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA) chia sẻ tại hội thảo

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA) chia sẻ tại hội thảo

Không chỉ là một phần trong bộ chỉ số ESG, yếu tố môi trường (E) ngày nay đã trở thành trọng tâm chiến lược trong quản trị doanh nghiệp. Theo ông Simon C.Y. Wong - Cố vấn độc lập và Trưởng khoa Tài chính Bền vững của Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL), quản trị biến đổi khí hậu phải bắt đầu từ tư duy lãnh đạo và cấu trúc tổ chức vững chắc.

Ông Simon cho rằng, muốn thực hiện chuyển đổi thực chất, các doanh nghiệp cần tích hợp yếu tố khí hậu vào chiến lược phát triển dài hạn, với sự đồng thuận cao giữa Hội đồng Quản trị và Ban điều hành. Từ việc đo lường phát thải, đánh giá rủi ro khí hậu, thiết lập mục tiêu phát thải đến gắn các chỉ số môi trường vào hệ thống khen thưởng, mọi hoạt động đều cần được triển khai một cách bài bản và nhất quán.

Tổ chức ClientEarth đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cho Hội đồng Quản trị doanh nghiệp, bao gồm: thành lập Ủy ban Phát triển bền vững, cải thiện hiểu biết chuyên môn về biến đổi khí hậu trong ban lãnh đạo, và áp dụng các công cụ tài chính xanh như giá carbon nội bộ, trái phiếu bền vững, hay gắn KPI môi trường vào lương thưởng quản lý cấp cao.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã cho thấy việc đầu tư vào phát triển bền vững và chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là chiến lược gia tăng giá trị và mở rộng thị trường.

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, một trong những đơn vị xuất khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam, chia sẻ rằng doanh nghiệp này đã đầu tư cho phát triển bền vững từ năm 2008. Dù ban đầu gặp không ít thất bại, Phúc Sinh vẫn kiên trì triển khai các chương trình huấn luyện canh tác xanh cho nông dân, đạt được các chứng nhận uy tín như Rainforest Alliance, và mở rộng thị trường đến hơn 120 quốc gia.

“Thành công không đến từ việc đơn thuần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Điều quan trọng là xây dựng văn hóa ESG từ bên trong, để phát triển bền vững trở thành DNA của doanh nghiệp”, ông Thông chia sẻ.

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh

Nhờ chiến lược nhất quán, Phúc Sinh không chỉ nâng cao vị thế thương hiệu mà còn tiếp cận được ba khoản tài trợ ESG từ các tổ chức quốc tế như &Green, FMO và DFCD, trong đó có khoản tài trợ không hoàn lại, một lợi thế lớn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty CP Secoin, đơn vị tiên phong với hơn 30 năm hoạt động cũng đang khẳng định cam kết phát triển xanh không chỉ ở cấp độ sản phẩm, mà ở toàn bộ chuỗi giá trị.

Theo bà Vũ Thị Liên Hương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Secoin, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào nhà máy đạt chứng chỉ xanh, thiết kế vòng đời sản phẩm, và sử dụng nguyên liệu tái chế, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu.

“Người tiêu dùng quốc tế không tin vào lời nói. Họ tin vào chứng chỉ. Muốn đi đường dài, phải chứng minh được bằng dữ liệu và sự minh bạch”, bà Hương khẳng định.

Trong khi các tập đoàn lớn đã có nền tảng và nguồn lực để chuyển đổi, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc SolarBK Group, nhận định: “Tâm lý e ngại chi phí đầu tư ban đầu là một trong những lý do khiến SME chậm triển khai chuyển đổi xanh. Nhưng nếu nhìn dài hạn, đây là khoản đầu tư thiết yếu để doanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh thị trường ngày càng ưu tiên sản phẩm, dịch vụ bền vững”.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp”

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp”

SolarBK hiện đang tư vấn và triển khai nhiều giải pháp khả thi như hệ thống điện mặt trời áp mái, tiết kiệm năng lượng, và tư vấn ESG cho SME. Ngoài ra, bà Quỳnh nhấn mạnh vai trò của chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chương trình tín dụng xanh, hướng dẫn tiếp cận tín chỉ carbon, và sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành nghề.

Các chuyên gia tại hội thảo thống nhất rằng, quản trị biến đổi khí hậu không thể là một phần phụ trong chiến lược ESG, mà cần trở thành trục chính cho định hướng phát triển dài hạn. Việc chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững mà còn nâng cao uy tín, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tạo giá trị gia tăng vượt trội trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đinh Hồng Kỳ kết luận: “Doanh nghiệp không thể chờ đợi thị trường thay đổi mới hành động. Hành trình xanh hóa cần được chủ động khởi động từ hôm nay, không phải để đi theo, mà để dẫn dắt”.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chuyen-doi-xanh-buoc-di-chien-luoc-cua-doanh-nghiep-truoc-ap-luc-bien-doi-khi-hau-317881.html