Chuyển đổi xanh mang lại giá trị tác động kép cho các doanh nghiệp

Thực hiện chuyển đổi xanh mang lại những tác động lớn cả về kinh doanh và môi trường. Các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận hành và gián tiếp giúp doanh nghiệp nâng cao được uy tín cũng như thương hiệu trên thị trường. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp giảm các rủi ro pháp lý và tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi xanh đang trở thành điều kiện bắt buộc không chỉ ở trong nước mà còn ở các thị trường xuất khẩu lớn như EU, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể tăng trưởng theo hướng bền vững, hiệu quả, đáp ứng xu thế toàn cầu.

CHUYỂN ĐỔI XANH TẠO TÁC ĐỘNG LỚN TRÊN CẢ 2 MẶT KINH DOANH VÀ MÔI TRƯỜNG

Theo nghiên cứu của PwC và WWF, chuyển đổi xanh sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu không chỉ với tổ chức mà còn với bất kỳ quốc gia nào trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, phát triển kinh tế cũng cần đi liền với các mục tiêu liên quan đến phát triển bao trùm, công bằng xã hội cũng như giảm nghèo.

Tọa đàm “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh- Từ thách thức đến hành động” diễn ra ngày 28/7, TS. Nguyễn Hoài Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Năng lượng và Môi trường (ISTEE), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng hai mục tiêu trên đều liên quan đến khía cạnh về kinh tế - xã hội, nhưng chuyển đổi xanh còn liên quan đến vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dân cư, tổ chức và cho các quốc gia với giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Chuyển đổi xanh của doanh nghiệp sẽ có nhiều cách hiểu nhưng khái niệm được đồng thuận nhiều nhất là quá trình doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ và quy trình vận hành nhằm làm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả năng lượng và tăng cường tính bền vững của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Hoài Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Năng lượng và Môi trường.

Về kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện được giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, giúp năng suất lao động tăng lên đáng kể, giảm chi phí vận hành và gián tiếp giúp doanh nghiệp nâng cao được uy tín cũng như thương hiệu trên thị trường và trong tâm trí khách hàng. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp giảm các rủi ro pháp lý và tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Hiện nay, việc giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh cũng đồng nghĩa với thúc đẩy đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất. Đây là hoạt động mang lại lợi ích kép, vừa giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và nguyên liệu, đồng thời cũng cho phép cơ hội có lợi nhuận tốt hơn.

Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong thực hiện các chiến lược giảm phát thải thông qua đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp thành công trong giảm phát thải thường gắn liền với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ, chính sách hỗ trợ của nhà nước và quy trình vận hành hiệu quả tại chính doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về bền vững và thu hút các nguồn tài chính xanh.

Tại khu vực ASEAN, các lĩnh vực có hoạt động chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính rõ nét như dầu khí, các lĩnh vực công nghiệp nặng như xi măng, khai khoáng, ngành năng lượng, gần đây thì có chuyển đổi xanh trong vận tải, nhiệt điện và các lĩnh vực khác.

Ông Minh thông tin, qua khảo cứu cho thấy Việt Nam là một trong các quốc gia có thành tích cũng như thực hiện khá tích cực trong chuyển đổi xanh. Cụ thể là ngoài Thái Lan và Indonesia thì Việt Nam đang có những đóng góp rất tích cực.

Thông qua việc thực hiện chuyển đổi xanh mang lại những tác động lớn trên cả 2 mặt. Thứ nhất, về kinh doanh, theo quan sát, các doanh nghiệp thực hiện được giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, giúp năng suất lao động tăng lên đáng kể, giảm chi phí vận hành và gián tiếp giúp doanh nghiệp nâng cao được uy tín cũng như thương hiệu trên thị trường và trong tâm trí khách hàng.

Thứ hai, về môi trường, các doanh nghiệp này sẽ góp phần cho chính phủ, cộng đồng thực hiện các mục tiêu về khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường. Ví dụ như công nghệ thu hồi nhiệt thải, sử dụng công nghệ thay thế, tái trồng rừng và trồng rừng, giúp hấp thụ CO2, nâng cao chất lượng không khí, đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái.

Có thể thấy các nỗ lực chuyển đổi xanh của khu vực ASEAN cũng như Việt Nam đã mang lại những kết quả rất tích cực đến giảm phát thải khí nhà kính. Những khung chính sách như hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh, những quy định liên quan đến mua sắm công cũng là một trong những động lực then chốt trong việc tạo ra nhu cầu trong việc hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ doanh nghiệp tại khu vực ASEAN được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa áp dụng công nghệ, đổi mới quy trình và chính sách hỗ trợ tài chính, mang tới kết quả giảm hàng triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm.

Ông Nam cho rằng "với các yếu tố thành công tại doanh nghiệp ASEAN, chúng ta cần có cơ chế tiếp cận dễ dàng hơn cho doanh nghiệp với các nguồn lực đầu tư xanh, chính sách rõ ràng từ Chính phủ thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, nhanh hơn cũng như bền vững hơn".

RÀO CẢN VÀ CÁC YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI XANH

Chuyên gia này nhấn mạnh, “với doanh nghiệp, yếu tố đầu tiên để doanh nghiệp, lãnh đạo công ty và các khách hàng hướng tới chuyển đổi xanh là thành quả của quá trình này”.

Thông qua chuyển đổi xanh, những sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp xanh hơn, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tiêu thụ ít tài nguyên hơn, có tác động mạnh mẽ hơn cho môi trường.

Thực tế, những doanh nghiệp tiên phong, đang thực hiện chuyển đổi xanh về cơ bản đều là doanh nghiệp lớn, sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ là chưa nhiều.

Qua các dự án đã từng làm việc, chuyên gia này chỉ ra 2 rào cản với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. “Chỉ có quyết tâm và kế hoạch thực hiện là chưa đủ, doanh nghiệp phải nhận diện được sẽ thực hiện quá trình này thế nào, bằng cách nào, giai đoạn nào, công nghệ và giải pháp hiện liệu có thể tiếp cận hay không, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh ở đâu…”, ông Nam nói.

Bên cạnh thuận lợi, chuyển đổi xanh trong các doanh nghiệp hiện nay đối mặt với những thách thức. Ngoài công nghệ, còn là vấn đề chi phí cao, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất khi áp dụng chuyển đổi xanh... Các chính sách quy định cũng chưa cụ thể, chưa có hỗ trợ rõ ràng, thiếu sự đồng bộ, một số chính sách yêu cầu tuân thủ chưa được thực thi nghiêm ngặt khiến những doanh nghiệp chưa chuyển đổi xanh không có động lực thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng có thể chưa có đủ nguồn lực trong chuỗi cung ứng để tối ưu hóa cũng như hỗ trợ chuyển đổi xanh. Ví như nhà cung cấp không cung ứng được các nguyên vật liệu, mô đun, thiết bị đầu vào đáp ứng được tiêu chuẩn xanh của doanh nghiệp, gây cản trở cho tiếp cận vật liệu và thiết bị sạch. Nhiều nội dung phi kỹ thuật khác như dữ liệu chuyển đổi xanh, hệ thống đo lường và báo cáo chưa xây dựng đầy đủ cũng làm giảm hiệu quả quản lý phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, tiêu chuẩn xanh, yêu cầu giảm phát thải được coi là “giấy thông hành”, chìa khóa để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khó tính.

Lấy dẫn chứng từ ngành dệt may vốn đóng góp cho GDP và xuất khẩu cao, có lượng nhân công lớn, ông Nam phân tích, lĩnh vực dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mới không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu đang thực hiện các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, đồng nghĩa các doanh nghiệp thực hiện những việc liên quan đến may mặc, hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu cũng phải có cái nhìn thực tiễn, cập nhật, để tăng năng lực và sức cạnh tranh.

Trong chuyển đổi xanh và ESG, doanh nghiệp may mặc đang thực hiện bài bản, từ nhận dạng vấn đề, dấu chân carbon, đến việc có chiến lược tại doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp.

“Mỗi ngành nghề sẽ có một cơ hội, một giải pháp để thực hiện, miễn là doanh nghiệp đồng hành chung với xã hội, có trách nhiệm với xã hội, hiểu rằng chuyển đổi xanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang tới những giá trị lớn hơn về mặt thương hiệu, nhận diện và sẽ thúc đẩy khách hàng ủng hộ doanh nghiệp nhiều hơn”, TS Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-doi-xanh-mang-lai-gia-tri-tac-dong-kep-cho-cac-doanh-nghiep.htm